Hà Tĩnh ngày nay

Vì sao hơn 500 tiểu thương chợ Hà Tĩnh đồng loạt nghỉ bán?

>> Sẽ có lộ trình xử lý hàng không có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ ở Chợ Hà Tĩnh

Ngày 22- 9, hơn 500 hộ tiểu thương tại chợ Hà Tĩnh đã đóng ki-ốt ngừng buôn bán vì cho rằng việc thanh kiểm tra, xử phạt của Chi Cục Quản lý thị trường là không đúng? Bên cạnh đó, việc Ban Quản lý (BQL) chợ thông báo điều chỉnh các khoản thu quá cao, trong khi tình trạng buôn bán ở chợ quá ế ẩm, cũng là một nguyên nhân khiến bà con chán nản.

Lý do của sự việc bất thường này là, hơn 500 tiểu thương của chợ đồng loạt nghỉ bán hàng để đòi hỏi quyền lợi của người dân, sau thông báo về mức tăng giá thuế mặt bằng thêm 32.000 – 37.000 ngàn/ ki ốt/tháng. Ngoài ra, Ban Quản lý chợ thông báo, 340 ki – ốt của tầng 2 phải đóng số tiền là 320.000 /ki – ốt (tiền làm cầu thang mới) mà không thông báo trước cho các tiểu thương. Đặc biệt, tiểu thương cho rằng, việc kiểm tra, xử phạt của Chi cục Quản lý thị trường là không đúng.

Tiểu thương nghỉ bán “đình công”

Cụ thể là: ngày 18/9, Chi Cục Quản lý thị trường đã đi kiểm tra và xử phạt hành chính 3 hộ kinh doanh trong chợ Hà Tĩnh. Trong đó, có 2 hộ không có giấy phép kinh doanh và 1 hộ kinh doanh đồ chơi bạo lực. Được biết, trước khi tiến hành kiểm tra xử phạt thì tháng 2 và tháng 8 Chi Cục Quản lý thị trường cũng đã hai lần gửi thông báo đến Ban Quản lý chợ về việc các hộ kinh doanh phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện tại mỗi ki – ốt trong chợ Hà Tĩnh hằng tháng phải đóng các khoản thu sau : Tiền thuế, tiền vệ sinh, tiền mặt bằng, tiền thuê đất, tiền điện và nay thêm khoản tiền cầu thang…

Cầu thang ngoài chợ, một điểm gây bức xúc cho tiểu thương

Chị Phan Thị Phương, đại diện Ban Chấp hành Phụ nữ chợ cho biết : “Chúng tôi phải nghỉ bán để đòi hỏi quyền lợi cho chúng tôi. Từ trước tới bây giờ, chưa có đợt nào thanh kiểm tra mà làm như thế này. Chợ này thì chủ yếu là các hộ buôn bán nhỏ lẻ, nguồn gốc hàng thì chủ yếu lấy ở chợ Vinh, chợ Hà Nội theo phương thức nhỏ, lẻ chứ không có hóa đơn, chứng từ nào cả. Nay Ban Quản lý thị trường đòi hỏi chúng tôi phải xuất chứng từ, hóa đơn thì chúng tôi lấy đâu ra. Nếu có phạt thì phạt cả chợ này ”.

Chị Liên, hàng quần áo bức xúc nói thêm: Tôi buôn bán nhỏ lẻ, dăm bữa nửa tháng lấy hàng hóa từ chợ Vinh, Hà Nội thì lấy đâu ra mà hóa đơn với chứng từ. Mà nói thật, từ ngày nhỏ tới giờ cũng chưa biết hóa đơn chứng từ là gì. Thế mà phạt chúng tôi là không có hóa đơn chứng từ, trong khi đó ghi hóa đơn phạt  là hàng hóa không rõ nhãn mác. Nếu các đồng chí ở chi cục quản lý thị trường và BQL chợ biết chỗ nào có nguồn hàng, có nguồn gốc có hóa đơn đỏ, thì chúng tôi sẽ tự nguyện lấy nguồn hàng của các đồng chí”.

Chị Nguyễn Thị Hoa, kinh doanh hàng may mặc  ở tầng 2 nói thêm: “Tôi rất bức xúc với giá tăng tiền điện, tiền mặt bằng và khoản thu cầu thang của BQL chợ đưa ra và áp đặt cho chúng tôi. Lẽ ra trước khi có quyết định, họ phải trưng cầu ý kiến của chúng tôi, những người kinh doanh trực tiếp tại khu chợ này. Nhưng, đằng này, chúng tôi không hề biết gì cho tới ngày có thông báo. Đặc biệt, tôi bán ở đây gần 10 năm mà chưa bao giờ có 1 hóa đơn thu tiền điện nào”.

Bà Quang, bán hàng văn phòng phẩm một trong những tiểu thương gắn bó với chợ gần 25 năm, nay đã nghỉ buôn bán, cho biết: “Nguyện vọng của tất cả các tiểu thương ở đây là tha thiết mong BQL chợ xem xét lại mức giá đưa ra, tạo điều kiện cho bà con tiếp tục làm ăn buôn bán. Đó là cái lý và cũng là cái tình mà những người quản lý cần lưu tâm. Hơn nữa, mong muốn BQL chợ là cầu nối đứng về phía tiểu thương để phản đối các khoản phạt vô lý của Ban Quản lý thị trường”.

Được biết, chợ Hà Tĩnh là nơi tập trung kinh doanh, buôn bán của hơn 1.600 hộ tiểu thương; là Trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Duy Hòa – Trưởng Ban Quản lý chợ Hà Tĩnh cho biết: Chúng tôi đã làm việc với các Sở, Ban, Ngành, Hội đồng nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh tăng lệ phí. Theo lộ trình điều chỉnh phí,  thì từ năm nay, tiền mặt bằng của 1m2  thu thêm 5.000 ngìn đồng. Theo nghị quyết 68 (thuế điện, kinh doanh), UBND tỉnh quyết định tăng thêm 35.000/tháng tiền thuế đất từ tháng 8/2014. Còn việc làm cầu thang ngoài thì BQL chợ đáp ứng nguyên vọng của tiểu thương, vì tầng 2 buôn bán lẹt đẹt, bỏ không nhiều. Cầu thang làm chi phí hết khoảng 600 triệu đồng, nhưng kinh phí thành phố hỗ trợ không đủ, nên ban quản lý chợ đã họp và thông qua thu thêm 1 ki – ốt tầng 2 thêm 320.000 ngàn đồng.”

Ông Trần Hữu Hạnh, Phó Chi Cục trưởng Quản lý thị trường cho biết : “Đối với chợ Hà Tĩnh, từ tháng 2 đến nay, chúng tôi đã có văn bản gửi về vấn đề tuyên truyền thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh. Cả chợ Hà Tĩnh chỉ có 702 hộ có giấy phép kinh doanh trên tổng số 1.600 hộ. Chúng tôi đã tạo điều kiện thông thoáng hơn để bà con làm giấy phép kinh doanh, nhưng các hộ vẫn bỏ qua; vì thế, chúng tôi tiến hành kiểm tra và sẽ xử phạt những hộ vi phạm. Theo quy định trong giao dịch hàng hóa, thì trên 200.000 ngàn đồng phải xuất hóa đơn chứng từ, nên nếu kiểm tra mà các hộ kinh doanh không có hóa đơn chứng từ, chúng tôi sẽ xử phạt theo đúng quy định của pháp luật”.

Trước tình hình trên, chiều ngày 22/9, BQL chợ, Ban Quản lý thị trường dự định có buổi đối thoại trực tiếp với tiểu thương.

Thu Hường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP