Cuộc sống

Vì sao trong cơn mộng du, nhiều người lại gây án?

Cơn mộng du thường xuất hiện khi giấc ngủ bị gián đoạn bởi: áp lực công việc và cuộc sống, tiếng ồn...

Cặp đôi nhà Brian Thomas đang tận hưởng thời gian du lịch cùng nhau. Sáng ngày xảy ra án mạng vào năm 2008, họ bị một nhóm thanh niên địa phương đe dọa. Thomas đêm đó chìm vào giấc ngủ với nhiều lo sợ và gặp ác mộng.

Thomas khai với cảnh sát rằng anh nhìn thấy người đàn ông mặc quần jean với chiếc áo lông cừu đen đang cố hiếp dâm vợ mình, chị Christine. Thomas đã xung đột với gã đàn ông đó và bóp cổ hắn để cứu vợ.

Nhưng khi Thomas thức dậy, anh chỉ thấy đôi tay mình đang đặt trên cổ Christine. Khi nhận ra điều gì đang diễn ra thì đã quá muộn, Thomas lập tức gọi cảnh sát.

Với những bằng chứng tại hiện trường, Thomas bị bắt. Bác sĩ Chris Idzikowski, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ Edinburgh (Anh) được mời tới kiểm tra sức khỏe Thomas.

Xây dựng chương trình nghiên cứu giấc ngủ trong tù cho Thomas bao gồm: đo sóng não, đo chuyển độc mắt, cằm và các cơ bắp, luồng khí mũi, khả năng hô hấp và nồng độ oxi trong máu..., bác sĩ Idzikowski chỉ ra rằng những hành vi trong lúc ngủ của Thomas là biểu hiện của người mắc chứng mộng du.

“Tôi tìm kiếm các dấu hiệu của chứng mộng du như: hơi thở gián đoạn, chân tay cử động và thực hiện những hành vi lặp đi lặp lại, xuất hiện sự di chuyển trong lúc ngủ. Và ở Thomas, những dấu hiện này đều xuất hiện", ông cho hay.

Các bằng chứng sau đó kết luận Thomas vô tội. Sciencefocus đưa tin, tháng 10/2010, tòa án tuyên bố cái chết của người vợ hoàn toàn là tai nạn, dù chính Thomas thừa nhận và chịu trách nhiệm về cái chết của vợ. Nhà chức trách xá định Thomas là nạn nhân của chứng rối loạn giấc ngủ về đêm và đã vô thức giết vợ trong cơn mộng du.

Dù các bác sĩ điều trị cho Thomas khẳng định với tòa án rằng tình trạng tương tự sẽ không tái diễn nhưng bác sĩ Idzikowski lại không chắc về điều này. Ông kiến nghị để Thomas tham gia chữa trị chứng mộng du nhằm hạn chế các hậu quả tồi tệ hơn...

Mộng du thường xuất hiện trong giờ đầu tiên của giấc ngủ

Các trường hợp như của Brian Thomas không phải là hiếm. Những năm qua thế giới chứng kiến ngày càng nhiều tội phạm thực hiện hành vi trong cơn mộng du. Tại Mỹ, do số người trong tình trạng này xuất hiện thường xuyên, tiến sĩ Michel Cramer Bornemann tại Viện nghiên cứu giấc ngủ Minnesota phải thành lập phòng thí nghiệm pháp y giấc ngủ đầu tiên trên thế giới để hỗ trợ điều tra và sử dụng các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ những tên tội phạm mắc chứng mộng du.

Theo tiến sĩ, bộ não của những người bị mộng du xuất hiện những sự ngắt mạch ngắn trong giờ đầu của giấc ngủ, khiến họ đứng dậy và di chuyển. Trong thời gian ngủ, não thường chuyển hóa giữa hai giai đoạn được gọi là REM (Rapid Eye movement) và non- REM.

Trong giai đoạn REM, toàn bộ cơ sẽ bị tê liệt, ngăn cản các hành vi hoạt động, các giấc mơ xuất hiện trong giai đoạn này. Khi não chuyển sang giai đoạn non- REM, chúng ta rơi vào trạng thái ngủ sâu và các cơ bắt đầu được hồi phục. Ở người bình thường, trong một đêm não sẽ trải qua hai giai đoạn này từ 4 đến 6 lần và "mộng du xuất hiện như một “lỗi” trong quá trình chuyển đổi giữa hai giai đoạn".

Tiến sĩ Cramer Bornemann cho rằng: “Có điều gì đó đã khiến “lỗi chuyển đổi” giữa hai giai đoạn xuất hiện, tạo ra một xung điện gây ra sự chồng chéo giữa các trạng thái. Não không hoàn toàn trong giai đoạn REM nên cơ bắp vẫn có thể hoạt động, nhưng cũng không phải trong Non-REM vì các giấc mơ vẫn xuất hiện. Trong trạng thái này, não vẫn đang hoạt động nhưng thực sự con người vẫn đang ngủ”.

Lý do dẫn tới hành vi phạm tội ở người mộng du?

Tiến sĩ Cramer Bornemann cho rằng hầu như tất cả mọi người đều có khả năng bị mộng du. Những cơn mộng du thường xuất hiện khi giấc ngủ bị gián đoạn bởi các yếu tố: áp lực công việc và cuộc sống, thiếu ngủ, tiếng ồn.

Theo ông, não giữa hoạt động ngay cả khi chúng ta ngủ là nguyên nhân của chứng mộng du. Lúc này, các hành vi của con người sẽ quay lại thời nguyên thủy: ăn, quan hệ tình dục, tìm kiếm các vật thể…

Dường như hiện tượng mộng du có liên quan đến yếu tố di truyền. Các số liệu thống kê cho thấy có 2% dân số mắc chứng mộng du khi trưởng thành. Nếu chứng mộng du xuất hiện khi bé thì 50% khả năng sẽ tái phát khi trưởng thành. 12% trẻ em mộng du đến năm 18 tuổi. Khi trưởng thành, bộ não của chúng ta sẽ được khắc phục các “lỗi” gây ra chứng mộng du, tuy nhiên vẫn thỉnh thoảng xuất hiện như bị giật mình lúc ngủ.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới những hành vi kỳ lạ, thậm chí là phạm tội của người mộng du, tiến sĩ Crammer Bornemann cho hay: “Cũng giống những căn bệnh về thần kinh, mộng du liên quan đến những ức chế xuất hiện thực sự trong lúc ngủ. Các phần trong não bộ như vùng dưới đồi, nơi quy định giấc ngủ, nằm cạnh vùng não giữa, nơi điều khiển các hành vi cơ thể. Vì vậy khi xuất hiện xung điện, não giữa sẽ bị đánh thức trong khi các phần còn lại, những nơi điều khiển nhận thức con người vẫn đang trong trạng thái ngủ. Chính lý do này khiến không điều gì có thể ngăn cản cơn giận giữ mà bạn đang trải qua trong giấc mơ”.

Trong phòng nghiên cứu giấc ngủ của Bệnh viện đại học James Cook, tiến sĩ Paul Reading thậm chí còn có thể kích hoạt cơn mộng du của bệnh nhân. Họ có thể tạo ra những cơn ác mộng đáng sợ bằng việc tác động vào bệnh nhân thông qua tiếng ồn. Vì vậy, việc duy trì “vệ sinh” cho giấc ngủ là vô cùng quan trọng để tránh những cơn mộng du.

Tiến sĩ Reading khuyên: “Giờ đầu tiên của giấc ngủ vô cùng quan trọng”.

Tác giả: Phương Thảo

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: mộng du , gây án , cuộc sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP