Tin Hà Tĩnh

Viết tiếp vụ gia đình Liệt sỹ mòn mỏi chờ tiền bồi thường ở TP Hà Tĩnh

Động thái được kỳ vọng sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý khi hủy phương án bồi thường để xác định lại sau gần mười năm có quyết định thu hồi đất nhưng không thể thực hiện bồi thương.Vậy nhưng, UBND TP. Hà Tĩnh đang làm điều ngược lại khi thay đổi đất kinh doanh dịch vụ thương mại thành đất nông nghiệp để áp giá bồi thường cho một gia đình Liệt sỹ.

Chữa què thành tàn tật…!

Theo hồ sơ thu hồi đất Dự án đầu tư công trình cũng cố, nâng cấp Đê phía Tây bờ tả sông Phủ, được biết, năm 2010, Dự án được triển khai, nhà nước có quyết định thu hồi đất, ông Hồ Văn Toán(gia đình Liệt sỹ) ở phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh đã nhất trí nhường lại 1.500m2 đất được nhà nước cấp cho gia đình từ năm 1989 để triển khai công trình.

Thực hiện áp giá bồi thường, năm 2012, đất thu hồi của gia đình ông Toán được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án tính bằng 0,9 % giá đất ở, với số tiền gần 1,4 tỷ đồng bao gồm diện tích đất, khối lượng san lấp mặt bằng và cây cối, được UBND thành phố Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 17/4/2012.

Văn bản “đính chính” lại loại đất của ông Hồ Văn Toán là đất nông nghiệp

Quá trình thực hiện chi trả, UBND thành phố Hà Tĩnh đã gặp một số kiến nghị: Ông Toán không đồng thuận trong phương án bồi thường do vị trí đất bồi thường không khớp với đất thu hồi; Một số hộ dân khác đã có đơn cho rằng đất ông Toán không đủ pháp lý. Mặt khác, kinh phí Dự án đoạn đi qua đất ông Toán gặp khó khăn nên đến nay vẫn chưa được chi trả (Trích văn bản báo cáo của UBND TP. Hà Tĩnh).

Năm 2017, sau thời gian dài chờ đợi “bặt vô âm tín” ông Toán tiếp tục có kiến nghị giải quyết, UBND thành phố giao cho Thanh tra thành phố vào cuộc, đồng thời có văn bản báo cáo số 43/BC, do ông Trương Bá Sơn- Chánh thanh tra ký ngày 17/6/2017, kết luận rằng việc xác định toàn bộ diện tích mà UBND huyện Thạch Hà đã cấp cho ông Hồ Văn Toán loại đất chuyên dùng là chưa phù hợp với “nguyên tắc” bồi thường vì không ghi rõ mục đích sử dụng đất và theo Luật đất đai năm 1988 thì UBND huyện Thạch Hà không có thẩm quyền cấp đất chuyên dùng (!).

Ông Hồ Văn Toán mong muốn cơ quan chức năng làm việc có trách nhiệm, giải quyết đến nơi đến chốn

Việc xác minh nguồn góc đất của ông Hồ Văn Toán được lãnh đạo UBND TP. Hà Tĩnh thời kỳ trước đó và phòng, ban chuyên môn thực hiện khi có kiến nghị của người dân xác nhận nguồn góc sử dụng đất được cơ quan nhà nước cấp đúng quy định pháp luật, có quá trình sử dụng, đủ điều kiện để bồi thường, đồng thời có báo cáo lên Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh và các đơn vị, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, khi chưa kịp chi trả tiền bồi thường thì UBND TP. Hà Tĩnh lại ra văn bản hủy phương án mà lỡ báo cáo để xác định lại…!.

Theo đó, cơ quan chức năng UBND TP. Hà Tĩnh tham mưu cho Chủ tịch Hà Văn Trọng hủy bỏ phương án bồi thường đất của ông Toán đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 2770/QĐ-UBND ngày 13/12/2011 và QĐ phê duyệt bổ sung, điều chỉnh số 603/QĐ-UBND ngày 17/4/2012. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ngày 20/11/2017 UBND TP. Hà Tĩnh lại ra văn bản số 2806/UBND, cho rằng diện tích đất 1.500m2 thu hồi của ông Toán kết luận lại là loại đất nông nghiệp…?.

Tại sao lại có cách giải quyết lạ lùng như vậy khi đất cải tạo từ hoang hóa, nhà nước chứng nhận đất chuyên dùng, quá trình sử dụng kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng(có hồ sơ chứng cứ đầy đủ) nhưng lại bồi thường đất nông nghiệp? Ông Phan Quang Mậu- Phó Chánh Thanh Tra thành phố Hà Tĩnh(Tổ trưởng tổ công tác giải quyết đất của ông Hồ Văn Toán được UBND TP. Hà Tĩnh phân công theo QĐ số 1398/QĐ-UBND, ngày 4/11/2017) nói: “Lĩnh vực đất đai tôi không am hiểu lắm nên quá trình giải quyết cũng đã nhiều lần chất vấn Phòng TN&MT…”. PV đặt câu hỏi văn bản tham mưu chủ tịch UBND thành phố ký thay đổi phương án giải quyết như vậy đã đảm bảo khách quan, hợp tình, hợp lý ? ông Mậu không dám chắc điều này nhưng chưa thể giải thích, phải có ý kiến của chủ tịch UBND TP mới trả lời cụ thể và thừa nhận việc lập lại phương án bồi thường theo đất nông nghiệp là cả một thay đổi lớn, người dân chịu rất nhiều thiệt thòi.

Sống phụ thuộc rất nhiều vào chừng đó diện tích đất thì nay nhà nước đã thu hồi, cuộc sống gia đình ông Toán đang gặp rất nhiều khó khăn. Thật khó hiểu, sau mỗi lần kiến nghị, UBND TP. Hà Tĩnh lại vào cuộc rồi hẹn thời gian giải quyết, nhưng cũng chỉ dừng lại ở văn bản báo cáo mà không xử lý dứt điểm. Câu hỏi đặt ra là với lí do này thì liệu đến bao giờ mới “tìm ra” một phương án giải quyết phù hợp đảm bảo quyền lợi cho gia đình ông Toán?. Phải chăng UBND thành phố tiếp tục “diễn trò” trước người dân, chữa què thành tàn tật…?.

Đại diện Sở TN&MT Hà Tĩnh nói gì về nguồn gốc đất

Tài liệu xác minh được UBND thành phố Hà Tĩnh thực hiện và báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, ngày 18/7/2013, nguồn gốc đất của hộ ông Hồ Văn Toán (gia đình Liệt sỹ) được UBND huyện Thạch Hà cấp tại Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 05/05/1989 với diện tích 1.500m2, mục đích sử dụng là đất chuyên dùng, vị trí ở tuyến đường 17, xứ đồng Cầu Nũi, xã Đại Nài (nay là phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh).

Theo đó, trước khi được cấp đất, ngày 8/8/1988, ông Hồ Văn Toán đã làm đơn xin UBND xã Đại Nài cho vùng đất hoang nói trên để đầu tư cải tạo, san lấp mặt bằng làm bãi tập kết kinh doanh vật liệu, làm nhà ở, trồng màu và chăn nuôi. Ngày 25/1/1989 UBND xã Đại Nài đã có tờ trình gửi UBND huyện Thạch Hà giải quyết.

Nội dung báo cáo Bí thư Tỉnh ủy được UBND TP. Hà Tĩnh thừa nhận đất ông Hồ Văn Toán được cấp đúng quy định pháp luật

Sau khi UBND huyện Thạch Hà cấp đất, gia đình ông Toán đã đến cải tạo vùng đất này làm bãi kinh doanh vật liệu, trồng cây lâu năm. Ngày 01/01/1994 đến năm 2004, ông Toán đã ký kết hợp đồng kinh tế cho thuê lại mặt bằng kinh doanh vật liệu xây dựng. Đến ngày 22/2/2008, ông Toán tiếp tục cho bà Trần Thị Kim Thu- Giám đốc công ty TNHH xây dựng Hùng Dũng thuê mặt bằng để sản xuất kinh doanh đến hết tháng 4/2008.

Từ thực tế trên, trao đổi với ông Hồ Nhật Lệ- Trưởng Phòng Quy hoạch- Giao đất thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh về nguồn gốc đất của ông Hồ Văn Toán, cho biết: Theo luật cũ (Luật đất đai năm 1988), đất đai được chia làm hai loại, thứ nhất là đất ở, phần còn lại là đất chuyên dùng (bao gồm đất trụ sở cơ quan, đất xây dựng công trình sự nghiệp, giao thông thủy lợi…trong đó có cả đất sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại như bây giờ). Mãi đến Luật đất đai năm 1993 có chi tiết hơn, dần được cụ thể từng loại đất từ Luật đất đai 2003 và đến Luật đất đai 2013 thì thay đổi, trích ra các mục đích sử dụng khác nhau.

Ông Hồ Nhật Lệ lý giải: Đất của ông Hồ Văn Toán có giấy tờ hợp pháp, đất chuyên dùng, được cấp năm 1989, sử dụng làm kinh doanh bến bãi thì được xác định là đất kinh doanh thương mại dịch vụ. Khi nhà nước thu hồi thì đất sản xuất kinh doanh dịch vụ giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật đất đai hiện tại được công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân giống như đất ở. Tương đương với nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, khi thu hồi sẽ được bồi thường hoặc tái định cư theo quy định.

Về phương án tính bồi thường trong trường hợp nhà nước thu hồi đất: “Theo QĐ/94-UBND tỉnh về bảng giá đất Hà Tĩnh(hướng dẫn thực hiện cách tính bồi thường đất trong những trường hợp đặc biệt) và căn cứ Luật đất đai mới thì loại đất thương mại dịch vụ có giá trị kinh tế chỉ đứng sau giá đất ở(được tính bằng 0,9% giá trị đất ở). Tuy nhiên, việc bồi thường, tái định cư chỉ áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp tư nhân, riêng với tổ chức, đơn vị nhà nước thì không áp dụng phương án này mà thực hiện theo Chỉ thị 245 của Chính phủ”, ông Lệ cho hay.

Ông Hồ Nhật Lệ phân tích cách xác định thực địa đối với đất chuyên dùng để áp giá bồi thường. Theo đó, đất chuyên dùng được cắt lớp chiều sâu: 50m đầu được tính tinh giá 100%(ví dụ: Đất của ông Hồ Văn Toán giáp đường TL17 sẽ được tính mặt đường vào sâu 50m áp giá 0,9% giá đất ở như đã lý giải ở trên), lối 2 sẽ được tính bằng 40% giá đất 50m đầu và lối 3 tính bằng 30%. Ông Lệ cũng nhận định qua hồ sơ, căn cứ vào diện tích được cấp thì nhiều khả năng đất của ông Hồ Văn Toán không đủ chiều sâu để cắt lớp, phân lô như UBND thành phố Hà Tĩnh đã làm. Và đây cũng là lý do ông Hồ Văn Toán thắc mắc nhiều năm nay, cho rằng việc cắt nhỏ lô để đưa vào bồi thường cho ông không hợp lý, sai vị trí thu hồi đất mà gia đình đang sử dụng.

Quay trở lại vấn đề đất trong thuật ngữ “chuyên dùng” sử dựng kinh doanh dịch vụ, thương mại chỉ được bồi thường cho hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp tư nhân và được công nhận giống như đất ở, ông Hồ Nhật Lệ phân tích thêm: Thực tế ở nhiều địa phương, ở các tỉnh khi giao cho người dân từ những năm trước làm bến bãi, họ làm nhà xưởng rồi ở, sinh con mưu sinh mấy đời trên đó. Mặt khác, trước đây giao đất ở cũng không thu tiền, loại đất chuyên dùng này(kinh doanh dịch vụ thương mại) bản chất cũng như thế rồi mặc nhiên được công nhận.

Xin được nói thêm, trước khi ông Hà Văn Trọng- Chủ tịch UBND thành phố ký văn bản số 2544/UBND-TTr, ngày 25/10/2017, giao Phòng TN&MT tham mưu quyết định thu hồi đât và hủy bỏ phương án bồi thường đất, ông Hồ Văn Toán(68 tuổi, ở phường Đại Nài, TP. Hà Tĩnh), thương binh hạng ¾, mất sức 60%, đang ở nhờ đất cha mẹ, hiện đang thờ phụng anh trai Liệt sỹ nhưng gần 10 năm nay vật vã đi đòi quyền lợi cho gia đình không được giải quyết.




Tác giả: Đức Cảnh

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP