Xã hội

Vụ lật ca nô ở Hội An: Diễn biến bi thương qua lời kể thuyền trưởng, thuyền phó

Cả 2 vị thuyền trưởng và thuyền phó từ hôm qua đến nay vẫn còn thất thần. Họ cầu nguyện sớm tìm được các nạn nhân còn mất tích.

Thấy có lỗi vì không cứu được tất cả mọi người

Ông Trần Quý, (SN 1973), ngụ Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết là thuyền phó của chiếc ca nô bị nạn. Tại đảo Cù Lao Chàm, khi các hành khách lên ca nô, ông yêu cầu tất cả mọi người mặc áo phao. Ca nô chạy, ông ngồi phía đuôi để dễ quan sát hành khách.

Khi còn cách đất liền khoảng 3 km, ca nô lật úp trong tích tắt. Nước tràn vào nhanh, mọi người hoảng loạn.

Ông hét lớn, yêu cầu mọi người bình tĩnh. Tuy nhiên, mọi người hoảng loạn nên không ai nghe theo. Ông lặn xuống dưới, thoát ra khỏi bụng ca nô. Ông nghe tiếng la hét bên trong nên lại lặn vào, kéo được 10 người ra ngoài.

Ông Trần Quý, thuyền phó ca nô bị nạn.


Sức ông đuối. Tiếng la hét bên trong cũng không còn. “Sự im lặng lúc đó thật đáng sợ”, ông nói.

Sau đó, ông cũng như những người còn sống được cứu hộ đưa vào bờ.

Từ hôm qua đến nay, ông Quý không chịu về nhà. Ông ngồi ở bờ biển mong ngóng thông tin những người bị nạn. Khi tàu cứu hộ cập bến, ông lại lao đến xem.

“Tôi thấy mình có lỗi vì không cứu được tất cả mọi người. Mọi việc xảy ra quá nhanh, quá đau lòng”, ông Quý nói.

“Mọi thứ diễn ra quá ám ảnh”

Trong khi đó, ông Lê Sen, (SN 1970), ngụ Tp.Hội An, thuyền trưởng tàu ca nô Phương Đông cho hay, vẫn còn thất thần do vụ tai nạn ngày hôm qua.

Ông gắn bó với nghề biển từ năm 10 tuổi. Khoảng 5 năm trở lại, ông hành nghề lái ca nô chở khách du lịch từ Cửa Đại ra đảo Cù Lao Chàm kiếm sống.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, hơn năm trước ông thất nghiệp. Từ Tết Nguyên đán, dịch vãn, chủ ca nô Phương Đông lại gọi ông làm việc. Mỗi ngày, ông chạy một chuyến. Mỗi tháng, thu nhập ông 6 triệu đồng.

Đầu giờ chiều ngày 26/2, ông đón khách từ đảo Cù Lao Chàm vào lại đất liền. Tất cả hành khách lên ca nô đều mặc áo phao vì là điều kiện bắt buộc.

Ông Sen thấy vụ tai nạn quá ám ảnh.


Khi rời đảo, ca nô chạy với tốc độ 40 đến 45 km/h. Khi gần vào bờ, tàu giảm tốc xuống còn 30 km/h.

Cách đất liền khoảng 3 km, phát hiện có đợt sóng lớn ập đến, ông giảm tốc chờ sóng êm để đi qua. Tuy nhiên, con sóng ập vào mạn khiến ca nộ lật úp. Mọi thứ diễn ra quá nhanh.

Ông hoảng loạn khi ca nô lật. Lát sau, lấy được bình tĩnh, ông bơi đến, cứu được 4 người thì ngất xỉu. Sau đó, nhiều ca nô du lịch và ca nô biên phòng Cửa Đại đến cứu thêm nhiều người.

Ông Sen thông tin thêm, đây là lần đầu tiên gặp trường hợp trên. Ca nô không va chạm gì, cũng không mắc cạn.

Ông đã quá quen với luồng lạch ở Cửa Đại. Khoảng 5 năm trở lại, có một cồn cát được bồi ở phía ngoài biển Cửa Đại nên thường xuyên có sóng.

Từ hôm qua đến nay, ông vẫn chưa thể ăn gì. Mọi thứ diễn ra quá ám ảnh. Đêm qua, ông không ngủ được.

Rạng sáng 27/2, ông đi rảo bờ biển nghe ngóng thông tin về các nạn nhân mất tích. Sau đó, ông cùng người dân ra khu vực ca nô bị chìm để tìm kiếm. Lúc trở lại bờ, ông vẫn còn thất thần.

Người thân thắp nhang cầu mong sớm tìm được những người xấu số.


“Tôi hy vọng lực lượng chức năng sớm tìm thấy hai thể của hai nạn nhân còn lại. Tôi nghe nói, đó là hai cháu bé. Mọi chuyện thật đau lòng”, ông Sen nói.

Theo Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Quảng Nam, ông Sen được cấp bằng thuyền trưởng hạng TY3 lần đầu vào ngày 30/11/2016 và hết hạn vào ngày 30/11/2021. Hôm 10/2/2022, ông này được Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Quảng Nam cấp lại bằng thuyền trưởng hạng TY3, có thời hạn đến 10/2/2027.

Ngoài ra, ông Sen được cơ quan chức năng cấp các chứng chỉ chuyên môn điều khiển ven biển, điều khiển cấp độ cao I, an toàn cơ bản, an toàn ven biển, chứng chỉ máy trưởng đang còn thời hạn.

Vụ tai nạn xảy ra vào chiều 26/2. Ca nô du lịch của Công ty TNHH MTV du lịch Phương Đông chở 36 hành khách cùng 3 thuyền viên từ đảo Cù Lao Chàm vào Cửa Đại thì bất ngờ bị lật. Đến nay, cơ quan chức năng xác định, 15 người tử vong, 2 người mất tích.

Tác giả: Nguyễn Duy Cường

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP