Cần Giúp Đỡ

Vụ từ chối bệnh nhân tâm thần: Trên dưới đổ lỗi cho nhau, bệnh nhân còn khổ dài

Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh nói lãnh Sở LĐ-TB-XH tỉnh này không biết thực trạng thiếu thốn của đơn vị, còn lãnh đạo cấp trên lại nói quyết định giao bệnh nhân tâm thần cô đơn về cho đơn vị này là hoàn toàn đúng. Và nếu cuộc tranh cãi không có hồi kết thì cuộc sống cơ cực của bệnh nhân tâm thần không nơi nương tựa sẽ còn kéo dài…

>> Chuyện về người tâm thần ở Hà Tĩnh: Chua xót cảnh khám bệnh qua… ảnh

Quyết định thiếu thực tế?

Như Dân trí đã thông tin, chị Nguyễn Thị Thành, SN 1972, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị bệnh tâm thần nặng từ nhỏ, căn bệnh ấy ngày một nặng hơn. Cách đây hơn 2 tháng, bà Tỉu, mẹ ruột là chỗ dựa duy nhất qua đời, chị Thành phải sống cảnh cô độc, không nơi nương tựa. Bị chứng bệnh tâm thần nên tất cả mọi sinh hoạt chị đều phải phụ thuộc vào bà con lối xóm, chính quyền.

vdldxh1-9747c
Từ ngày bị trả về chị Thành sống một mình trong căn nhà bé nhỏ. Chị sống được là nhờ sự cưu mang của bà con lối xóm, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

UBND xã Sơn Lễ và tham mưu của Phòng LĐTB&XH huyện Hương Sơn đã bàn bạc với nhau và gửi đề xuất lên Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh để xin cho chị Thành được chuyển vào Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh. Xét hoàn cảnh của chị Thành, ngày 19/6/2015, PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Thông đã ký quyết định 139/QĐ- SLĐTBXH đồng ý tiếp nhận chị Thành về trung tâm để chăm sóc, nuôi dưỡng. Quyết định ghi rõ: “Người khuyết tật bị bệnh thần kinh đặc biệt nặng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ở đây là chị Nguyễn Thị Thành – PV) được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội tỉnh Hà Tĩnh” thuộc Sở LĐTB&XH, đóng ở huyện Cẩm Xuyên.

Thế nhưng, vào chiều 24/6, khi đại diện chính quyền xã Sơn Lễ, Phòng LĐTB&XH huyện Hương Sơn đã thuê xe ô tô chở chị Thành đến trung tâm đã bị lãnh đạo đơn vị này từ chối tiếp nhận, trả về địa phương. Không còn cách nào khác đoàn cán bộ xã Sơn Lễ đã phải đưa chị Thành trở về quê trong nỗi uất ức, còn bà con lối xóm lại thương cho số phận hẩm hiu, bất hạnh của chị Thành.

Những ngày qua, PV Dân trí đã có các buổi làm việc hoặc liên lạc với ngành LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến vụ việc gây bất bình nêu trên. Ông Nguyễn Xuân Thông, Phó Giám đốc Sở khẳng định, hoàn cảnh của chị Thành là rất đáng thương tâm, người khuyết tật bị bệnh thần kinh đặc biệt nặng, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc diện đối tượng xã hội được nhà nước quan tâm, chăm sóc. Việc Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh quyết định tiếp nhận, giao chị Thành cho Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng là đúng với quy định của nhà nước.

Ông Thông khẳng định, Sở LĐTBXH tỉnh đã làm đúng quy trình, việc Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh không chấp hành quyết định hành chính của cấp trên, từ chối tiếp nhận chăm sóc nuôi dưỡng chị Thành là không thể chấp nhận, có ý chống đối và thiếu tận sự tình đối với đối tượng xã hội cần sự giúp đỡ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm nói trên lại bức xúc, cho rằng, tình cảnh của bệnh nhân Thành là rất bi đát, rất thương, nhưng lãnh đạo Sở LĐ-TBXH tỉnh đã thiếu thực tế khi ban hành quyết định tiếp nhận chị Thành về trung tâm. “Trung tâm chúng tôi mới thành lập, còn thiếu thốn quá nhiều thứ, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được. Chị Thành là người khuyết tật nặng, không tự vận động được, đi lại rất khó, cần có người chuyên môn chăm sóc nuôi dưỡng, tức là phải có điều dưỡng viên hoặc hộ lí, phải có cán bộ nữ. Và chí ít cũng có cái giường riêng, cái giường này phải thấp, để vừa chị nghỉ ngơi vừa tiểu tiện cho thuận lợi. Những cái tối thiểu nhất chưa có, lấy gì để chúng tôi chăm sóc?”, ông Sỹ nói.

vdldxh-683c4

Ông Nguyễn Văn Sỹ

Ngoài việc bức xúc về việc giao đối tượng xã hội khi cơ sở vật chất, con người chưa đảm bảo, ông Sỹ còn bức xúc trước việc lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh chỉ đạo theo hành chính mệnh lệnh mà không bàn bạc, thông tin trước để trung tâm có thời gian chuẩn bị.

“Phải 3 ngày sau khi đối tượng được đưa đến trung tâm chúng tôi mới nhận được công văn và quyết định của Sở trong việc giao tiếp nhận,trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng chị Thành. Bị động như thế chúng tôi xoay trở không kịp được”, ông Sỹ bức xúc.

Với lý do cơ sở vật chất không đảm bảo, ông Sỹ tiếp tục khẳng định, dù sở đã có quyết định giao trung tâm tiếp nhận chị Thành, nhưng trong thời gian tới trung tâm vẫn chưa thể tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân neo đơn này được.

“Không phải chúng tôi không muốn tiếp nhận chị Thành, chúng tôi cũng không chống đối Sở, mà việc này xuất phát từ thực tế là cơ sở vật chất không đảm bảo, quá thiếu nhiều thứ. Chăm sóc một con người, nói thế chứ cũng cần có những thứ thiết yếu nhất”, ông Sỹ nói.

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh: “Không thể chấp nhận được”

Trao đổi với Dân trí vào chiều ngày 5/8, ông Đoàn Đình Anh, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ông đã biết được nội dung vụ việc này qua báo Dân trí vừa đăng tải.

Theo ông Anh, một hoàn cảnh đáng thương như thế được nhà nước quan tâm, chăm sóc là điều đương nhiên. Có thể đơn vị còn khó khăn, nhưng việc một cơ sở hoạt động về công tác xã hội từ chối tiếp nhận, chăm sóc đối tượng xã hội sau khi có quyết định của cấp trên là không đúng với yêu cầu, chức trách, nhiệm vụ được giao và không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Anh, dù cấp dưới cấp trên gì thì việc để một đối tượng, hoàn cảnh neo đơn, bất hạnh như thế bị trả về địa phương lỗi đó cao nhất vẫn thuộc về Sở LĐ-TBXH tỉnh.

Ông Anh cho biết, do ông bận đi công tác nên trong vài ngày tới ông sẽ có cuộc làm việc với Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh để làm rõ nội dung bài báo nêu, để những trường hợp như chị Thành không bị thiệt thòi trước chính sách tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước đã dành cho các đối tượng xã hội.

Văn Dũng – Xuân Sinh/ Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP