Dự án đầu tư

Vụ làm “trôi sông” hàng chục tỉ: Sở NN&PTNT Hà Tĩnh “phớt lờ” cảnh báo của tư vấn thiết kế?

Mặc dù, phía Tư vấn thiết kế đã có văn bản nên rõ những nguy cơ tiềm ẩn khi thực hiện dự án nhưng phía chủ đầu tư là Sở NN&PTNT Hà Tĩnh vẫn quyết tâm thực hiện. Và hậu quả là hàng chục tỉ đồng tiền nhà nước đã bị “trôi sông” hết sức lãng phí…

>> Ai chịu trách nhiệm việc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm “trôi sông” hàng chục tỉ đồng?

>> Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm “trôi sông” 26 tỉ đồng tiền nhà nước

Đã biết trước sẽ có địa chất cát chảy vẫn đồng ý thực hiện dự án?

Báo Tầm nhìn thời gian qua đã có loạt bài phản ánh về việc các nhà thầu đang thi công hai gói thầu số 16, 17 của Hạng mục kênh trục Hữu Ninh (thuộc Dự án Cống đò điểm và Kênh trục sông Nghèn (Hà Tĩnh) – dự án do Sở NN&PTNT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư) thì bất ngờ bị dừng lại.

Trong quá trình đi tìm hiểu cụ thể hơn về sự việc này, PV nhận thấy có nhiều sự bất cập trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là ở khâu tư vấn thiết kế và phê duyệt thực hiện hạng mục này.

Dự án này được chia làm 6 gói thầu (từ gói 12 đến gói 17), giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm Chủ đầu tư, bắt đầu tiến hành khởi công vào ngày 18/6/2013, tiến độ thi công là 24 tháng.

Hai gói thầu đang thi công thì bị dừng lại

Tuy nhiên, trong khi các gói thầu khác được thi công bình thường thì riêng hai gói thầu số 16 và 17 trị giá hàng chục tỷ đồng, khi các nhà thầu đang thi công thì bất ngờ bị dừng lại giữa chừng.

Nguyên nhân được xác định là do thiết kế ban đầu không phù hợp với nền địa chất cát chảy.

Việc bị dừng giữa chừng đã gây thiệt hại đối với các nhà thầu thi công và lãng phí một số tiền lớn của nhà nước.

Ông Nguyễn Xuân Hành – Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết sau khi hai gói thầu bị dừng, chủ đầu tư đã xin ý kiến của Bộ về việc điều chỉnh thiết kế và đã được Bộ đồng ý. Số tiền hai gói thầu khi được điều chỉnh là tương đương nhau, các nhà thầu cũ vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện, đồng thời, những thiệt hại của nhà thầu sẽ được đền bù khi các bên thống nhất, bàn bạc với nhau.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là việc, tại sao sau khi tất cả các khâu, trong đó có khâu khảo sát thiết kế… đã được thực hiện đúng quy trình, được chủ đầu tư xem xét kỹ, quyết định sau đó mới trình Bộ NN&PTNT và được đồng ý phê duyệt, mà sau đó, trong quá trình thi công, thực hiện các gói thầu thì lại bị dừng do gặp địa chất cát chảy? Rồi sau đó cũng chính phía chủ đầu tư lại trình Bộ thay đổi phương án thi công mới và cũng được Bộ đồng ý.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi, công trình đang thi công thì phải dừng do thiết kế ban đầu không phù hợp với nền địa chất cát chảy vốn có, phải chăng là do khâu khảo sát thiết kế ban đầu có vấn đề?

Đã có cảnh báo trước nhưng vẫn tiếp tục thực hiện

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, PV đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi Hà Tĩnh.

Ông Khánh cho biết: các đơn vị tư vấn thiết kế của hạng mục này gồm có Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh (đứng đầu), Công ty Tư vấn Miền Trung và Công ty Tư vấn Thăng Long.

Theo như ông Khánh thì vào ngày 28/5/2010, thời điểm trước khi thi công một thời gian rất lâu, đơn vị Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh đã có công văn số 82 gửi Sở NN&PTNT Hà Tĩnh để cảnh báo về nền địa chất cát chảy ở khu vực thực hiện hạng mục này.

Ngày 28/5/2010, thời điểm trước khi thi công một thời gian rất lâu, đơn vị Công ty CP tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh đã có công văn số 82 gửi Sở NN&PTNT Hà Tĩnh để cảnh báo về nền địa chất cát chảy ở khu vực thực hiện hạng mục này.

Cụ thể, ông Khánh đã đọc cho PV nghe về những cảnh báo mà thời điểm đó ông đã đưa ra: Ở mục “Những tồn tại trong giai đoạn lập dự án”, phần “điều kiện địa chất” đã ghi rất rõ: “Giai đoạn dự án: lớp 6, cát màu tro xám, bão hòa nước, kết cấu chặt vừa, nguồn gốc trầm tích biển.

Giai đoạn thiết kế BVTC: Xác định tầng địa chất đúng như trên và mực nước ngầm xác định trong các hố khoan ở cao trình +0,00m. Phần lớn đây là tầng cát chảy. Chúng tôi đã cho thi công đào thử, khi ở độ sâu dưới cao trình +0,00m thì không thể đào được vì hiện tượng cát chảy làm sạt lỡ vách đào mức độ mãnh liệt…

Tuy nhiên, trong dự án kết cấu mặt cắt kênh trục hình thang và chưa đề cập đến giải pháp thi công dưới tầng cát chảy có chiều dày 3-5m như thế nào?

Trên đây là những nội dung chính nếu không được làm rõ và bổ sung sửa đổi thì ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công các đơn vị tư vấn sẽ bị vướng mắc”.

Công ty ông Khánh cũng đã có đề xuất: “Cơ quan chủ đầu tư cần báo cáo với Bộ Nông nghiệp- PTNT (cơ quan phê duyệt đầu tư dự án) biết để cho phương án giải quyết một cách thích hợp”. 

Ngoài ra, trong văn bản này cũng nêu rằng “Tuyến kênh nhạy cảm vì: Tuyến kênh dài, đào sâu chạy phần lớn trên nền địa chất cát, dễ tổn thương do bồi lấp, sạt lở sau các mùa mưa lũ…Tuyến kênh thi công qua vùng cát chảy, mực nước ngầm cao nên điều kiện thi công, giải pháp thi công ở giai đoạn dự án chưa được đặt ra đầy đủ, nên ở giai đoạn tiếp theo kinh phí phải tăng lên khá cao”.

Và theo như ông Khánh, dù đã được cảnh báo trước nhưng các phương án thiết kế  – dù chưa phù hợp với nền địa chất cát chảy trên – vẫn được thực hiện.

Ông Nguyễn Quốc Khánh: “Dù đã được cảnh báo trước nhưng các phương án thiết kế  – dù chưa phù hợp với nền địa chất cát chảy trên – vẫn được thực hiện”.

Khi PV đặt câu hỏi, vậy trong sự việc này, theo ông thì ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm? thì ông Khánh nói rằng: Ông không thể trả lời được câu hỏi là trách nhiệm thuộc về ai (?).

Và ông Khánh cho rằng, việc ai đúng, ai sai ở sự việc này phải đặt đúng vào thời điểm của nó.

Vậy nếu như theo lời ông Khánh nói, thì đáng lẽ ra, với điều kiện địa chất và cảnh báo đã được biết như trên, thì cần phải có khảo sát thiết kế kỹ càng, tìm được phương án phù hợp nhất với điều kiện cát chảy rồi mới tiếp tục trình phê duyệt dự án. Thì ngược lại, để có được tiền đầu tư dự án trên, liệu có phải chủ đầu tư đã bất chấp khâu tư vấn thiết kế có vấn đề, bản thiết kế không phù hợp với nền địa chất cát chảy đã được cảnh báo trước đó mà vẫn trình Bộ NN&PTNT để được phê duyệt thực hiện.

Và kết quả là, lời cảnh báo trên đã thành hiện thực khi hai gói thầu số 16 và 17 phải dừng thi công, gây ra một  lãng phí công sức và hàng chục tỉ đồng của nhà nước?

Chủ đầu tư nói gì?

Để giải đáp những thắc mắc trên, đặc biệt là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “ai chịu trách nhiệm?” cho vụ việc này, chúng tôi đã tìm đến Sở NN&PTNT Hà Tĩnh.

Để gặp lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tìm hiểu vụ việc này quả thật là một khó khăn. Sau nhiều lần hẹn gặp nhưng không thành vì nhiều lí do, gần hai tuần sau, ông Đặng Ngọc Sơn – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã ủy quyền cho ông Đặng Phi Hùng – Người vừa lên nhận chức Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (thuộc Sở NN&PTNT) hồi cuối năm 2014 trả lời.

Ông Hùng cũng trình bày lại những vấn đề mà ông Nguyễn Xuân Hành – Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh đã nói trước đó.

Ông Đặng Phi Hùng – Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình –  Sở NN&PTNT (người ngồi bên trái): ““Nếu đã cảnh báo trước như vậy, tại sao lúc đó ông Khánh không ra sức bảo vệ quan điểm của mình? Tại sao đã có cảnh báo trước mà vẫn đồng ý làm theo phương án thiết kế như vậy?”

Về vấn đề việc hai gói thầu bị dừng thi công gây lãng phí, ông cho rằng số tiền bị lãng phí sẽ không tới 26 tỷ đồng.

Và ông cho rằng, một phần sự lãng phí vì bị dừng thi công là do nguyên nhân khách quan.

Tuy nhiên, như có một nhà thầu đã nói, số tiền nhà thầu đã bỏ ra, ngoài những chi phí hữu hình thì còn các chi phí vô hình, ngoài ra số kinh phí cho những lần thử nghiệm các biện pháp khắc phục không thành công…cũng đã rất nhiều và cho rằng, đây rõ ràng là một sự lãng phí tiền của của nhà nước.

Về vấn đề khảo sát thiết kế, ông Hùng cho rằng lúc khoan khảo sát, 1 số đoạn không bị cát chảy còn một số bị như vậy, khi khoan khảo sát có thể không phát hiện ra tại hai gói thầu này địa chất bị như vậy, và theo ông việc này nằm ngoài tầm kiểm soát?

Khi PV đặt vấn đề tại sao đã có văn bản 82 của Tư vấn thiết kế cảnh báo trước vấn đề địa chất cát chảy mà phía Chủ đầu tư vẫn thực hiện, ông Hùng cho rằng, ông Khánh nói như vậy là không đúng!

Ông Hùng đặt vấn đề: “Nếu đã cảnh báo trước như vậy, tại sao lúc đó ông Khánh không ra sức bảo vệ quan điểm của mình? Tại sao đã có cảnh báo trước mà vẫn đồng ý làm theo phương án thiết kế như vậy?”

Và ông Hùng cho rằng ông Khánh nói như vậy là không có trách nhiệm.

Còn khi được hỏi về vấn đề trong việc để xảy ra như vậy thì trách nhiệm thuộc vè ai, ông Hùng không trả lời được.

Ông cho rằng, để thực hiện dự án này là cả một quy trình, ai cũng có một ít trách nhiệm trong đó, mỗi người một tý, không thể quy trách nhiệm cho một cá nhân!

Và như vậy là, từ ông Hành  khi nói về trách nhiệm: đầu tiên do bên tư vấn thiết, sau đó là chủ đầu tư thì đến lượt ông Khánh không trả lời và đến ông Hùng – người được ông Sơn (đại diện chủ đầu tư) ủy quyền trả lời về vụ việc cũng trả lời vòng vo về sự việc.

Rõ ràng một công trình ngay từ khâu đầu tiên là khảo sát thiết kế đã có vấn đề nhưng bất chấp những hệ lụy, vướng mắc, có thể gây thiệt hại, lãng phí lớn cho nhà nước – và thực tế đã diễn ra như vậy – nhưng các đơn vị tư vấn thiết kế vẫn đồng ý triển khai phương án thiết kế đó, và Chủ đầu tư vẫn bất chấp đồng ý để phê duyệt.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này

Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP