Truyền thống - Phát triển

VP miền Trung báo ĐS&PL: ‘Nơi cho tôi những trải nghiệm thú vị’

Văn phòng miền Trung báo ĐS&PL – nơi đã cho “kẻ tay ngang” như tôi những kiến thức về nghiệp vụ, thu nhập, những người bạn, cho tôi tìm được những điều ý nghĩa của cuộc đời…

Bỏ nghề giáo, chuyển sang nghề báo

Còn nhớ những ngày tháng 3/2014, tôi đã quyết định từ bỏ nghề dạy học, tạm biệt Tây Nguyên trở về với Huế, để theo đuổi đam mê – viết báo.

Ngày ấy, một kẻ chưa từng viết tin bài như tôi bước vào nghề với bao bỡ ngỡ. Những kiến thức ít ỏi của cái chứng chỉ nghiệp vụ báo chí tôi có được từ thời sinh viên, nay trở nên vô nghĩa trước bao điều mới lạ của thực tế nghề.

Hoá ra nghề báo không đơn thuần là phát hiện đề tài, rồi biểu đạt nó bằng ngôn ngữ, gửi bài đăng và cuối cùng là nhận nhuận bút như tôi từng mường tượng. Nghề báo, nó còn phức tạp, thiên biến vạn hoá và đòi hỏi đủ điều.

Thời điểm ấy, tôi viết cho báo giấy chuyên về mảng làng nghề, 1 tuần 2 số. Công việc chẳng có gì, ngoài tiếp xúc với các nghệ nhân, ghi nhận tình hình sản xuất, viết bài và mời họ mua báo.

Nhiều khi đọc các loạt bài phóng sự điều tra của đồng nghiệp, hay đơn giản chỉ là một cái tin bắt bớ, trong tôi luôn đầy sự ngưỡng mộ và ngập tràn bao câu hỏi: Làm thế nào họ có thông tin hay vậy? Tại sao họ có được những hình ảnh đặc sắc như thế?…

Với tôi, những nghiệp vụ đơn thuần như thế vào thời điểm ấy, nó thực sự xa vời và chỉ hiện hữu trên sách vở.

Video:

Báo ĐS&PL tại Miền Trung, 10 năm hình thành và phát triển

Những ngày tháng ấy cứ thế dần trôi qua, tôi chợt nhận ra, “cơm áo không đùa với khách thơ”. Sức viết lúc đó không đủ để tôi có thu nhập nuôi nổi mình. Có lẽ mãi về sau tôi mới có thể quên được cái cảm giác đói, mua ổ bánh mỳ mà cũng phải bẻ làm đôi cho thằng bạn cùng phòng thất nghiệp. Cái cảm giác lang thang trong đêm hè do đi cơ sở về muộn bị bà chủ trọ khoá cổng vì nợ mấy tháng tiền nhà…

Những thiếu thốn về vật chất đã đành, làm nghề báo mà thiếu thốn về kiến thức nghiệp vụ thì đúng là xấu hổ!

Lúc ấy, các mối quan hệ giao lưu với đồng nghiệp tôi hầu như không mở rộng nhiều, bởi trong tôi luôn cảm thấy tự ti, mang tâm thế là “kẻ tay ngang”, tập tành làm báo và hơn hết là mặc cảm thua thiệt về sự đào tạo bài bản. Tôi luôn tránh và hầu như là không tranh luận hay bàn bạc gì về nghiệp vụ. Những thứ nghiệp vụ tôi có được bấy giờ là học lỏm từ những ông anh thân thiết, tự học bằng cách đọc mấy thứ linh tinh trên mạng.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, tôi tồn tại bằng cách viết cộng tác thêm nhiều báo để có thêm nhuận bút.

Hạnh phúc trong ngôi nhà chung VPMT

Thế rồi, vào một ngày mưa tầm tã đầu tháng 4/2015. Lúc ấy, tôi nhớ ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị xảy ra vụ tai nạn tàu hoả khiến 2 người phụ nữ tử nạn. Một người bạn của thầy giáo tôi, nghe đâu là làm báo ngoài Hà Tĩnh (sau này tôi mới biết đó là anh Phan Xuân Hồng, Trưởng văn phòng báo ĐS&PL ở miền Trung) nhờ chạy ra hiện trường lấy tin. Và tôi đã có bản tin đầu tiên trên ĐS&PL online ngày đó.

Tập thể VPMT báo ĐS&PL.

Sau lần ấy, tôi đọc báo ĐS&PL thường xuyên hơn và bắt đầu tập tễnh gửi tin cộng tác. Đến giữa tháng 4/2015, tôi được anh Phan Xuân Hồng nhận làm cộng tác viên tin bài ở khu vực Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị.

Khi mới bắt đầu tiếp xúc với một tờ báo chuyên cập nhật thông tin thời sự hàng ngày, tôi thật sự choáng ngợp. Choáng ngợp bởi những áp lực, những đòi hỏi mới: nhanh, nóng hổi, kịp thời, độc đáo…; choáng ngợp bởi phong cách làm việc mới: Gắn kết tập thể, chuyên nghiệp, bài bản…

Giữa bao khó khăn, tôi may mắn được sự định hướng, động viên của anh Trưởng văn phòng, được sự dìu dắt, chỉ dẫn tận tình từng câu chữ của đội ngũ biên tập viên miền Trung nhiệt huyết.

Tôi thuần thục dần cách triển khai một cái tin, cách chọn đề tài, cách nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ. Tôi được tiếp cận và đào tạo qua các lớp hướng dẫn quay clip báo chí, sử dụng phần mềm dựng video do văn phòng tổ chức…

Đặc biệt, những lời dạy về sự “khiêm tốn”, “riêng biệt”, “nhân văn”, “đặt vị trí mình vào người khác”, “thuyết phục”… tôi dần thấm thía qua từng ngày.

Những lời tâm sự như thế này đã trở thành “kim chỉ nam nghề” cho đội ngũ phóng viên VPMT.

Tôi được làm việc với những đồng nghiệp không chỉ chuyên môn vững vàng, đa năng mà còn thân thương, dễ mến, khi tiếp xúc luôn cho ta cái cảm giác gắn kết, cùng chung một định hướng, chung con đường.

Ở đây, tôi được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Được tiếp xúc, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong các hoạt động thiện nguyện.

Ở đấy, tôi được hỏi và thổ lộ những gì mình chưa biết và tất nhiên, sau đó sẽ được các anh chị đồng nghiệp đi trước của văn phòng bù đắp trả lời một cách gần gũi và dễ hiểu nhất.

Tôi bắt đầu tự tin hơn trong nghiệp vụ, mạnh dạn hơn trong những đề tài khó. Các loạt bài điều tra, phóng sự các góc khuất của xã hội, tôi luôn có sự đồng hành, “trợ thủ” của đội ngũ nội dung. Tôi sẵn sàng tranh luận, thể hiện chính kiến trong một vấn đề cùng các đồng nghiệp trên địa bàn. Tôi bắt đầu có những người bạn mới chung nhiệt huyết, sát cánh trong công việc.

Gần 2 năm gắn bó với văn phòng, vượt qua những cung bậc của các thử thách: “cộng tác viên” đến “phóng viên thử việc” rồi “phóng viên thử việc có phụ cấp”. Đến đầu năm 2017, tôi chính thức được ký hợp đồng trở thành phóng viên chính thức của báo điện tử.

Có được “quả ngọt” ấy, ngoài cám ơn sự ghi nhận của ban Biên tập báo ĐS&PL, trên hết, tôi luôn biết ơn sự định hướng của anh Trưởng văn phòng, sự chỉ bảo của các biên tập viên, sự động viên của các đồng nghiệp trong “đại gia đình” văn phòng miền Trung.

Có thể nói, nơi ấy đã cho tôi quá nhiều thứ và tôi gói gọn lại, xin gọi đó là “Tương Lai”.

Ngày 15/3/2007, Văn phòng thường trú Bắc Trung bộ, tiền thân của Văn phòng đại diện miền Trung, Báo Đời sống và Pháp luật ra đời (VPMT). Sau 10 năm, văn phòng ngày càng lớn mạnh, trở thành ngôi nhà chung của rất nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên…

Quy mô, cách tổ chức chuyên nghiệp, bài bản của VPMT đã tạo cho rất nhiều người đã và đang công tác tại nơi đây, những trải nghiệm thú vị.

Lê Công Thành

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP