Vỡ tan ước mộng thoát nghèo

Chúng tôi tìm về gia đình những nạn nhân bị thiệt mạng tại tỉnh Quảng Bình, chứng kiến những dòng nước mắt nghẹn ngào, tiếng khóc thét xé lòng của những người cha, người mẹ xót thương những đứa con đang vào tuổi xuân xanh ra đi không một lời từ biệt mà không khỏi xót xa. Người thân của họ đến với Formosa với cùng một mục đích và hy vọng, đó là “thoát nghèo”. Thế nhưng họ lại có chung một kết cục đau đớn, mãi mãi ra đi trong một vụ tai nạn kinh hoàng.

Khi chiếc xe cứu thương đưa thi thể anh Nguyễn Văn Bảo (SN 1983, trú tại xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch) về đến sân, bà Nguyễn Hoàng Thị Hiều (SN 1954, mẹ anh Bảo) lao ra ôm quan tài con khóc thét: “Bảo ơi, tỉnh lại đi con, sao con lại bỏ mẹ mà ra đi như vậy. Hôm qua, con mới gọi điện về cho mẹ mà, con ơi”. Là con út trong gia đình, anh chị đều đã yên bề gia thất, Bảo chưa một lần rời làng quê nghèo ven núi của mình để đi xa, nhưng vì thấy cảnh mẹ già sống khổ sở trong căn nhà cũ kỹ, anh quyết tâm theo bạn bè đi làm, kiếm tiền sửa sang lại căn nhà cho mẹ ở và cũng để tiết kiệm tiền lấy vợ, sinh con. Nào ngờ, chưa báo hiếu được cho mẹ già thì Bảo đã ra đi vĩnh viễn.

Là một thanh niên hiền lành, chịu thương, chịu khó, anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1987, ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) được bà con lối xóm quý mến vì là người sống có tình nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ. Gia đình khó khăn, cha già yếu, mẹ bệnh tật, Chiến lăn lộn khắp nơi để kiếm tiền. Khi biết khu công nghiệp Vũng Áng tuyển công nhân, Chiến đã xin vào làm mong có tiền nuôi dưỡng cha mẹ, làm chưa được bao lâu thì gặp tai nạn. Bên chiếc quan tài khói hương nghi ngút, bà Trần Thị Hiếu (mẹ Chiến) lê lết, gào khóc thảm thiết: “Mới đây thôi con còn bảo mẹ cố mà ăn nhiều để có sức khỏe, giờ con mất đi, mẹ biết trông cậy vào ai”. Còn ông Nguyễn Văn Hữu (bố Chiến) dường như vẫn không tin là đứa con trai của mình đã ra đi, ông thẫn thờ vừa đi tới đi lui bên chiếc quan tài vừa lẩm bẩm: “Chiến ơi, dậy đi, sao ba gọi mà con không trả lời!”. Được biết, gia đình nạn nhân Chiến thuộc diện khó khăn, mẹ Chiến bị liệt từ nhiều năm trước, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một tay Chiến gánh vác.

Trong căn nhà cấp 4 chật chội, chỉ đủ che nắng che mưa, bên thi thể em Trần Công Minh (SN 1994), bà Trần Thị Ngọc (mẹ nạn nhân) đau đớn gọi tên con trong vô vọng. Theo những người hàng xóm, gia đình Minh thuộc diện khó khăn, gia đình làm ruộng lại đông con. Các anh chị đều đi làm ăn xa, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Minh cũng chịu khó tu chí làm ăn để đỡ đần cho gia đình. Em mới đi làm được 4 ngày thì gặp tai nạn đau lòng trên.

Đại tang xóm nghèo

Trong số 7 công nhân người Quảng Bình thiệt mạng trong vụ sập giàn giáo ở Formosa, có đến 3 người cùng trú tại xã Lâm Trạch (huyện Bố Trạch). Xóm nghèo nay khoác áo đại tang. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, và cả những đứa trẻ bơ vơ không biết sẽ về đâu khi không còn bố. Trong căn nhà nhỏ cấp 4 chưa kịp tô trát của nạn nhân Nguyễn Văn Lịch (SN 1986, ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch) vang lên những tiếng nấc xé lòng của người vợ trẻ, tiếng khóc thét của đứa trẻ còn chưa kịp cai sữa khiến ai cũng phải quặn lòng.

Sớm mồ côi cha mẹ, một mình anh Lịch bươn chải nuôi bản thân rồi lập gia đình. Có với nhau hai mặt con cũng là lúc anh phải chạy ngược, chạy xuôi kiếm tiền lo liệu cho cái gia đình nhỏ. Nhờ chịu khó làm lụng, chắt bóp, rồi vay mượn khắp nơi, anh mới dựng được căn nhà nhỏ. Để có tiền trả nợ, hằng ngày, anh Lịch vẫn đi phát rẫy làm nương, thỉnh thoảng đi vác gỗ thuê ngày kiếm được gần 100.000 đồng. Mới đây, được người quen giới thiệu cho làm tại dự án Formosa, ai cũng mừng và mong anh kiếm được khoản tiền kha khá để về lo cho vợ và hai đứa con nhỏ đỡ vất vả hơn. Thế nhưng, niềm vui chưa được tày gang thì nỗi buồn quá lớn đã ập xuống gia đình bé nhỏ.

“Chỉ mới hôm qua anh vẫn còn chơi đùa với các con và dặn em ở nhà chăm lo cho hai đứa, anh cố gắng đi làm một thời gian để có tiền lo cho mẹ con em đỡ vất vả, thế mà giờ đây…”, chị Nguyễn Thị Thương (SN 1987, vợ anh Lịch) gào khóc thảm thiết. Hai đứa con anh Lịch, đứa lớn Nguyễn Thị Thu (5 tuổi) đang học mẫu giáo, đứa nhỏ Nguyễn Ngọc Thiên (2 tuổi) vừa cai sữa. Chúng đang ở cái tuổi còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau quá lớn mà gia đình phải hứng chịu. Trước sự ra đi của người cha, bọn trẻ vẫn hồn nhiên chơi đùa ngoài sân, thỉnh thoảng lại chạy vào trong hỏi mẹ. “Sao hôm nay nhà mình đông vui thế mẹ, sao mẹ lại khóc, ba của con có về không?…

Ở cách đó không xa, ngôi nhà nạn nhân Nguyễn Văn Dũng (SN 1982, cũng ở xã Lâm Trạch) não nề vang lên tiếng khóc của người mẹ già, người vợ trẻ và cả những đứa con thơ. “Sao anh bỏ mẹ con em mà đi nhanh vậy, vừa mới đây thôi anh còn bảo em ở nhà chăm lo cho các con, anh gắng đi làm kiếm thêm thu nhập để nuôi vợ nuôi con, thế mà giờ đây… Không có anh, mấy mẹ con em biết trông cậy vào đâu?”, chị Đinh Thị Phương – vợ nạn nhân Dũng – nghẹn ngào.

Theo những người hàng xóm, trước đây anh Dũng ở nhà làm ruộng, cùng vợ nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học. Nhưng do kinh tế khó khăn, vợ hay đau ốm, nên cách đây 2 năm anh cùng bạn bè ra Vũng Áng làm công nhân, nào ngờ tai nạn lại ập đến. Thật đau xót khi chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Khai – Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch – cho biết, cả 3 công nhân tại xã nghèo Lâm Trạch bị chết trong vụ tai nạn lao động thảm khốc trên đều chỉ mới vào làm việc tại Formosa chưa đến một tháng. Anh Nguyễn Văn Bảo và anh Nguyễn Văn Lịch chỉ mới đi làm được 4 ngày thì gặp nạn, chưa kịp nhận được tháng lương đầu tiên để giúp đỡ gia đình.

Trong căn nhà ba gian chật chội, bên di ảnh cùng chiếc quan tài của anh Trương Đình Tuấn (SN 1976, ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh), chị Trương Thị Mận (vợ anh Tuấn) như ngất lịm với những giọt nước mắt lăn dài trên má. Hai vợ chồng anh Chiến vốn là nông dân chân lấm tay bùn, hằng ngày vất vả làm lụng không đủ cái ăn cái mặc, cuộc sống khó khăn càng bế tắc hơn khi chị Mận sau khi sinh đứa thứ hai thì phát hiện mình bị khối u ác tính trong người phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị. Thương vợ, anh Tuấn tìm mọi cách để kiếm tiền để chạy chữa.

Từ ngày ra làm tại khu Khu Kinh tế Vũng Áng làm việc, dù đường xá xa xôi nhưng hầu như tháng nào anh cũng chịu khó về nhà thăm vợ, thăm con vài lần. Chị Mận kể, chỉ vài tiếng trước khi vụ tai nạn xảy ra, anh còn gọi điện nói sáng mai xong ca làm việc sẽ về nhà đưa chị đi khám bệnh, nhưng chuyện đó mãi mãi sẽ không thành hiện thực. “Chừ em và con biết sống răng đây, anh Tuấn ơi!”, chị Mận nấc lên những tiếng nghẹn lòng, đôi mắt thất thần nhìn vào khoảng không vô định.

Sự cố sập giàn giáo xảy ra vào 19h50 phút ngày 25.3 tại khu vực thi công giếng chìm (cầu cảng số 7) Dự án Formosa do Cty Samsung C&T (Hàn Quốc) làm nhà thầu thi công, Cty CP Xây dựng và Cung ứng lao động Quốc tế (Nibelc) làm nhà thầu phụ. Ngày 31.3, Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết, đang xác định việc có hay không nhà thầu ở Quảng Bình hợp đồng với lao động tại các huyện trong tỉnh rồi đưa vào làm việc thời vụ dẫn đến việc các công nhân gặp nạn tại Dự án Formosa.

Liên quan đến việc khắc phục hậu quả vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa, những ngày qua, rất nhiều đơn vị, tổ chức đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình ở tỉnh Quảng Bình có người tử vong và bị thương. Trong đó Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 5 triệu đồng/người, hỗ trợ người bị thương 3 triệu đồng/người. UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân bị tử vong 5 triệu đồng/người, hỗ trợ người bị thương 2 triệu đồng/người. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương ở tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho các gia đình các nạn nhân. Cty Sam Sung và Nibelc đã trao cho các trường hợp tử vong số tiền 460 triệu đồng/người nhằm khắc phục hậu quả vụ việc.