Phóng sự - Ký sự

Viết tiếp bài tàn phá rừng Quốc gia Vũ Quang – Đừng để "tan" rừng Quốc gia mới… tiếc!

Gỗ Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) hằng ngày vẫn bị đốn hạ và dễ dàng qua mặt các lực lượng chức năng để… "về xuôi”. Vấn nạn này báo, đài từ Trung ương đến địa phương đã nhiều lần lên tiếng; chính quyền các cấp trong tỉnh đều biết nhưng… đâu lại vào đấy. Sau lần đột nhập và tận mắt chứng kiến cảnh lâm tặc "xẻ thịt, lột da” rừng tại Vườn Quốc gia này, nhóm phóng viên Báo Hà Tĩnh đã đi sâu tìm hiểu và nhận ra, vấn nạn trên chưa được ngăn chặn có hiệu quả bởi còn quá nhiều bất cập trong công tác bảo vệ rừng Quốc gia.

Vừa thiếu vừa thừa lực lượng giữ rừng!


Điều gây bất ngờ đầu tiên đối với chúng tôi là sự nhìn nhận chưa đúng mức về sự tàn phá rừng ở Vườn QG từ các cơ quan đại diện cho chính quyền và ngành chức năng huyện Vũ Quang. Trả lời câu hỏi của phóng viên qua điện thoại, ông Phan Đức Cung – Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang khẳng định: “Chính quyền và các ngành chức năng huyện có biết gỗ, động vật rừng Vườn QG Vũ Quang bị xâm hại nhưng chỉ ở mức độ nhỏ, lẻ. Huyện đã có nhiều cố gắng nếu không rừng đã hết từ lâu! Trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ rừng ở đây thuộc về Vườn QG Vũ Quang…”.

Đừng để `tan` rừng Quốc gia mới… tiếc!

Một cây gỗ trong Vườn Quốc gia Vũ Quang vừa bị đốn hạ!

Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Đức Táo – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho rằng: “Gỗ Vườn QG thất thoát ra ngoài là không đáng kể; vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng chức năng, không nghiêm trọng như báo chí phản ánh!…” Phải chăng, để né tránh dư luận hoặc muốn giảm nhẹ trách nhiệm mà những vị có trách nhiệm trên cho việc rừng Quốc gia bị tàn phá như báo chí phát hiện lâu nay chỉ là “nhỏ lẻ, nằm trong tầm kiểm soát”(?!)


Nếu vậy thì nguy! Bởi theo luật định, lâm sản, động vật rừng ở Vườn Quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Các vị trên chắc hẳn phải hiểu điều đó hơn ai hết! Thử hỏi: Có nhỏ lẻ, đáng kể không khi mỗi năm có vài trăm m3 gỗ khai thác tại Vườn QG bị kiểm lâm, bảo vệ Vườn thu giữ? “Số gỗ được phát hiện theo báo cáo hằng năm luôn là không nhiều quá hoặc ít quá, vì “quá” phía nào cũng chết!”, có người có trách nhiệm ở đây đã khẳng định như thế. Còn số gỗ không bị phát hiện là bao nhiêu? Cộng cả hai khoản ấy thì mỗi năm có chừng mấy trăm m3 gỗ bị chặt? Vườn QG này tồn tại được bao năm nếu tình trạng trên không được cải thiện(?!)


Ông Đào Huy Phiên – Giám đốc Vườn QG Vũ Quang dù thừa nhận việc rừng bị “xẻ thịt” là có, đồng thời xem việc báo chí phản ánh tình trạng này giống như “Hồi chuông báo động đối với lãnh đạo Vườn QG và các ngành chức năng”, song cũng tìm cách giảm nhẹ đôi phần trách nhiệm bằng câu ta thán: “Một mình Vườn là không thể giữ được rừng!”. Với cách nhìn nhận của những vị có trách nhiệm trên, thì dường như rừng ở đây còn tồn tại đến nay đã là một thành công lớn(?!)


Không phải ngẫu nhiên mà ông Giám đốc Vườn QG ta thán như vậy. Có một bất cập khác nằm ở chính lực lượng giữ rừng mà ông chưa dám nói ra. “Một người lạ, một khúc gỗ vào ra tại cửa rừng này đều bị phát hiện”, nhiều người đã khẳng định như vậy và thực tế đúng như vậy. Vậy mà gỗ vẫn “chui qua lỗ kim”, vượt qua nhiều Trạm, chốt giữ rừng của nhiều lực lượng như: Biên phòng, kiểm lâm, bảo vệ Vườn, công an để đến những nơi… cần đến!


Cách tổ chức, bố trí các lực lượng giữ rừng ở đây đang có vấn đề đáng bàn. Lực lượng kiểm lâm Vườn QG (thực chất là lực lượng bảo vệt) dù đông nhưng không đủ quyền nên gặp rất nhiều khó khăn, khi xử lí lại phải đưa sang kiểm lâm. Đó là chưa nói đến bảo vệ Vườn còn không đủ tính uy nghiêm của người khi thi hành công vụ vì không được trang bị đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu. Còn các lực lượng kiểm lâm, biên phòng, công an thì có đủ uy quyền, thực tế dù họ luôn nhận mình có nhiệm vụ bảo vệ rừng nhưng lại cho trách nhiệm chính là của Vườn QG… Một câu hỏi lớn đang được dư luận đặt ra cho cho các lực lượng chức năng sau nhiều lần tận mắt chứng kiến Vườn QG bị tàn phá: Bảo vệ rừng có bảo kê cho “lâm tặc” phá rừng? Ông Phiên – Giám đốc Vườn QG đã có lần thừa nhận: “Không loại trừ khả năng có sự bắt tay giữa những người giữ rừng với lâm tặc. Năm nào trong lực lượng bảo vệ rừng cũng có người bị kỷ luật…”

Nghe thì lạ. Hiểu mới hay. Lực lượng nào ở đây cũng đề cao vai trò giữ rừng của mình nhưng thực chất thì hoàn toàn khác. Nhiều người tham gia giữ rừng, nhiều lực lượng tham gia giữ rừng nhưng vì nhiều lí do… nên vừa thiếu lại vừa thừa, không phát huy được sức mạnh.


Nói về vấn đề này, lãnh đạo ngành kiểm lâm cho rằng: “Vườn QG Vũ Quang chịu sự quản lí của UBND tỉnh. Các chức danh của Vườn do tỉnh bổ nhiệm… Dù không đảm đương được nhiệm vụ nhưng Vườn lại muốn ôm cả”. Còn lãnh đạo Vườn lại “tố”: “Bảo vệ Vườn vẫn chịu cảnh phụ thuộc… Các lực lượng khác chưa có sự phối hợp tốt…”. Đẩy trách nhiệm cho nhau khi đụng sự, vì cái riêng giữa các bên nên rừng ở đây hằng ngày mới bị “lâm tặc” ngang nhiên “xẻ thịt, lột da” là điều dễ hiểu!


Cần sớm thành lập Hạt Kiểm lâm Vườn QG


Tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ và quần chúng nhân dân trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lí nghiêm những hành vi xâm hại rừng QG… là những biện pháp nên tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, theo chúng tôi, để cải thiện tình hình, cần sớm thành lập Hạt Kiểm lâm Vườn QG Vũ Quang. Có như vậy lực lượng này mới đủ uy quyền, sức mạnh, thực thi nhiệm vụ theo luật định.


Ông Trần Đức Táo – Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Vu Quang, bằng kinh nghiệm của mình đã khẳng định: “Cứ một công an (biên phòng -PV) thì bằng mười kiểm lâm, một kiểm lâm bằng mười bảo vệ”. Theo chúng tôi, đây là cách so sánh khá chính xác thực tế về cái uy, tính hiệu quả của từng lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng nói chung và tại Vườn QG Vũ Quang nói riêng.


Điều đáng bàn tiếp là khi có Hạt Kiểm lâm thì Hạt này thuộc Vườn hay thuộc Chi Cục Kiểm lâm. Hiện cả Vườn và kiểm lâm đều cho rằng, Hạt Kiểm lâm này phải thuộc mình mới phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, theo chúng tôi, Hạt Kiểm lâm này nên thuộc biên chế của Vườn QG với cơ cấu tổ chức đúng như Thông tư Liên tịch số 22 của Bộ Nội vụ và Bộ NN &PTNT ngày 27/3/2007. Hạt có nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định tại Điều 11 của Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16/10/2006 về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm. Theo đó, UBND tỉnh quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Hạt này phù hợp với tình hình địa phương. Cách làm này đã được nhiều tỉnh thực hiện.


Tổ chức, bố trí lại các lực lượng có liên quan đến công tác giữ rừng tại đây là việc không thể không làm. Tổ chức, bố trí sao để lực lượng biên phòng làm tốt nhiệm vụ đảm bảo chủ quyền, an ninh biên giới và lực lượng kiểm lâm Vườn vẫn chủ động trong công tác bảo vệ rừng. 2 lực lượng này không chỉ phối hợp tốt với chính quyền 2 xã có rừng trên địa bàn là Hương Quang và Hương Điền trong việc tuần tra mà còn giám sát trong việc ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển lâm sản…


Rừng QG Vũ Quang bị tàn phá, ai chịu trách nhiệm? Chiểu theo luật định, điều đó đã rõ ràng. Dư luận đang chờ sự kiểm điểm nghiêm túc của từng tập thể, cá nhân. Rừng đang mất hằng ngày, đừng để hết mới tiếc! Lời cầu khẩn này xin dành cho các ngành chức năng.


Nhóm PV Báo Hà Tĩnh


Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP