Tin Hà Tĩnh

Vì sao giải ngân đầu tư công tại Hà Tĩnh còn thấp?

Hà Tĩnh hiện đã giải ngân hơn 3.311 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 41,4% kế hoạch vốn được giao năm 2022.

Một dự án nâng cấp, cải tạo đường tại huyện Hương Sơn có sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh Trương Hoa

Trao đổi với Nhadautu.vn ngày 26/8, ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho biết, tổng vốn đầu tư công được giao trên toàn tỉnh năm nay là hơn 8.000 tỷ đồng, bằng 83,5% so với năm 2021. Trong đó, vốn địa phương quản lý là 7.557 tỷ đồng, vốn Trung ương đầu tư trên địa bàn là hơn 444 tỷ đồng.

Tính đến ngày 26/8, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 3.311 tỷ đồng, bằng 41,4% kế hoạch vốn được giao năm 2022.

Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân về vốn đầu tư công, ông Trần Việt Hà cho hay, tình hình thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều trong các tháng đầu năm; giá cả một số vật tư, nhiên, vật liệu liên tục tăng cao… đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các công trình trên địa bàn.

Vị này cũng nói thêm, 2022 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các tháng đầu năm, sau khi được giao vốn, các dự án mới bắt đầu triển khai được công tác phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công, dự toán... Vì vậy, 8 tháng đầu năm chưa có khối lượng thanh toán, dẫn đến tiến độ giải ngân chậm.

“Đối với các dự án chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 thì chủ yếu là các dự án lớn, có giá trị gói thầu trên 20 tỷ đồng và được áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Do đó, việc điều chỉnh giá hợp đồng do biến động thị trường trong 8 tháng đầu năm cũng ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn”, ông Trần Việt Hà giải thích thêm.

Về giải ngân đầu tư công, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương phân bổ chi tiết và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách địa phương bổ sung có mục tiêu năm 2022 cho từng dự án; bảo đảm việc phân bổ vốn tuân thủ điều kiện, thủ tục, thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định;

Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình khởi công mới; đặc biệt là các dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm. Chậm nhất đến ngày 30/9/2022 phải hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn;

Đặc biệt, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án; cần huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, phối hợp, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, thực hiện nhanh công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án; không được để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

Tác giả: Trương Hoa

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP