Giáo dục - Đào tạo

Vụ 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: Trên bảo dưới không nghe?

Quá thời hạn yêu cầu nhưng đến nay huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn chưa có báo cáo kết quả thực hiện kiểm điểm, kỷ luật cán bộ.

Mới đây, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã ban văn bản số 349/SNV-TTr ngày 6/4/2016, đề nghị Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh và Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh khẩn trương tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những tồn tại, hạn chế trong việc hợp đồng 214 lao động tại các trường học; có hình thức xử lý nghiêm khắc, đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Nội vụ trước ngày 10/4/2016.

Vụ 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: Trên bảo dưới không nghe? - Ảnh 1

Văn bản của Sở Nội vụ Hà Tĩnh

Chiều 8/4, trao đổi với Gia đình Việt Nam, ông Phạm Quang Đệ – Chánh thanh tra Sở Nội vụ Hà Tĩnh – cho biết cơ quan này quyết định ban hành công văn nói trên là do trước đó ngày 26/11/2015, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã ra văn bản số 1534/SNV-TTr hướng dẫn việc tổ chức kiểm điểm, kỷ luật, yêu cầu huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh báo cáo kết quả trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hai đơn vị này vẫn chưa thực hiện.
“Sau khi ban hành văn bản hướng dẫn, Sở Nội vụ đã thành lập một tổ công tác để thường xuyên đôn đốc thực hiện kiểm điểm, kỷ luật tại huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh. Nhưng cho đến nay việc thực hiện vẫn bị chậm, sự việc kéo dài khá lâu nên sở phải tiếp tục yêu cầu hai đơn vị này báo cáo”, ông Đệ nói.

Vụ 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: Trên bảo dưới không nghe? - Ảnh 2

Đoàn công tác Bộ Nội vụ làm việc với hai đơn vị tuyển dụng giáo viên sai quy định

Vị Chánh thanh tra cho hay, thời gian qua huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh đã hoàn thành việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động và đang thực hiện công tác tuyển dụng theo quy định. Theo đó, hai đơn vị này mới chỉ thực hiện được khoảng 2/3 nội dung mà sở này hướng dẫn tại văn bản số 1534/SNV-TTr.

“Theo thông tin chúng tôi được tiếp nhận từ hai đơn vị này thì sở dĩ quá trình thực hiện bị chậm là do có những yếu tố khách quan. Huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh vừa tách ra thành hai đơn vị hành chính độc lập nên nhân lực còn thiếu. Ngoài ra, việc giải quyết chế độ cho các giáo viên sau khi chấm dứt hợp đồng cũng mất khá nhiều thời gian”, ông Đệ lý giải.

Ông Phạm Quang Đệ khẳng định, sau thời hạn yêu cầu báo cáo gần đây nhất của sở này, nếu huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh vẫn không thực hiện thì Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo quyết liệt để giải quyết đứt điểm vụ việc và có thể sẽ áp dụng việc kỷ luật đối với lãnh đạo hai đơn vị này.

Theo tìm hiểu của phóng viên Gia đình Việt Nam, sáng ngày 11/4 (thời hạn so với yêu cầu là 10/4) Sở Nội vụ Hà Tĩnh vẫn chưa nhận được báo cáo nào từ UBND huyện Kỳ Anh và UBND Thị xã Kỳ Anh.

Vụ 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: Trên bảo dưới không nghe? - Ảnh 3

Nữ giáo viên Trần Thị Hồng ra Hà Nội gửi tâm thư khi mang thai 8 tháng

Như trước đó Gia đình Việt Nam đã đưa tin, ngày 23/4/2015, UBND huyện Kỳ Anh (cũ) ban hành văn bản số 570/UBND-NV yêu cầu các trường học thống kê danh sách các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện ký hợp đồng vào làm việc để chuẩn bị cho việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Hàng chục giáo viên sau đó đã viết đơn cầu cứu UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, việc “cắt” hợp đồng sau đó vẫn được tiến hành. Bộ Nội vụ sau đó đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm, kỷ luật các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức tuyển dụng giáo viên sai quy định.

Trọng Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP