Xã hội

Vì sao người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn?

Những ngày qua, hàng chục người dân sinh sống gần khu xử lý rác Nam Sơn (xã Nam Sơn, Sóc Sơn - Hà Nội) đã có hành động cản trở, không cho những xe ô tô chở rác vào khu vực này, khiến rác trong nội thành Hà Nội ùn ứ, bốc mùi khó chịu.

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), người dân bắt đầu chặn xe tải chở rác từ đêm 10/1, rạng sáng 11/1, khiến hàng trăm xe tải chở rác bị ùn ứ, không thể đổ rác vào bãi. Chính điều này đã khiến lượng rác ùn ứ trong nội thành Hà Nội rất lớn.

Về nguyên nhân của sự việc trên, theo ông Đồng Phước An - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội là do việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù để giải quyết cho những người còn sinh sống quanh bãi rác Nam Sơn di dời. Việc này, UBND TP Hà Nội đã giao cho UBND huyện Sóc Sơn phụ trách.

Trước mắt, cơ quan chức năng đã tìm phương án để giải quyết cho xe ô tô chở rác vào bãi Nam Sơn nhằm giải quyết rác thải đang ùn ứ trong nội thành.

Rác thải ùn ứ tại nhiều khu vực trong nội thành Hà Nội. (Ảnh: Toàn Vũ).

Cũng liên quan đến sự việc trên, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, ngày 13/1, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã về Sóc Sơn để đối thoại với người dân. Sau cuộc đối thoại, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân không tụ tập, cản trở xe chở rác vào bãi Nam Sơn.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên người dân có hành động như nói ở trên, mà trước đó đã có những sự việc tương tự xảy ra. Theo người dân địa phương, môi trường sống quanh bãi rác Nam Sơn bị ảnh hưởng, người dân mắc các bệnh về đường hô hấp, ung thư, bệnh ngoài da... Sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước tưới ô nhiễm nặng nề.

Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, có diện tích khoảng 83 ha. Bãi tập kết rác lớn nhất Hà Nội này hoạt động từ năm 1999, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác.

Gần đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn.

Mỗi người trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường từ 0-150m được hỗ trợ 133.000 đồng/30 ngày, từ 150-300m nhận 106.000 đồng; từ 300-600m: 84.000 đồng; từ 500-600m: 80.000 đồng; từ 600-800m: 54.000 đồng; từ 800-1000m: 27 nghìn đồng.

Đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường, nghị quyết HĐND quyết định diện tích đất khoảng cách từ 0-500m được hỗ trợ 170 đồng/m2/ năm; 500-1000m: 102 đồng/m2/năm.

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP