Lý do chính khiến ấn phẩm Dòng đời của báo Nông thôn ngày nay bị thu hồi giấy phép xuất bản là đăng quá nhiều bài viết có nội dung mê tín dị đoan, các vấn đề tiêu cực trong xã hội dù đã được nhắc nhở.

Về lý do thu hồi giấy phép xuất bản của ấn phẩm Dòng đời, Bộ TT&TT cho biết: Ấn phẩm Dòng đời được cấp phép từ tháng 1/2012 với tôn chỉ, mục đích là: “Giới thiệu chân dung những người có nghĩa cử, hành động, lẽ sống cao đẹp, mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, giúp con người sống hướng thiện hơn, đặc biệt những người là nông dân hoặc có nguồn gốc xuất thân từ nông thôn. Đăng tải những câu chuyện thành công của những người bước ra từ sai lầm, đổ vỡ, đưa ra bài học cảnh báo từ những tiêu cực xã hội.

Tuy nhiên, sau khi được cấp phép xuất bản, trên nhiều số của ấn phẩm phụ này có nội dung xa rời tôn chỉ, mục đích, đăng tải quá nhiều bài viết về các vấn đề tiêu cực trong xã hội, nhiều nội dung mê tín dị đoan, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí.

Ấn phẩm phụ Dòng đời có nhiều nội dung thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích được ghi trong giấy phép. Ảnh: Internet.

Ngày 10/9/2013, Cục Báo chí đã có công văn đề nghị Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo Ban Biên tập báo Nông thôn ngày nay thực hiện nghiêm túc nội dung, mục đích xuất bản ấn phẩm phụ, có kế hoạch cơ cấu lại nội dung ấn phẩm, đảm bảo thực hiện tốt các quy định của pháp luật về báo chí và báo cáo hướng khắc phục những vi phạm.

Ngày 19/9/2013, báo Nông thôn ngày nay đã có công văn xin nhận khuyết điểm, nghiêm khắc rút kinh nghiệm, đề ra kế hoạch cơ cấu lại nội dung, hướng khắc phục cụ thể, đảm bảo thực hiện tốt các quy định.

Qua thanh tra thấy rằng sau thời điểm Cục Báo chí có công văn nhắc nhở, Ban Biên tập báo đã có sự điều chỉnh về liều lượng tin, bài tiêu cực. Nhiều tấm gương tiêu biểu, người tốt, việc tốt được đăng tải thường xuyên hơn ở chuyên mục Sống bằng cả trái tim, đơn cử các bài như “Cô sinh viên một chân giàu nghị lực” số ngày 27/12/2013, “Nữ công an khiến nhiều kẻ bị truy nã khiếp vía” số ngày 3/1/2014…

Tuy nhiên, việc điều chỉnh nội dung tin bài nêu trên chỉ ở một số trang nhất định, nội dung thông tin ấn phẩm vẫn chủ yếu là các vụ việc tiêu cực như: Chồng giết vợ, con đánh chết bố, ghen tuông mù quáng tạt axit, giết người, cướp của, hiếp dâm, chuyện thần bí không có cơ sở khoa học, thông tin mê tín dị đoan… không đúng tôn chỉ, mục đích và vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí.

Cụ thể, ấn phẩm đã cho khai thác nội dung những vụ án nhưng mô tả tỉ mỉ hành động tội ác, hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục như: Bài “Người đàn bà “ác thú” nhẫn tâm dùng kéo nhẫn tâm rạch mặt đứa bé hơn 2 tháng tuổi vì giống chồng mình” đăng ngày 27/12/2013 miêu tả tỉ mỉ hành vi nhiều lần rạch mặt bé; Bài “Đập nát đầu vợ cũ và tình địch vì ghen” đăng ngày 27/12/2013; Bài “Người mẹ nhẫn tâm dựng kịch bản bán con mới 2 tháng tuổi” đăng ngày 3/1/2014 đăng tỉ mỉ hành vi dàn dựng bán con của người mẹ; Bài “Gặp lại gã bố mất nhân tính hại đời con gái ruột” đăng ngày 3/1/2014 mô tả tỉ mỉ hành hành động phạm tội hiếp dâm của bố ruột đối với con gái…

Bên cạnh đó, ấn phẩm còn có các bài viết về vấn đề thần bí, tâm linh, mê tín dị đoan được khai thác sâu với cách rút tít giật gân, không phù hợp nội dung bài viết, gây sự tò mò, hoang mang cho bạn đọc.

Có bài thì phần kết phủ nhận yếu tố thần bí nhưng thông tin không thuyết phục. Chẳng hạn: Bài “Con rắn chúa mới xuất hiện ở nghĩa địa Gia Lâm nằm trong câu chuyện huyễn hoặc” đăng ngày 27/12/2013 – tên bài viết cho rằng câu chuyện huyễn hoặc nhưng nội dung bài viết lại thuyết phục đó là sự thật, không phủ nhận yếu tố thần bí, không có định hướng cho người đọc; Bài “Chuyện cây mít “linh thiêng” và nửa xóm bị điên” đăng ngày 21/3/2014 – nội dung bài viết thuyết phục đó là sự thật, không có phê phán, phủ nhận yếu tố thần bí, không có định hướng cho người đọc; Bài “Ám ảnh bến không đầu” đăng ngày 10/8/2014 – với cách viết thuyết phục đó là sự thật, nội dung bài viết có lồng một số ý kiến cá nhân để giải thích hiện tượng tâm linh không có thật nhưng hời hợt, không thuyết phục…

Bình Minh