Tin Hà Tĩnh

Về thăm làng trăm tỷ ở Hà Tĩnh nhờ xuất ngoại

Những năm gần đây, làng chài Cương Gián nghèo khó, lam lũ khi xưa đã lột xác ngoạn mục nhờ vào nguồn ngoại tệ được gửi về từ nước ngoài của những người con nơi đây đi XKLĐ nơi xứ người.

Làng chài "thay da đổi thịt" nhờ XKLĐ

Cương Gián vốn là làng chài nghèo ven biển của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Người dân nơi đây quanh năm lam lũ với biển cả, lưới thuyền. Không được thiên nhiên ưu đãi nên ngoài nghề chài lưới, người dân Cương Gián chẳng thể trông mong gì ở những thửa ruộng cát trắng phủ đầy.

Thế nhưng, những năm gần đây, làng Cương Gián được mệnh danh là "làng giàu nhất Xứ Nghệ" nhờ vào việc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Theo những người già trong làng, khoảng đầu những năm 1990, không cam chịu sống mãi trong cảnh nghèo khó nơi thôn quê, một nhóm thanh niên trong làng đã tiên phong tìm cách thoát nghèo bằng cách đi XKLĐ ở Hàn Quốc.

Chỉ vài năm sau, nhờ số tiền mà những người con xa xứ gửi về, nhiều gia đình nhanh chóng thoát nghèo và khấm khá lên trông thấy.

Thấy được điểm tích cực từ việc XKLĐ, nhiều người trong làng cũng làm hồ sơ đi nước ngoài với mong muốn khi trở về sẽ có được một khoản tiết kiệm để xây nhà, dựng cửa, đầu tư làm ăn kinh tế. Mỗi nhà bình quân có 2-3 người, thậm chí có những gia đình có tới 9-10 người đi XKLĐ.

Hiện nay, làng Cương Gián đang có khoảng 2.700 người sinh sống, lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...; trong số đó, không ít người đã định cư nơi đất khách quê người. Bình quân mỗi lao động gửi về cho gia đình khoảng 700 USD/tháng, mỗi năm toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về trên 400 tỷ đồng. Cứ như thế, những ngôi nhà to đẹp khang trang mọc lên càng nhiều nơi làng chài nghèo ven biển.

Những ngôi nhà khang trang hàng tỷ đồng được xây dựng lên từ nguồn ngoại tệ con em Cương Gián đi XKLĐ gửi về. Ảnh: Internet

Nguồn thu từ XKLĐ đã thực sự làm "thay da đổi thịt" cho làng Cương Gián, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh từ 21% (năm 2011) xuống còn 4,5% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 38 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của huyện Nghi Xuân (xấp xỉ 37 triệu đồng).

Việc đưa lao động ra nước ngoài làm ăn ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn do người dân ở đây quá nghèo khó để có thể tích góp đủ tiền để nộp các khoản phí. "Cái khó ló cái khôn", người dân Cương Gián đã xây dựng nên một quỹ tín dụng nhân dân, gom tiền lại cho người lao động, người lao động lại gửi về cho người khác đi tiếp. Những người con Cương Gián ly hương đều nỗ lực trưởng thành, phát triển và trong tâm thức luôn hướng về quê, muốn được chia sẻ với quê nhà thông qua quỹ tín dụng nhân dân. Đó có lẽ cũng là nét chung của những người Hà Tĩnh xa quê. Do đó, quỹ tín dụng ngày càng phát triển, mô hình XKLĐ cứ thế mà rộng dần.

Chính vì giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn có nguyện vọng đi XKLĐ, phát triển kinh tế địa phương, quỹ tín dụng nhân dân đã được Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Nhiều mặt trái đằng sau những căn biệt thự tiền tỉ

Đời sống được nâng lên cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là việc thanh niên dễ sa vào tệ nạn xã hội. Thế nhưng, ở làng Cương Gián, điều đó ít xảy ra vì đồng tiền họ kiếm được từ sức lao động, lao lực gần chục năm trời nơi đất khách quê người mới có được số vốn ấy chứ không hề dễ dàng. Do đó, thanh niên sau khi đi XKLĐ trở về làng tập trung thời gian, trí lực tìm cách quay vòng đồng tiền, ít sa vào cám dỗ.

Không những vậy, thế hệ trẻ đi XKLĐ về, ngoài số vốn tích góp được, họ cong học được tác phong công nghiệp nhạy bén, tư duy về kinh tế sắc sảo và các ứng xử có văn hóa với cộng đồng.

Mặc dù vậy, đằng sau những con số biết nói về sự phát triển kinh tế, nhiều hệ lụy cũng xảy ra từ việc XKLĐ tại làng Cương Gián.

Theo thống kê của địa phương, ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Cương Gián có trên 200 cặp vợ chồng ly hôn, thậm chí, trong một gia đình có 3 cặp vợ chồng “đường ai nấy đi”.

Đáng nói là, phần lớn những vụ việc ly hôn này đều có vợ hoặc chồng đi nước ngoài về.

Cương Gián hôm nay đã "thay da đổi thịt" nhờ XKLĐ. Ảnh: Dân Trí

Sự trở mình mạnh mẽ của "làng tỷ phú" Cương Gián cũng kéo theo sự dịch chuyển lớn trong suy nghĩ của người dân địa phương về chuyện học hành của con trẻ. Nhiều gia đình giữ quan điểm cho con em ăn học hết phổ thông rồi hướng đi XKLĐ.

Bên cạnh đó, người dân đi XKLĐ đông khiến cho khoảng trong số hơn 700 học sinh theo học tại trường THCS Cương Gián, có quá nhiều em thiếu vắng cùng lúc cả bố lẫn mẹ trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều đứa trẻ được ông bà, cô chú nuôi dưỡng mà vắng đi lời răn tiếng dạy của mẹ, cha, phải chịu nhiều thiệt thòi, lớn lên không hoàn thiện. Vì vậy, nhiều em trở nên ngỗ nghịch, quậy phá, chểnh mảng chuyện học hành.

Không chỉ là sự bù đắp về vật chất, điều con trẻ cần hơn cả là sự bảo ban chăm sóc trực tiếp của cha mẹ.

XKLĐ khiến Cương Gián "thay da đổi thịt", đời sống vật chất ngày càng được nâng lên, bộ mặt làng xã cũng đã khác xưa. Phát triển kinh tế là điều cần thiết, thế nhưng, để những hệ lụy, mặt trái không có cơ hội tồn tại thì việc bồi dưỡng về văn hóa, giáo dục nhân cách thế hệ trẻ mới là yếu tố cốt lõi để phát triển quê hương. Đây cũng là bài toán đang cần lời giải đáp từ phía chính quyền địa phương xã Cương Gián nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Tác giả: Bạch Hiền

Nguồn tin: Báo Đời sống & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP