Chiều 16/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo thêm Quốc hội về giáo dục.

Liên quan việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) điều cô giáo đi tiếp khách (đại biểu Quốc hội chất vấn buổi sáng), Phó thủ tướng cho rằng việc này rất không tốt.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, gần đây, một số cơ quan yêu cầu nhân viên nữ tiếp khách trong những dịp lễ, kỷ niệm. Đây là những việc không cần thiết, cần chấn chỉnh.

‘Mong đại biểu thông cảm’

Trước đó, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói thêm về chủ đề này khi bắt đầu trả lời chất vấn đầu giờ chiều nay.

Ông Nhạ cho biết câu trả lời của mình buổi sáng “nhiều nơi cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng uy tín của nhà giáo” nhấn mạnh việc điều động giáo viên tiếp khách là không đúng mục đích và không phù hợp.

“Có lẽ, tôi diễn đạt chưa rõ ý, trong đó có từ vui vẻ. Khi yêu cầu địa phương giải thích, họ cũng nói đây là hoạt động đối ngoại, vui vẻ. Có lẽ là diễn đạt chưa được rõ ý, xin báo cáo lại để đại biểu thông cảm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định luôn ưu tiên vấn đề bình đẳng với phụ nữ vì lực lượng giáo viên nữ lớn, đóng góp quan trọng cho ngành. Bộ GD&ĐT cũng có Ban tiến bộ phụ nữ và tổ chức nhiều hoạt động nhằm ghi nhận, biểu dương đóng góp của nữ giáo viên.

Đại biểu Quốc hội: Tôi rất đau lòng

Trong phiên chất vấn sáng 16/11, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề cập việc UBND thị xã Hồng Lĩnh điều hàng chục giáo viên nữ tiếp khách trong các hoạt động không liên quan công việc của họ.

Theo ông Chiến, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng họ không có thẩm quyền quản lý, xử lý.

“Ngành giáo dục địa phương đã làm hết trách nhiệm với giáo viên chưa? Bộ GD&ĐT có nên ban hành chỉ thị để giúp chấm dứt hiện tượng phi giáo dục, giáo viên phải đi làm tiếp viên như thế không?”, ông Chiến đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây là sự việc có thật. Sau khi nhận được thông tin, ông đã có ý kiến, trao đổi với chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và gửi công văn về tỉnh.

Người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá cao việc chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ra công văn yêu cầu chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh và sở GD&ĐT báo cáo vụ việc.

Vu dieu giao vien tiep khach: Bo truong co dau long khong? - Anh 1

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 16/11. Ảnh: Anh Tuấn.

Ông Nhạ nhận định trường hợp này không chỉ xảy ra ở thị xã Hồng Lĩnh. “Thực tế, nhiều nơi cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi, nhưng đôi khi làm ảnh hưởng uy tín của nhà giáo. Đây là hoạt động rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ phải rút kinh nghiệm, bởi vì để xã hội phải nóng lên về vấn đề này, rõ ràng là không được”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Ông cho biết thêm việc linh hoạt phải trong chừng mực chứ để xã hội nóng lên như thế là không được. Ông Phùng Xuân Nhạ cũng nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thầy cô.

“Tư lệnh” ngành giáo dục cho biết bộ này sẽ rút kinh nghiệm để chủ động chứ không bị động, khi báo chí phản ánh mới có ý kiến.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đồng tình với việc bộ trưởng nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, bà không hài lòng khi đại biểu Nguyễn Văn Chiến dùng từ “tiếp viên” để nói về điều động cô giáo tiếp khách ở Hồng Lĩnh.

Bà Hiền cho rằng cách dùng từ này quá nặng và gây tổn thương đến các nữ giáo viên. Nữ đại biểu cũng muốn tranh luận lại về cách nhận định của Bộ trưởng GD&ĐT.

Trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập 3 nhóm vấn đề.

Đó là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo,đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Nhóm vấn đề về công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề cập việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp.

“Mặc dù nhận trách nhiệm, bộ trưởng nói rằng cũng chỉ là vui vẻ thôi, dưới góc độ giới và đặc biệt là nữ đại biểu, tôi không biết bộ trưởng có đau lòng không; sau những sự việc như vậy, tôi thực sự đau lòng”, bà Hiền nói.

Nữ đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng với vai trò người chỉ đạo, định hướng và vì tiến bộ của phụ nữ ngành giáo dục, bộ trưởng phải có giải pháp tiếp theo để bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành, danh dự, uy tín của đội ngũ giáo viên.

Tiếp lời đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tranh luận với đại biểu Nguyễn Văn Chiến rằng đây không phải là tiếp tân (ông Chiến dùng từ tiếp viên) và tranh luận với bộ trưởng đây không phải chuyện vui vẻ. Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 14/11, người đứng đầu ngành giáo dục nói trước hết phải xem xét các cô giáo.

“Tôi nghĩ rằng giáo viên chắc chắn đau lòng với câu nói đó của bộ trưởng”, ông Vân nói.

Hồi tháng 8, 21 nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã chỉ định tên tuổi trong văn bản hành chính. Một số giáo viên cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết việc huy động giáo viên tiếp khách có từ nhiều năm qua. Năm nay, thị xã có nhiều sự kiện lớn nên huy động là cần thiết, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mến khách mà còn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về quê hương.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 14/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc nhở giáo viên phải rút kinh nghiệm , giữ vững hình ảnh nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh.

Chiều cùng ngày, Bộ GD&ĐT gửi công văn hỏa tốc tới Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc bố trí giáo viên làm công việc có thể ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của giáo viên và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là không phù hợp.

Sáng 15/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh báo cáo, giải trình.

Nguyễn Sương