Kỳ Anh

Vụ PV Tiền Phong bị hành hung: Không thỏa đáng!

Báo Tiền Phong nhận được Công văn số 73/CV-CAT(PC16) đề ngày 14/01/2010 của Công an tỉnh Hà Tĩnh, thông báo kết quả điều tra bước đầu vụ việc hai PV báo Tiền Phong bị hành hung ngày 6-1 tại xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhận định ban đầu


Sau khi nêu khá kỹ về cuộc cưỡng chế xây dựng trái phép tại xã Kỳ Thọ sáng 6 – 1, Công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Khoảng 9 giờ 15 phút ngày 6 – 1, ông Võ Minh Châu (PV Tiền Phong), Phạm Minh Thùy (PV Tiền Phong), Phan Tùng Lưu (PV Văn Nghệ trẻ), Trần Đình Đức (lái xe taxi – chú thích của báo Tiền Phong) và ông Hoàng Hữu Bình vào quán chị Lương Thị Mai để uống nước.


Đến khoảng 9 giờ 34 phút, ông Châu, Thùy, Lưu, Đức và Bình đứng dậy đi ra khỏi quán chị Mai, lúc đó có bốn người gồm Dương Minh Trang, Lương Đình Mậu, Nguyễn Tiến Lý, Cao Xuân Phanh, công dân xã Kỳ Thọ, vào quán chị Mai, ngồi ở bàn phía trước gần cổng ra vào để uống bia”.


Công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết tiếp: “Khi nhóm ông Châu đi qua bàn của bốn người này thì Trang và ông Châu, do chấp nhau trong lời nói và ứng xử, Trang đã dùng tay đấm vào mặt, cởi mũ bảo hiểm xe máy đang đội trên đầu đánh ông Võ Minh Châu vào đầu.


PV Minh Thùy vào can ngăn, bị Trang đấm vào miệng. Sau đó, ông Châu và anh Thùy chạy ra đường và lên xe ô tô của ông Đức, Trang được người dân can ngăn, lên xe máy đi về”.


Công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh không nêu nội dung trích dẫn trên đây là theo trình bày của phía bị hại (các PV), hay của các nhân chứng, hay là của chính phía đã có hành vi trái pháp luật (ông Dương Minh Trang).


Công văn này cũng không nêu, đây là kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh, hay nội dung thông tin này đã được Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp điều tra làm rõ.


Ông Bình không đi cùng các PV


Theo nhiều tài liệu và nhân chứng mà các PV báo Tiền Phong có và gặp, nội dung công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh được trích dẫn trên đây có nhiều điểm chưa thỏa đáng.


Trước hết, việc hai PV báo Tiền Phong, một PV báo Văn Nghệ trẻ và anh tài xế taxi đi cùng nhau vào quán nước chị Mai là phù hợp lời trình bày của những người này với các cán bộ điều tra Công an huyện Kỳ Anh.


Còn người thứ năm (ông Hoàng Hữu Bình nào đó), theo công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh thì ông này cũng đi cùng các PV, là chưa chính xác.


Các PV khẳng định, họ không đi cùng người đàn ông tên Bình này. Khi các PV và tài xế taxi vào quán, đã thấy ông Bình ngồi đó rồi (không cùng bàn với các PV). Tuy nhiên, cũng như bà Mai chủ quán, ông Bình là một nhân chứng quan trọng, vì đã chứng kiến hầu như toàn bộ vụ việc.


Không có chuyện “chấp nhau lời nói, ứng xử”


Nhà báo Võ Minh Châu cũng đã trình bày với cán bộ điều tra, khi cuộc cưỡng chế kết thúc, nhà báo Châu vừa bước ra khỏi nhà ông Lương Đình Dương (đối tượng bị cưỡng chế) thì lập tức bị một số đối tượng ném đá vào người.


Nhà báo Võ Minh Châu gọi điện cho anh Đức lùi xe vào sát thềm nhà ông Dương rồi mới lên xe. Khi xe lăn bánh, có một nhóm người lạ mặt bám theo, và sau đó đã xảy ra sự việc bị hành hung.


PV Minh Thùy cũng đã trình bày với cán bộ điều tra Công an huyện Kỳ Anh: Khi lao vào can ngăn, PV Minh Thùy bị Trang dùng tay đấm thẳng vào mặt. Sau đó, Trang rút dao trong người ra hô lớn “Mi mà vô đây tao giết”.


Sau khi rượt đuổi PV Minh Thùy, Trang quay lại, tiếp tục dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu, mặt, khiến nhà báo Võ Minh Châu ngã gục tại cửa xe taxi.


Không chỉ có lời trình bày của hai PV Tiền Phong rằng hoàn toàn không có chuyện đôi co, xích mích giữa nhà báo Võ Minh Châu và đối tượng Trang, mà nhân chứng quan trọng là anh Trần Đình Đức (tài xế taxi) cũng đã trình bày rất rõ với cán bộ điều tra:


Khi nhà báo Võ Minh Châu đi qua bàn đối tượng Trang ngồi (các PV không rõ Trang và một số người vào ngồi đây lúc nào, vì các PV ngồi ở phía trong), đối tượng này lập tức đứng dậy hỏi “Mi là nhà báo Võ Minh Châu à?”, rồi đấm thẳng vào mặt nhà báo Võ Minh Châu.


Chứng cứ quan trọng


Những nội dung báo Tiền Phong nêu trên đây, không chỉ dựa vào lời tường trình của các PV, mà còn dựa vào một tài liệu quan trọng, đã được chính Công an huyện Kỳ Anh thu thập.


Đó là “Biên bản sự việc”, được cán bộ điều tra Công an huyện Kỳ Anh lập tại quán chị Mai, ngay sau khi sự việc xảy ra. Biên bản này có chữ ký của cán bộ lập biên bản là điều tra viên Hà Văn Sáng, chữ ký của hai nhân chứng quan trọng là chị Lương Thị Mai (chủ quán) và ông Hoàng Hữu Bình (khách uống nước).


Trong biên bản này, cả ông Bình và chị Mai đều không nói có chuyện “chấp nhau lời nói, ứng xử” giữa đối tượng Trang và nhà báo Võ Minh Châu. Chị Mai khai rất rõ: “Anh Trang đã dùng mũ bảo hiểm đánh anh Võ Minh Châu liên tục vào mặt và đầu, đuổi anh Thùy. Khi đuổi, trên tay anh Trang cầm dao”.


Hiện các PV Tiền Phong vẫn lưu giữ bản chụp “Biên bản sự việc” nêu trên, và tài liệu này chắc chắn cũng đang nằm trong hồ sơ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh.


Không hiểu sao nội dung của nó lại không được nhắc đến trong công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh gửi báo Tiền Phong?


TP

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP