Tin Hà Tĩnh

Vũ Quang (Hà Tĩnh): Vì sao 2 nhà máy nước 14 tỷ đồng bị người dân “từ chối” sử dụng?

Được đầu tư 14 tỷ đồng để phục vụ người dân khu tái định cư của Dự án Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang nhưng 2 nhà máy nước vừa đi vào hoạt động đã đục ngầu, hôi tanh. Người dân phải chuyển sang dùng nước giếng khoan hoặc lấy nước từ các dòng suối để phục vụ sinh hoạt, ăn uống.

Tại Khu tái định cư xã Hương Quang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), nhà máy nước sạch được đầu tư 7 tỷ đồng để phục vụ cho gần 200 hộ dân, nhưng vừa mới đưa vào hoạt động thì đã không một ai sử dụng do nước quá bẩn. Mặc dù vậy, hàng ngày nhà máy vẫn cấp nước bình thường, được miễn phí sử dụng trong vòng 2 năm nên người dân chỉ dùng để tưới cây, thậm chí nhà máy nước xã Hương Quang sau khi bàn giao được 4 tháng đã phải đóng cửa để chờ xử lý.

Xả nước vào thau để bưng đi tưới cây, chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn Kim Quang, xã Hương Quang, huyện Vũ Quang phàn nàn: “Khoảng hai tháng đầu nhà máy đi vào hoạt động, chồng tôi đi làm về dùng nước máy để tắm rửa thì phát hiện nước đục, có váng vàng và mùi tanh hôi rất khó chịu nên phải đi tắm lại bằng nước lấy từ khe suối về”.

“Mấy tháng nay gia đình tôi chỉ dám dùng nước máy để tưới cây thôi. Thật sự chúng tôi rất bức xúc vì đầu tư nhà máy nước lên tới 7 tỷ đồng mà giờ dân không ai dám sử dụng”, chị Hương phản ánh.

Nước từ 2 nhà máy này đều có màu nước đục và mùi hôi tanh. Arnh: T.L

Qua tìm hiểu chất lượng nước máy ở các thôn khác, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu đầy thất vọng và khó chịu. Theo người dân ở vùng này thì nguyên nhân của nước không đảm bảo chất lượng là do vùng lòng đất trước đây không được dọn dẹp sạch sẽ, nay cây cối mục nát, rong rêu phát triển nhiều; thêm vào đó, con đập dùng để lấy nước thô có các hộ dân nuôi cá…

Để có nước sạch sinh hoạt, các hộ dân nơi đây lại phải đi dẫn nước ở một khe suối bên cạnh để về sử dụng. Thậm chí có nhiều gia đình cách xa con suối phải bỏ thêm một khoản chi phí khá lớn, để khoan thêm giếng lấy nước sinh hoạt.

Trao đổi với ông Nguyễn Trường Thọ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hương Quang, ông cho biết, nhà máy này được bàn giao cho xã quản lý vào tháng 1/2018, khi mới đưa vào sử dụng thì nước đạt chất lượng tốt, nhưng được vài tháng thì nước xuất hiện váng vàng và mùi hôi khó chịu nên người dân không dám dùng để nấu ăn, sinh hoạt. Hiện tại chúng tôi đã phải đóng cửa để chờ các cơ quan chức năng xuống kiểm tra, xử lý.

Không riêng gì nhà máy nước xã Hương Quang, nhà máy nước xã Hương Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cũng được đầu tư xây dựng 7 tỷ đồng để phục vụ cho 130 hộ dân thuộc 4 thôn khu tái định cư trong xã nhưng cũng đang rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” này.

Ông Đặng Khánh Trình, Chủ tịch UBND xã Hương Điền, huyện Vũ Quang cho biết, nhà máy nước sạch mới đi vào hoạt động nhưng đã bộc lộ nhiều tồn tại bất cập: nguồn nước dẫn từ đập vào bể quá bẩn, màu nước đục, có mùi hôi tanh.

“Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước này vào nấu ăn, sinh hoạt để chờ các cơ quan chức năng xuống kiểm tra, khắc phục”, ông Trình cho biết thêm.

Được biết, cả 2 nhà máy nước này đều do Ban bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang làm chủ đầu tư. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần XD&TM Thái Hoàng (TP. Hà Tĩnh).

Theo đó, tháng 12/2017, các đơn vị liên quan đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình cho UBND xã Hương Điền; còn tháng 1/2018 bàn giao cho UBND xã Hương Quang để đưa vào sử dụng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Cả 2 nhà máy này vừa được bàn giao vài tháng thì đã bắt đầu trục trặc, nước có váng vàng và mùi hôi.

Nhà máy nước xã Hương Quang có tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng, sau khi bàn giao được 4 tháng thì trục trặc và phải đóng cửa để chờ xử lý. Ảnh: P.V

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Yên, Trưởng ban bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang cho biết, một trong những nguyên nhân mà hai nhà máy nước sạch vừa đưa vào sử dụng đã gặp trục trặc là do nguồn nước vào.

“Đáng lẽ là lấy nước ở tầng trung nhưng nhà máy ở Hương Quang, ống họng dẫn nước bị tụt xuống tầng đáy; còn ở nhà máy ở Hương Điền do đập nước bị cạn nên cũng phải mở van lấy nước ở tầng đáy. Trong khi, những đập nước này ban đầu thiết kế chỉ để phục vụ thủy lợi nên khi triển khai có một lớp thực bì bị ngập nước nên dẫn tới chất lượng nước ở tầng đáy không đảm bảo”, ông Yên cho biết.

Một nguyên nhân nữa là do chính quyền địa phương không có kỹ thuật vận hành nhà máy. “Do người vận hành máy của xã không có kỹ thuật. Lúc bàn giao chúng tôi đã có tập huấn nhưng theo kiểu chuyền tay, chứ đúng ra là các địa phương phải cử người đi học cách vận hành máy”.

Cũng theo ông Yên, phía đơn vị đang nhờ các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các sự cố để đưa các nhà máy sớm hoạt động trở lại.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP