Giáo dục

Về thăm thầy cô nơi lũ dữ đi qua

Những cây cầu treo đứt gãy, trường lớp, nhà cửa bị đổ sập, vùi lấp do mưa lũ chưa kịp khắc phục nhưng tại những nơi ở tạm, đồng bào ở Quan Hóa, Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn dọn dẹp tươm tất để chuẩn bị đón năm mới.

Lớp học tạm ở Trường tiểu học Trung Sơn, huyện Quan Hóa ảnh: Hoàng Lam

Vượt khó

Trận lũ lịch sử hồi cuối tháng 8/2018 là ký ức kinh hoàng đối với nhiều người dân huyện miền núi, vùng biên giới Quan Hóa và Mường Lát. Những bản làng bị xóa sổ, còn nguyên hiện trường dòng bùn đất đá từ trên núi cao đổ về.

Là một trong những gia đình bị thiệt hại nặng nề, ngôi nhà của cô Vi Thị Tươi, giáo viên Trường mầm non xã Pù Nhi ở bản Na Tao, xã Pù Nhi (huyện Mường Lát), bị vùi lấp hoàn toàn do sạt lở đất. Sau nhiều tháng lũ qua, cô Tươi vẫn chưa quên được thời khắc 3 mẹ con vừa chạy khỏi ngôi nhà thì đất đá trên đồi sạt xuống, lấp kín toàn bộ. Sau lũ, mẹ con cô Tươi đến ở nhờ nhà mẹ đẻ tại thị trấn Mường Lát, cách nhà cũ 7 km. Mọi chi phí sinh hoạt đều phải nhờ vào gia đình người thân, họ hàng, đồng nghiệp giúp đỡ. Hiện nay, trên mảnh đất ở của người thân cho, ba mẹ con cô hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong ngôi nhà mới đang được xây dựng từ nhiều nguồn hỗ trợ.

Chưa bao giờ Mường Lát có trận lũ lớn đến như thế. Nhiều gia đình có người chết, mất tích. Mường Lát bị chia cắt nhiều ngày trong đợt lũ. Ngay từ khi thông đường đến nay, các đoàn cứu trợ khắp nơi vẫn tiếp tục để về Mường Lát và các vùng khác ở Thanh Hóa để cứu trợ lương thực, vật dụng...

Trong ngôi nhà mới đang còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, anh Hoàng Thanh Tâm (36 tuổi), bản Pọong, xã Tam Chung (Mường Lát), chia sẻ: Bao nhiêu năm gắn bó với bản, bỗng chốc cả bản chỉ còn nhìn thấy đá, bùn. Lúc đó, khi đất đá từ trên đỉnh núi ào xuống, cả đoàn người trong bản chỉ kịp thoát đến khu đất cao chờ cứu hộ. Toàn bộ nhà cửa, tài sản theo cơn lũ biến mất trong phút chốc khiến chúng tôi bàng hoàng.

Nhìn về phía cánh rừng từ khu vực bản mới được quy hoạch, anh Tâm nói về những ngôi nhà đang được dựng lại nhờ sự hỗ trợ từ sự đóng góp của cá nhân, tổ chức khắp mọi nơi. Dường như, anh Tâm muốn quên đi những ký ức buồn và kinh hoàng mà trận lũ gây ra. Anh Tâm cũng cho biết, thời gian qua, tại những mảnh đồi bị băm nát, đồng bào địa phương đang cần mẫn hàng ngày cày, cuốc, san đắp lại để trồng ngô, sắn, lúa...

Do thiếu phòng học, các em HS Trường TH Trung Sơn phải học ngoài hè

Lớp học dã chiến, không bỏ lỡ chương trình

Sau trận lũ, 2 dãy nhà kiên cố với 11 phòng học của Trường tiểu học Trung Sơn (huyện Quan Hóa) bị đổ sập hoàn toàn, không thể sử dụng. Để có nơi dạy và học, nhà trường đã mượn dãy nhà điều hành của Công ty 47, thuộc Ban Quản lý thủy điện Trung Sơn làm phòng học tạm. Tuy nhiên, nhà điều hành của Công ty 47 cũng chỉ đủ để tổ chức dạy và học cho 8 lớp (học 2 ca sáng, chiều), 3 lớp còn lại nhà trường chuyển sang khu lẻ bản Pó, cách điểm trường chính khoảng 5 km.

Lập bản, dựng nhà mới ở bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát ảnh: Hoàng Lam

Thầy giáo Hắc Xuân Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn, cho biết: Do không có phòng để các thầy, cô giáo tổ chức dạy kèm cho học sinh yếu, kém và bồi dưỡng học sinh khá, giỏi, nên ngoài giờ lên lớp chính khóa, các thầy cô giáo thường tận dụng hành lang lớp học hoặc dưới những tán cây quanh khu để tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục nhà trường vẫn đảm bảo. Hiện nay, ngôi trường mới đang xây dựng, dự kiến, sẽ đưa vào sử dụng năm 2019.

Quan Hóa và Mường Lát là hai huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chịu tổn thất nặng nề trong đợt lũ hồi cuối tháng 8/2018. Riêng huyện Mường Lát, trận lũ khiến 7 người chết và mất tích; 542 ngôi nhà bị sập, hư hỏng, cuốn trôi; hàng trăm ha hoa màu, hàng nghìn vật nuôi bị đất đá vùi lấp, nhiều con đường bị đứt gãy...

Thế nhưng những ngày cuối năm, đường về Quan Hóa, Mường Lát đã bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng nối nhau. Chiều về, những đứa trẻ mang theo những cặp sách, vui vẻ, cười nói như thể chưa hề có trận lũ nào ngang qua.

Trường tiểu học Trung Sơn có 314 học sinh, trong đó gần 100% là con em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… Sau trận lũ, nhiều gia đình khó khăn lại càng thêm vất vả. Để vận động học sinh đến lớp đều đặn, các thầy cô phải đến từng nhà động viên, thăm hỏi. 100% học sinh đến lớp đều đặn, không có tình trạng học sinh bỏ học”- thầy Phúc cho biết thêm.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP