Giáo dục

Vì sao TP.HCM cần có bộ sách giáo khoa riêng?

Bên cạnh quan điểm cho rằng TP.HCM cần có bộ sách giáo khoa riêng, cũng có nhiều bạn đọc lo lắng về giá thành của sách sau này.

Trong tuần, vấn đề về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới qua các bài viết “Lãng phí sách giáo khoa: Bộ GD&ĐT cần làm rõ”; “GS Thuyết: Không ngại chuyện nhiều bộ sách giáo khoa”… đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.

Mong chờ bộ sách giáo khoa riêng

Bạn HuuLoc và nhiều bạn đọc khác lo lắng chuyện học sinh năm nào cũng phải mua sách giáo khoa (SGK), xã hội lãng phí cả ngàn tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cũng ủng hộ quan điểm của GS Thuyết là cần có sự cạnh tranh lành mạnh để có nhiều bộ SGK chất lượng, tránh độc quyền. Quan trọng là cần có những quy định chặt chẽ, có hội đồng chuyên môn của từng trường lựa chọn SGK.

Theo dòng thời sự đó, TP.HCM sẽ thực hiện SGK riêng là bài viết thu hút nhiều quan tâm của bạn đọc. Bạn Nguyễn Phương cho rằng đây là việc làm cần thiết, bởi “với bộ sách này học sinh thành phố có cơ hội hiểu hơn về địa danh con người thành phố. Với đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học hùng hậu của mình, TP.HCM dư sức soạn ra bộ SGK có giá trị”.

Bạn đọc Phạm Minh Tạo chia sẻ quan điểm vì sao lại ủng hộ TP.HCM có bộ SGK riêng: “Tôi là giáo viên ở TP Bà Rịa đã về hưu, lúc còn dạy học tôi có đọc và dạy thể nghiệm vài bài môn vật lý 7 do TP.HCM soạn. Học sinh khi học sách trên tỏ ra thích thú hơn so với SGK vật lý 7 của Bộ GD&ĐT do nhiều hình ảnh và nhiều thí dụ thực tế khá phong phú. Từ đó giúp học sinh hiểu bài và áp dụng vào cuộc sống cũng tốt hơn”.

Tuy nhiên, các bạn đọc Đinh Lê Nhật Hoàng, Trần Quang Dinh, Phạm Minh Tạo… đều có chung một mong muốn là con cháu chúng ta có một bộ SGK ổn định; tránh xáo trộn, đổi tới đổi lui gây tốn kém. Nhiều bạn đọc cũng lo lắng giá thành bộ sách sẽ cao, dễ tạo áp lực kinh tế cho các gia đình.

Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.

Tại sao bóng cười được bán ngay trong lễ hội?

“Sẽ khởi tố vụ án bảy người chết tại lễ hội âm nhạc” là bài viết nhận được khá nhiều ý kiến phê phán từ bạn đọc. Vụ việc xảy ra ở lễ hội âm nhạc diễn ra ở Công viên nước Hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội vào đêm 16-9. Sau đêm nhạc, cơ quan chức năng xác định bảy người tử vong và năm người trong tình trạng hôn mê. Toàn bộ nạn nhân đều dương tính với ma túy.

Bạn ThanhTung bức xúc rằng một lễ hội âm nhạc được tổ chức quy mô lớn như thế mà tại sao bóng cười được bán công khai ngay trong khuôn viên lễ hội. Người dân đặt câu hỏi rằng ban tổ chức có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong những việc này.

Bạn NamPhuong cho rằng tai nạn xảy ra vừa qua là một số bạn trẻ thiếu suy nghĩ, bốc đồng sử dụng ma túy và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì họ làm, đừng đổ lỗi cho ai khác.

Những ai bị huyết áp, tim mạch không nên tụ tập đám đông, rất mạo hiểm khi chui vào những chỗ như thế này. Môi trường ở đó quá ồn ào, chen lấn nhau, chẳng ai biết ai mà chỉ lo cho bản thân, dễ có nguy cơ ẩu đả, xô xát - bạn ThuanNguyen đưa ra lời cảnh báo.

Chuyện của những người bị oan

Đó là tựa bài báo thu hút nhiều đồng cảm của bạn đọc trong tuần qua. Trong tuyệt vọng, những con người bị oan khuất vẫn tin và tìm đến báo chí để giãi bày…

- “Rất mong plo.vn tiếp tục đấu tranh giúp đỡ những người oan, người cô thế nhiều hơn nữa. Đừng vì một thế lực nào đó đe dọa hay dùng lợi ích vật chất mua chuộc để che giấu sai phạm của họ, làm oan người dân vô tội” - Nguoiyeubao

- “Những mảnh đời công dân bất hạnh vì bị oan sai chỉ trông chờ vào báo như cứu cánh cuối cùng. Cần trừng trị thích đáng những người đã cố ý gây nên oan sai” – NguyenViet

- “Có lỗi thì xin lỗi đó là nét đẹp của văn hóa tố tụng. Các cơ quan tố tụng nếu làm sai gây oan cho người dân thì cần có tinh thần cầu thị, không bao che, lấp liếm để né tránh trách nhiệm” – NguyenLien

Tác giả: Lê Huy

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP