Trâu đội giá gấp đôi, người dân không hoặc được cấp hoặc bị cắt xén tiền hỗ trợ thức ăn cho trâu. Dấu hiệu khuất tất, ăn chặn tiến đang dần lộ từ dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ” ở xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh
Con trâu đực của gia đình bà Phạm Thị Thuận (một năm sau khi dự án cấp cho). Ảnh: Cẩm Kỳ.Con trâu đực của gia đình bà Phạm Thị Thuận (một năm sau khi dự án cấp cho). Ảnh: Cẩm Kỳ.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi (ƯDKHKT&BVCTVN) huyện Vũ Quang triển khai mô hình dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ” nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tại xã Hương Thọ. Tổng cộng 15 con trâu, trong đó 14 con cái và 1 con đực, đã được các thành viên trong dự án ra trại Ba Vì (Sơn Tây, Hà Nội) lựa chọn và phát cho các hộ nghèo, cận nghèo trong xã.

Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Thái Đình Hà (con trai của bà Phạm Thị Thuận, thuộc hộ cận nghèo tại xóm 5 xã Hương Thọ) cho biết, gia đình anh được dự án hỗ trợ một con trâu đực còn nhỏ, lúc nhận trâu, phía ban dự án yêu cầu gia đình anh ký biên bản nhận trâu, trong đó ghi rõ con trâu mà gia đình anh nhận được có giá 42 triệu đồng. “Không biết bên phía dự án có mua trâu với giá cao như thế hay không nữa. Nói thật từ khi gia đình chúng tôi nhận trâu đến giờ nuôi được hơn một năm rồi nếu có định giá để bán thì cũng chưa chắc đã được giá lớn như vậy”, anh Hà nói.

Anh Đinh Quốc Long (trú tại xóm 1, xã Hương Thọ) chia sẻ, gia đình anh thuộc hộ cận nghèo của xóm nên anh được UBND xã thông báo hỗ trợ một con trâu cái. “Khi nhận trâu, tôi có ký vào biên bản của dự án. Tôi thấy trong biên bản ghi rõ con trâu của tôi có giá hơn 33 triệu đồng, nhưng so với thực tế lúc đấy, tôi nghĩ con nghé đó chỉ có giá hơn chục triệu đồng thôi”, anh Long nói.

Khuất tất đáng ngờ từ dự án cấp trâu cho hộ nghèo - ảnh 1Hóa đơn mua trâu của dự án. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ nói với PV Tiền Phong rằng, trước khi triển khai dự án phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN huyện Vũ Quang có về địa phương và tổ chức cuộc họp thông báo xã Hương Thọ được hỗ trợ 15 con trâu. Trong cuộc họp ông có nghe thành viên dự án nói rằng, mỗi con trâu được hỗ trợ có giá từ 15 đến 25 triệu đồng.“Chúng tôi chỉ là đơn vị tiếp nhận rồi cùng đoàn dự án ra tận trại giống để mang trâu về, chứ về giá cả từng con trâu hay tổng kinh phí của toàn bộ dự án là bao nhiêu thì chúng tôi không được biết”, ông Cường nói.

Không trao hết tiền hỗ trợ thức ăn

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Quốc Hội, Giám đốc Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN huyện Vũ Quang, cho biết, dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ” có tổng giá trị hơn 500 triệu đồng. Trung tâm đã cùng với xã trực tiếp ra trại giống để mang trâu về.

Ông Hội khẳng định, giá của những con trâu trong dự án có chênh lệch so với thực tế, nếu tính giá trị thực trên thị trường, khả năng mỗi con trâu chỉ có giá khoảng 20 – 25 triệu đồng.

PV hỏi vì sao lại có sự chênh lệch đó thì ông Hội trả lời: “Đây là dự án họ cho không người dân nên mình cũng không đưa lên cân đo đong đếm làm gì”.

Khuất tất đáng ngờ từ dự án cấp trâu cho hộ nghèo - ảnh 2Những hộ dân không nhận đủ số tiền hỗ trợ thức ăn chăn nuôi như báo cáo đã nêu. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Theo tài liệu mà PV có được, trong báo cáo của Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN, giá mỗi con trâu được tính theo trọng lượng, theo đó, trâu đực sẽ có giá 100 nghìn đồng/kg, còn trâu cái có giá 95 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi quyết toán, Trung tâm đã quy đều cho 14 con trâu cái đều cùng một giá là 33,25 triệu đồng/con, còn trâu đực nặng 420kg có giá 42 triệu đồng.Cũng trong báo cáo, Dự án còn cấp cho những hộ nhận trâu cái 1,716 triệu đồng tiền hỗ trợ thức ăn, riêng hộ nhận trâu đực được hỗ trợ 7,722 triệu đồng. Trên thực tế, các hộ dân không được hưởng toàn bộ chi phí hỗ trợ thức ăn như trong báo cáo đã nêu.

Anh Nguyễn Văn Thọ (SN 1974, trú tại xóm 3, xã Hương Thọ) nói: “Sau khi được tập huấn về cách chăn nuôi trâu sinh sản, gia đình tôi được nhận một con trâu về. Khoảng 4 tháng sau, tôi cùng những hộ dân khác được nhận thêm khoản tiền 300 nghìn đồng tiền hỗ trợ thức ăn, chứ không phải hơn 1 triệu như các anh thông tin”. Chị Phan Thị Tuyết (vợ anh Đinh Quốc Long) nói: “Thấy trong giấy tờ ký nhận tiền hỗ trợ thức ăn hơn 1 triệu đồng nhưng thấy ai cũng nhận 300 nghìn nên chúng tôi cũng không dám thắc mắc gì cả”.

Giải thích về số tiền hỗ trợ thức ăn chăn nuôi cho bà con bị chênh lệch, ông Võ Quốc Hội nói rằng, có trao khoản tiền hỗ trợ thức ăn chăn nuôi là 500 nghìn đồng, chứ không trao hết số tiền 1,7 triệu đồng như trong báo cáo đã nêu. “Không trao hết số tiền hỗ trợ thức ăn cho bà con bởi chúng tôi phải trích ra một khoản để chi trả tiền đi lại và ăn uống cho các nhân viên trong những lần ra Hà Nội để lấy giống”, ông Hội nói.

(theo Tiền Phong)