Vũ Quang

Vụ cô dâu 14 tuổi ở Hà Tĩnh: Cưới có ‘quan hệ vợ chồng’ mới phạm tội

“Có ý kiến cho rằng, chú rể đó có hành vi giao cấu với trẻ em. Tuy nhiên, ý kiến đó chưa hẳn chính xác, bởi cưới không đồng nghĩa với việc quan hệ giao cấu”, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết.

 >> Vụ cô dâu 14 tuổi: Chú rể có giao cấu với trẻ em?

Hatinh24h 01

Liên quan đến vụ việc anh Nguyễn Thanh V. (SN 1994), con trai Phó chủ tịch xã Hương Quang huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) lấy cô dâu 14 tuổi Đoàn Thị Mỹ T, người cùng địa phương đã khiến dư luận xôn xao vì trên địa bàn xã chưa từng xảy ra vụ việc nào như vậy.

Bên cạnh đó, người dân còn bàn tán hơn khi người con trai này lại là con của Phó chủ tịch xã Hương Quang và việc tổ chức đám cưới này lại không đăng ký kết hôn ở xã. Nhiều dư luận cho rằng, chính vì có bố làm quan xã nên việc tổ chức đám cưới này đã được an toàn và không bị xử lý, hay nói cách khác vị này đang phớt lờ quy định, là vô hình chung “tiếp tay” cho nạn tảo hôn(?!).

Vụ cô dâu 14 tuổi ở Hà Tĩnh: Cưới có 'quan hệ vợ chồng' mới phạm tội - Ảnh 1

Đám cưới của con trai phó chủ tịch xã Hương Quang với cô dâu 14 tuổi đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như cách xử lý ra sao, phóng viên đã liên hệ với luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh.

Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, luật sư Giang Hồng Thanh cho hay: “Việc Nguyễn Thanh V. (SN 1994) cưới Đoàn Thị Mỹ T. (SN 2001) là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vi phạm vào quan hệ pháp luật nào là vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải xác minh làm rõ. Có ý kiến cho rằng, như vậy có nghĩa là Nguyễn Thanh V. có hành vi giao cấu với trẻ em. Tuy nhiên ý kiến đó chưa hẳn là chính xác, bởi lẽ cưới không đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện quan hệ giao cấu.

Điều 115 Bộ luật Hình sự quy định về tội Giao cấu với trẻ em như sau: “Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”. Như vậy, nếu cho rằng Nguyễn Thanh V. phạm tội này thì phải chứng minh V. có hành vi giao cấu với Đoàn Thị Mỹ T. (14 tuổi). Trong trường hợp không thể chứng minh được (chẳng hạn như V., T. không thừa nhận hoặc không ai nhìn thấy) thì rõ ràng V không phạm tội nói trên”.

Trước câu hỏi về việc Nguyễn Thanh V. đã vi phạm quan hệ pháp luật nào, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết: “Theo quy định của Luật Hôn nhân vàGia đình 2014: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này”. Như vậy, rõ ràng Nguyễn Thanh V. đã có hành vi tảo hôn khi cưới Đoàn Thị Mỹ T. mới 14 tuổi, chưa đủ điều kiện kết hôn. Đối với hành vi tảo hôn của Nguyễn Thanh V., những người tổ chức để Nguyễn Thanh V. cưới Đoàn Thị Mỹ T. sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 09 năm 2013, Điều 47 quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

“Trong trường hợp Tòa án nhân dân huyện Vũ Quang nơi Nguyễn Thanh V. và Đoàn Thị Mỹ T. sinh sống có quyết định buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa V. và T. mà V. vẫn không thực hiện, V. sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 47 nói trên. Nếu sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà Nguyễn Thanh V. vẫn không chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật với Đoàn Thị Mỹ T. thì Nguyễn Thanh V. sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 148 Bộ luật hình sự về tội Tảo hôn”, luật sư Giang Hồng Thanh nói.

Còn trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Hoàng Thị Nga, Phó khoa Xã hội học ,trường Đại Học Công Đoàn (Hà Nội) cho biết, việc cưới xin như thế là tảo hôn và cần phải có chế tài xử lý mạnh hơn.

“Theo tôi, việc cưới như vậy là tảo hôn, chính quyền xã và huyện phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa. Vấn đề này, họ đã lách luật bằng cách không đăng ký kết hôn. Việc này là con của Phó chủ tịch xã thì càng không được, chính quyền địa phương có chế tài đủ mạnh hơn để giải quyết vụ việc này. Vụ việc này không chỉ xảy ra ở địa phương đó mà xảy ra rất nhiều nơi.

Hiện nay, do chế tài chưa đủ mạnh nên chỉ có sự vận động của chính quyền, ban ngành địa phương tuyên truyền, vận động và dùng dư luận xã hội mới giúp cho gia đình, người dân hiểu đó là không được. Phải tuyên truyền cho người dân hiểu việc tảo hôn liên quan đến sức khỏe, liên quan đến nhiều việc đằng sau đó”.

“Bây giờ họ đã cưới nhau rồi thì chắc chắn họ sẽ ở với nhau, chứ không thể ngủ riêng để không có “quan hệ”. Gia đình nhà cô dâu nắm quyền chủ động việc này, họ yêu cầu cưới nhà trai cũng phải đồng ý, bởi nếu nhà gái tố cáo thì chàng rể sẽ đi tù. Chính quyền địa phương phải căn cứ vào tình hình thức tế để có cách giải quyết hợp tình, hợp lý”, Tiến sĩ Nga cho biết thêm.

Ngọc An / Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP