Lao Động - Việc Làm

Vì sao lao động Hà Tĩnh chẳng mặn mà với nghề may?!

Công ty CP May Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động để mở rộng sản xuất.

Trình độ học vấn thấp, tay nghề không cao nhưng vẫn mong được… “ngồi mát ăn bát vàng”. Đây là một thực tế đang tồn tại đối với không ít lao động vùng nông thôn. Bởi vậy, công tác thu hút lao động với các doanh nghiệp (DN) trở nên khó khăn, đặc biệt là những DN có mức thu nhập thấp. Công ty CP May Hà Tĩnh là một trong số đó.
Vì sao lao động Hà Tĩnh chẳng mặn mà với nghề may?!

Với mục tiêu thu hút từ 500 – 1.000 lao động để mở rộng sản xuất, từ năm 2013 đến nay, Công ty CP May Hà Tĩnh thường xuyên đăng tải thông tin tuyển dụng lao động trên các kênh truyền thông và cử người “túc trực” tại những cơ sở cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, kết quả thu được lại rất thấp. Ngay cả mục tiêu khiêm tốn là tuyển dụng khoảng 100 lao động mỗi năm để bù đắp số lao động “ra đi không hẹn ngày trở lại” cũng khá chật vật.

Lý do khiến lao động thiếu mặn mà đối với nghề may, trước hết là mức thu nhập khá thấp (2013 được coi là năm thành công nhất thì mức thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân cũng chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người). Bên cạnh đó, tình trạng việc làm lúc có, lúc không khiến nhiều lao động cảm thấy bất an.

Những năm trước, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, hoạt động của Công ty CP May Hà Tĩnh có phần chững lại, bởi dịch vụ may mặc trên thế giới “chuyển mốt”. Đó cũng là khoảng thời gian nhiều công nhân rỗi việc. Số lao động nòng cốt của công ty cũng phải “chân trong, chân ngoài” nhằm tăng thêm thu nhập. 95% trong số 460 lao động sinh sống tại các vùng nông thôn, nên công việc nhà nông gắn bó với họ như một phần tất yếu. Bởi vậy, vào mùa vụ, nhiều công nhân bỏ việc để thu hoạch mùa màng là chuyện bình thường.

Thẳng thắn nhìn nhận thì con đường đến với nghề may chẳng có gì khó, thậm chí rất dễ. Sau 3 tháng đào tạo, lao động có thể được tiếp nhận vào làm việc. Vào dễ, ra cũng không khó, bởi giữa người lao động và công ty không hề có một sự ràng buộc. Thế nên, nhiều lao động sau khi được đào tạo, trưởng thành, chẳng mặn mà gắn bó với công ty. Giám đốc Công ty CP May Hà Tĩnh – Bùi Tất Thắng cho rằng: “Đây là tình trạng chung của các công ty may trên toàn quốc. Muốn có thu nhập cao, phải cùng nhau chia sẻ và phấn đấu qua nhiều năm mới có thể đạt được. Nhiều người trình độ học vấn thấp, tay nghề không cao, nhưng lại đòi hỏi mức lương cao. Công nhân sau khi lập gia đình rất dễ bỏ việc, khiến nhiều lúc tiến độ sản xuất không đáp ứng được cam kết với đối tác”.

Từ năm 2013 đến nay, sau nhiều nỗ lực mở rộng thị trường, Công ty CP May Hà Tĩnh đã ký kết được nhiều hợp đồng với các đối tác như: Nhật Bản, Đài Loan. Theo đó, không hạn chế sản phẩm xuất khẩu từ phía công ty. Điều đó cũng có nghĩa là tình trạng “no dồn, đói góp”, lúc việc nhiều, khi lại quá nhàn rỗi đã được chấm dứt; đồng thời, thu nhập người lao động cũng sẽ được cải thiện. Song, đáng tiếc, đó chỉ là tin vui đối với đội ngũ lãnh đạo công ty, còn hiện tại, nhiều lao động vẫn tỏ ra thờ ơ trước sự kiện “nóng” này.

Hoài Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP