Hương Khê

Vụ cô dâu 14 tuổi: Những điều trăn trở và không thể lý giải

Nếu vì quy định của pháp luật đẩy một gia đình đến bước đường cùng phải bỏ đi một sinh linh bé bỏng để đánh đổi lấy tự do của một ông bố thì pháp luật có tàn nhẫn quá không?

Liên quan đến đám cưới với cô dâu 14 tuổi của con trai ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Quang (huyện Vũ Quang – Hà Tĩnh) gây xôn xao dư luận. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Vũ Quang đã có hình thức cảnh cáo, cho thôi giữ chức Phó Chủ tịch xã và chuyển ông Tường xuống làm việc tại văn phòng. Mức kỷ luật cuối cùng sẽ được phía cơ quan họp bàn và đưa ra thông báo sau.

Tổ chức cho con trai cưới “một đứa trẻ” dĩ nhiên là ông Phó chủ tịch xã Hương Quang phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Nhưng có lẽ điều mà nhiều người trăn trở nhất vẫn là số phận của “đôi vợ chồng” mới cưới sẽ ra sao? Và quả thực có những thứ mà chúng ta dù cố gắng cũng khó thể lý giải được.

hatinh24h

Có những điều thật khó lý giải sau đám cưới của cô dâu 14 tuổi.

Có hay không hành vi xâm hại tình dục trẻ em?

Cô dâu trong đám cưới đầy tai tiếng này là Đoàn Thị Mỹ T. ( trú tại xóm 6 – Hợp Lý, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Chú rể là Nguyễn Thanh V. (SN 1994). Khi kết hôn với V. em T. mới 14 tuổi và vẫn là một đứa trẻ.

Một đứa trẻ dù nhận thức có tốt đến đâu cũng không lường trước được những hệ lụy xã hội, hệ lụy cho bản thân khi phải làm vợ, thậm chí là làm mẹ khi tuổi đời còn quá non nớt.

Có đám nào cưới nhau về chỉ để nắm tay nhau? Liệu một cô bé như thế đã bị xâm hại tình dục hay chưa sẽ chỉ có những người trong cuộc mới biết nếu như cơ quan điều tra không sử dụng các biện pháp nghiệp vụ ngoài dăm ba câu hỏi han cho phải lẽ.

Người ta có quyền đặt dấu hỏi về một đám cưới “chạy bầu”. Không cưới “chạy” thì hà cớ gì phải hấp tấp, vội vàng như thế?

Trăn trở về một sinh linh

Nếu quả thực có một đám cưới “chạy” và nếu “kịch bản” đúng như nhiều người dự đoán thì rất có thể đã có một sinh linh phải từ giã cõi đời này vì muốn ông bố 21 tuổi không phải đi tù do lỡ “ăn cơm trước kẻng” với một cô bé.

Chắc hẳn không phải chờ đến khi báo chí thông tin thì người nhà chú rể mới biết đến chuyện dù cô dâu 14 tuổi có đồng ý kết hôn, tự nguyện quan hệ tình dục thì “người chồng” vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Và để đối phó với quy định pháp luật này, người ta sẵn sàng cho phép “phá thai” để không còn chứng cứ phạm tội. Điều mà ông bà, bố mẹ không mong muốn nhưng là giải pháp “đường cùng” để cứu chú rể.

Khi ấy, pháp luật cũng thua. Dù bi kịch và cái giá để đánh đổi là quá đắt.

Pháp luật tàn nhẫn hay con người tàn nhẫn?

Pháp luật sinh ra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân sống trong cộng đồng và nhằm duy trì sự ổn định của xã hội. Thế nhưng nếu vì quy định của pháp luật đẩy một gia đình đến bước đường cùng phải bỏ đi một sinh linh bé bỏng để đánh đổi lấy tự do của một ông bố thì pháp luật có tàn nhẫn quá không?

Việc quy định hành vi giao cấu với trẻ em là một quy định đầy tính nhân văn nhằm bảo hộ cho các em từ độ tuổi 13 đến dưới 16. Khi mà các em chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý và sức khỏe. Do vậy, việc giao cấu sẽ gây nguy hiểm cho sự phát triển bình thường của các em, gây tác hại đến sự phát triển đạo đức, nhân cách, ảnh hưởng đến danh dự, phẩm giá của các em.

Quy định đó có được gọi là một quy định tàn nhẫn? Chắc là không? Có hay chăng chỉ là con người đang tàn nhẫn với chính họ. Nếu một sinh linh chưa kịp chào đời phải chết vì tự do của một ông bố thì cần phải đặt vấn đề ngược lại: Liệu ông bố đó có dũng cảm chấp nhận đi tù để cứu đứa con ruột của chính mình?

Pháp luật sinh ra là để thực thi, để áp dụng vào đời sống hàng ngày. Người có hành vi trái pháp luật, xâm phạm vào những chủ thể đặc biệt được pháp luật bảo hộ thì phải chấp nhận sự trừng phạt. Nếu pháp luật lụy tình mà làm nhẹ tay hay làm ngơ thì sẽ không còn là pháp luật nữa.

Nhất Phiến / Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP