Thể thao

VFF cãi nhau hoài, ai lo SEA Games 2021 trên sân nhà

Bóng đá Việt Nam đang bấn loạn với những phe phái đấu đá mà HLV Hữu Thắng vừa qua đã bộc bạch việc đấu đá nhau ở thượng tầng.

HLV Hữu Thắng vừa chỉ ra những phần ẩn trong ngôi nhà VFF mà bản thân anh là HLV trưởng đội U-22 nhưng cũng chỉ là quân cờ của các cuộc đấu đá ở trên. HLV này cũng nói thẳng việc không sòng phẳng của lãnh đạo VFF trong việc mổ xẻ thất bại của đội bóng. Điều mà những người phụ trách chuyên môn không khó để nhìn ra. Ngay cả HLV Phan Thanh Hùng trong cuộc mổ xẻ cũng trình bày rất có tình, có lý về cái được và cái chưa được của HLV Hữu Thắng nhưng tuyệt nhiên điều đó lại không được công khai, công bố. Ngược lại là phần đổ tội từ phía Hội đồng HLV Quốc gia như được chỉ đạo dồn hết cho HLV Hữu Thắng.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn lại là chuyện đấu đá và giữ ghế cứ nhan nhản sau thất bại của U-22 Việt Nam tại SEA Games 29 rồi đến U-18 Việt Nam tại giải vô địch Đông Nam Á cứ tiếp diễn, còn việc lo xây dựng lại chẳng ai lo.

Rút kinh nghiệm SEA Games 29 mà các bác, các chú cứ đánh nhau thì đến bao giờ các cầu thủ mới được quan tâm, chăm chút. Ảnh: HUY PHẠM

Rõ ràng là một bộ máy điều hành thiếu thống nhất và ai muốn làm gì thì làm đã để lại nhiều hệ quả mà chính những người cao nhất ở VFF giờ cũng không dám đụng vào vì sợ văng miểng. Trong khi đó, SEA Games 31 - 2021 do Việt Nam đăng cai chỉ còn bốn năm nữa, thế nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ai lo kế hoạch và lộ trình cho tư thế của chủ nhà cả.

Không khó để nhìn ra lứa U-18 vừa bị loại trước bán kết giải Đông Nam Á sẽ là lực lượng nòng cốt nhưng đến nay ai lo cho lứa cầu thủ đó và ai tính đường xa cho các em?

Bóng đá Việt Nam cứ cãi nhau và kèn cựa nhau kiểu này thì bao giờ mới hoàn tất giấc mơ HCV SEA Games hay xa hơn nữa là bước vào sân chơi khu vực ngang hàng với những quốc gia có nền bóng đá tiến bộ?

Bốn năm nữa, khi đăng cai SEA Games 31 - 2021, bóng đá Việt Nam cần phải thể hiện một bộ mặt mới và mạnh mẽ nhưng bây giờ cứ cãi và đánh nhau thì làm sao có được một đội chủ nhà mạnh ở tương lai.

Những ai có đủ chuyên môn, đủ tâm và đủ tầm ngồi lại để tính cho một lộ trình bốn năm bắt đầu từ lứa U-18 hôm nay?

Và cũng đã có ai nhìn xem cũng lứa tuổi đó Indonesia có bao nhiêu cầu thủ được tập huấn ở châu Âu, Thái Lan có bao nhiêu lò, bao nhiêu học viện được đưa sang Anh tập huấn, rồi Myanmar, Malaysia và cả Campuchia nữa, họ đã và đang làm gì cho bốn năm tới đưa cầu thủ của mình đến Việt Nam dự giải?

Bốn năm không phải là một quỹ thời gian dài nếu không muốn nói là phải sớm bắt tay xây dựng lộ trình để thể hiện tư cách chủ nhà. Thế mà bây giờ các bác, các chú cứ cãi nhau thì đến bao giờ mới bắt tay vào việc chăm chút, lo cho các cháu?

Thật đáng lo khi bóng đá Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng cứ tự làm yếu mình bởi bộ máy điều hành lo đấu đá.

Tác giả: ĐỨC TRƯỜNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP