Giáo dục

Về nơi có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT... 0% ở Quảng Ngãi

Đa phần các học sinh theo học đều con em người đồng bào dân tộc thiểu số, có người đã 46 tuổi... Việc học của các học sinh ở đây đan xen với công cuộc mưu sinh hái đót, làm keo... hằng ngày.

Mấy ngày qua, dư luận tỉnh Quảng Ngãi đang xôn xao về câu chuyện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Minh Long (TTGDNN-GDTX huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 0%. Đây là trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 0% duy nhất ở Quảng Ngãi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019 và cũng là trường thứ 2, khi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 0% - sau trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây), trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006-2007.

Kết quả tất yếu

Sáng 16-7, ngược lên phía Tây thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi vượt gần 50km đường núi mới đến được trung tâm huyện Minh Long (một trong những huyện miền núi khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi), nơi phần lớn là người dân tộc H’re sinh sống. Dường như thông tin buồn về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đã len lỏi khắp nhà dân và các hàng quán trên địa bàn huyện.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Minh Long. Ảnh: T.Trực

Theo lời chỉ dẫn người dân, chúng tôi tìm đến TTGDNN-GDTX huyện Minh Long, chứng kiến cảnh tượng khá hoang vắng. Ngoài một vài phòng của cán bộ nhà trường mở cửa, còn lại các phòng học đều đóng cửa, không bóng dáng học sinh.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cáng, Giám đốc TTGDNN-GDTX huyện Minh Long, thổ lộ mấy ngày qua khi hay tin trường không có em nào đỗ tốt nghiệp, tập thể cán bộ nhà trường ai cũng buồn. "Mấy đêm nay tôi không tài nào chợp mắt được. Suy nghĩ về tương lai của trường, các em rồi sẽ ra sao. Cảm thấy nuối tiếc cho những nổ lực của các em trong thời gian qua", ông Cáng nói.

Cũng theo lời ông Cáng, dù buồn nhưng kết quả kỳ thi là một tất yếu bởi đề thi quá "tầm" so những học sinh vốn gắn bó với công cuộc mưu sinh hàng ngày, với việc đi rẫy đi rừng, nhiều hơn việc học.

"Kỳ thi có 12 em lớp 12 tham dự nhưng phần lớn con em người đồng bào H’re sinh sống ở các xã vùng cao, vùng sâu, cách trung tâm huyện tới 25-30km. Mùa nắng các em còn tới trường, nghe giảng bài nhưng mùa mưa, đường sá cách trở, có khi hơn nửa tháng không thấy học sinh đến lớp. Giáo viên chủ nhiệm phải tới tận nhà vận động, thăm hỏi, các em mới tiếp tục tới lớp", ông Cáng chia sẻ.

Cần sự sẻ chia

Thầy Huỳnh Quang Tải, Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 (nơi có 12 học sinh thi tốt nghiệp), cho biết tất cả 12 học sinh tham gia thi tốt nghiệp đều có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ và độ tuổi trung bình xấp xỉ gần... 30. "Có em năm nay đã 46 tuổi, có gia đình mấy đứa con. Họ là những trụ cột, lao động chính trong gia đình. Nhiều lúc con đau ốm hoặc bận đi làm keo, bận đi rừng... các em ở nhà, không tới trường liền cả tuần. Các em thi rớt, giáo viên chủ nhiệm như tụi tôi thấy buồn lắm. Bao nhiêu công sức gắn bó với các em bấy lâu nay không có kết quả. Nhưng thật sự mà nói, với một đề thi chung như thế, quá tầm với các em học sinh miền núi còn nhiều khó khăn như ở đây", thầy Tải nói.

Cảnh tượng hoang vắng bên trong trung tâm. Ảnh: T.Trực

Cùng đi với thầy Tải, chúng tôi tới nhà em Đinh Văn T. (ngụ xã Long Môn, huyện Minh Long) nhưng khi tìm đến nơi, người nhà bảo T. theo cha mẹ hơn 1 tuần qua đi làm ở Kon Tum. Hỏi T. đi làm gì, không ai nắm rõ cũng không có số điện thoại liên lạc. Tiếp tục đến nhà Đinh Văn B., chúng tôi cũng gặp cảnh tương tự khi người nhà nói B. đã đi rừng làm keo cho người ta, mấy hôm nữa mới về.

"Cứ mỗi lần nghỉ hè, nghỉ lễ gì, các em đều theo cha mẹ đi làm ăn xa, muốn tìm các em rất khó. Mấy hôm nay dù có điểm nhưng chắc chắn nhiều em chưa biết điểm của mình ra sao", thầy Tải nói.

Nhiều dãy phòng học đã bắt đầu xuống cấp. Ảnh: T.Trực

Tỷ lệ đỗ 0% phản ánh đúng thực trạng học sinh ở đây

Hiện toàn TTGDNN-GDTX huyện Minh Long ngoài 12 học sinh trượt tốt nghiệp vừa rồi, còn có 30 học sinh lớp 10, 15 học sinh lớp 11. Trung tâm được thành lập khoảng 20 năm qua. Đây là năm có số lượng học sinh thi tốt nghiệp thấp nhất, cũng là năm có tỷ lệ học sinh thi đỗ thấp nhất. Những năm trước, tỷ lệ đỗ có năm đạt 80%, thấp nhất 40%...

"Mục đích của chúng tôi, hoàn thành các chương trình phổ cập THPT nên đầu vào của các em rất thấp, chỉ cần tốt nghiệp cấp 2, các em nộp hồ sơ vào đây là được học. Những em có học lực khá hay có điều kiện đều học ở trường nội trú khác, ở đây chỉ có những em học lực trung bình, yếu trở xuống. Bởi vậy, tỷ lệ đỗ 0% phản ánh đúng thực trạng học sinh ở đây", ông Cáng nói.

Tác giả: Tử Trực

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP