Di tích - Thắng cảnh

Về lại nơi “ông già tiên” bốc thuốc

Tôi cứ nghĩ danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 – 1791), Hải là Hải Dương, Thượng là Thượng Hồng quê gốc của Lê Hữu Trác, Hương Sơn là quê ngoại – trong bức ảnh còn lưu lại cho hậu thế hôm nay, giống như một ông tiên từ trên trời giáng thế để cứu người.

Đôi mắt sáng, mái đầu bạc, chòm râu bạc ấy đã khiến tôi thực sự xúc động và ngưỡng mộ về tài năng, đạo đức của ông. Không chọn nghề làm quan chỉ chọn nghề làm thuốc, ”ông già tiên” đã sống những ngày đẹp như thế trên đất quê mẹ Hương Sơn – Hà Tĩnh.

Vườn cũ lồng lộng bóng danh nhân

Tháng Giêng này, tôi trở lại vườn cũ nơi Hải Thượng Lãn Ông, cách đây bốn thế kỷ đã từng sống. Ngôi nhà ông dùng làm nơi đón tiếp bệnh nhân, cùng với các kỷ vật như tủ, bàn, phản và cả những bức hoành phi viết bằng chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Chỉ hiềm một nỗi, ông cùng với những tầng lớp dân nghèo thuở ấy đã trở thành “người muôn năm cũ” từ lâu rồi. Mái ngói, tường vôi đã dày rêu phong theo dấu thời gian. Nhưng từ khung cửa nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, nhìn xuống con sông Ngàn Phố vẫn một màu xanh thắm như tâm hồn sáng trong, thanh cao và lãng mạn của “ông già tiên”.

Về lại nơi “ông già tiên” bốc thuốc ảnh 1

Lễ hội tri ân Hải Thượng Lãn Ông.

Bác Lê Hữu Quý, cháu hậu duệ đời thứ bảy của dòng họ Lê Hữu này, dẫn tôi ra thăm toàn bộ khu vườn, với khuôn viên rộng hơn 1ha, đầy những cây cổ thụ sum suê, đầy tiếng chim lảnh lót. Phút tĩnh tâm nhất của lòng mình, khi được chiêm ngưỡng vườn đào đang đua nhau khoe sắc thắm, với các ô thửa thuốc nam quen thuộc thuở xưa, mà danh y Lê Hữu Trác đã từng vun trồng.

Bác Quý giới thiệu cho tôi biết: “Làng ni thuở xưa là làng Bàu Thượng xã Tịnh Diệm, bây giờ tên cũ dân vẫn quen gọi rứa. Còn trong bản đồ hành chính huyện Hương Sơn thì Tịnh Diệm được phân thành 2 xã, phía bên kia là Sơn Diệm, phía bên này là Sơn Quang…”.

Bác Quý kể tiếp: “Vào khoảng tháng 3.1750, cụ rời quê cha Hải Dương để về đây sinh sống. Vốn xuất thân trong một gia đình khoa bảng, nhưng cậu Chiêu Bảy (tên tự của Hải Thượng) lại không tiến thân bằng sự nghiệp quan trường để “vinh thân phì gia” mà ông tìm đường về quê ẩn dật, hòa đồng cùng với thiên nhiên và làm bạn với những người nghèo”.

Bác Quý nhắc lại chuyện xưa: Con đường làm thuốc của Hải Thượng Lãn Ông như là một “cái nghiệp đã được trời định sẵn”. Số là thuở ấy, tuổi đời còn rất trẻ, chẳng hiểu sao sau một lần cùng với bạn đi chặt nứa tự đại ngàn về, ông bị cảm sốt, tiếp đó bị lên cơn ho dai dẳng suốt cả năm không khỏi. Ông bèn lặn lội tới thầy thuốc Trần Độc (trú tại núi Thành, xã Trung Cần, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Trong hàng ngàn bệnh nhân đến chữa trị, qua tiếp xúc danh y Trần Độc tự nhiên thiện cảm với bệnh nhân Hải Thượng Lãn Ông, ngay từ câu chào hỏi đầu tiên. Rồi lại hiểu hơn chàng trai trẻ này có tư chất thông minh và phong cách nho nhã.

Thế là Hải Thượng được thầy Trần Độc nhận làm “con nuôi”, “truyền lại” nghề thuốc cổ truyền. Ông tâm phục về nhân cách danh y Trần Độc, từ đấy quyết tâm nuôi dưỡng cho mình nghiệp lớn làm nghề thầy thuốc cứu dân. Có bao nhiêu sách quý về các bài thuốc, được danh y Trần Độc cho mượn, ông nghiền ngẫm đọc thuộc từng câu, từng chữ. Chưa hết, Hải Thượng Lãn Ông lại tiếp tục ra tận kinh đô, dốc hết toàn bộ số tiền của bố mẹ cho mua nhiều loại sách của các bậc danh y cổ nhân xưa, để về đọc. Học từ sách vở chưa đủ, Hải Thượng Lãn Ông còn tự mình kiểm chứng, tự mình đúc rút kinh nghiệm sau những lần kê đơn, bắt mạch và “bốc thuốc” cho bệnh nhân…

Có lẽ từ tấm lòng nhân đức của người mẹ đẻ Bùi Thị Thưởng, và bố nuôi Trần Độc, đã trở thành “cái gốc” bền vững, giúp ông không quản ngại đường xa, rét mướt, không sợ hổ gầm, sói hú để băng đường, vượt suối trong đêm hôm khuya khoắt. Khi sản phụ sinh con gặp sự cố, khi bệnh tình bệnh nhân đang trong cơn hấp hối. Đối với Hải Thượng Lãn Ông, việc chữa bệnh cứu người, ông không phân biệt đối xử giữa các đối tượng giàu nghèo, sang hèn… Ông biết vượt qua những vụ lợi tầm thường, những thói xấu phàm tục thường trỗi dậy ở bản năng sinh ra, để tự “tu thân” trong cuộc sống hàng ngày. Ông tâm niệm mỗi ngày dồn hết thời gian cho công việc, là một ngày khoan thai, nhẹ nhõm, vì đã mang tới “hồng phúc” cho cộng đồng, bớt đau khổ về bệnh tật.

Chính vì thế những người trong làng và dòng họ Lê Hữu thời ấy, thấy “ông tiên” khỏe mạnh, hiền từ, chẳng có lúc nào ngơi chân, ngơi tay. Lúc thì bám đò dọc lên tận đại ngàn Khe Si, Nước Sốt vùng Đại Kim (Hương Sơn) cố tìm bằng được các loại rễ cây, lá cây thần dược mà mình phát hiện ra để về phơi khô, chế biến, sao tẩm thành các vị thuốc quý. Lúc lại thấy “ông già tiên”, mặc áo nâu sồng lúi húi bắt sâu, nhổ cỏ, tưới nước chăm sóc vườn thuốc nam. Có tới hàng trăm loại cây thuốc được ông đưa về trồng: Từ những loại cây thông dụng như y dĩ, mã đề, ngải cứu, kim tiền thảo, nha đam, ké đầu ngựa, chi râu hùm, tu linh… đến cả những loài cây rất lạ, mà dân thường chưa biết tới bao giờ.

Trước sân nhà rộng rãi, thoáng mát được dựng lên nhiều giá gỗ, đặt các chiếc nong tre bốn mùa phơi thuốc. Xuân qua rồi hạ tới, thu đến lại đông về, mặt trời cứ tỏa nắng vàng ruộm trên từng nong thuốc. Hơn bốn thập niên tại ngôi nhà nhỏ này, hàng vạn lượt người thập phương đã tìm tới cầu mong được Hải Thượng Lãn Ông khám và điều trị. Không ít những bệnh nhân nặng, người nhà cáng tới, ông đều vui vẻ điều trị ngay tại nhà.

Hồi đó nhiều bệnh nhân vừa bệnh tật, vừa đói khát. Sau khi được ông điều trị khỏi bệnh, ông đã không lấy một đồng tiền nào, lại còn cho họ cả lương thực mang về ăn. Ông không bao giờ đòi hỏi người bệnh ban ơn, hậu tạ và từ chối tất cả các quà cáp của những người mang tới cho mình. Từ lương tâm và nghề nghiệp, ông đúc rút được “10 lời khuyên” vô giá cho những ai đang đeo đuổi sự nghiệp này…

Hải Thượng Lãn Ông – người thầy thuốc kiệt xuất đã mở đường cho nền y học cổ truyền Việt Nam sán lạn. Hải Thượng Lãn Ông còn là một nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Cả cuộc đời sống thanh cao, đạm bạc “ông già tiên” ấy đã dày công sưu tầm và bổ sung 305 vị thuốc nam, thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc hay. Ông đã ký thác vào cuộc đời một “công trình khoa học về ngành y đồ sộ “Hải Thượng Y Tông tâm tĩnh” “Vệ sinh quyết yếu”. Ngoài ra, ông có tập “Ký sự lên kinh” (Thượng kinh ký sự) rất có giá trị kể về chuyến đi ra Hà Nội chữa bệnh cho thế tử nhà Trịnh. Nhiều tác phẩm ông viết rất mộc mạc, bình dân, giúp người bệnh dễ đọc, dễ nhớ, vẫn như ánh trăng vằng vặc giữa thế gian.

Dưới chân núi Cánh Diều

Cách đây hơn 15 năm, ông Nguyễn Khắc Thứ lúc ấy làm Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, dẫn tôi đi thực tế, để viết bài “Làng nuôi dê Sơn Tiến”. Dọc đường đi, hai người ghé vào một “quán cóc” uống nước. Ông Thứ chỉ tay về phía ngọn núi trước mặt rồi hỏi tôi: “Cậu là người quê Hương Sơn, cậu biết núi ni là núi chi không?”.

Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi đành chịu, ông Thứ cười tủm tỉm và bảo: “Dãy núi ni nằm trong địa phận xã Sơn Trung, dân địa phương gọi núi Cánh Diều”. Vốn tính hay liên tưởng, tôi quan sát kỹ thấy hai đầu núi nhọn, giữa lưng chừng núi võng xuống, trông xa giống như một chiếc diều, nên gật gù tán thưởng: “Dân mình thông minh thật, em nhìn núi chẳng giống ngựa, giống rồng mà giống cánh diều đấy”.

Về lại nơi “ông già tiên” bốc thuốc ảnh 2

Ông Thứ bảo: “Không phải đơn giản như cậu nghĩ đâu, ngọn núi đó gắn liền với sự tích chơi diều của cụ Hải Thượng Lãn Ông đó. Đối với cụ Hải Thượng, có hai sở thích trong cuộc đời. Một, thích trải chiếu uống trà và hội tụ bạn hữu đọc thơ những đêm trăng đẹp. Hai, mùa hè, sau khi bốc thuốc cho bệnh nhân xong, cụ rủ con cháu đi thả diều. Khi diều được gió càng lên cao, tiếng sáo diều ngân càng vang xa thì cụ càng sướng. Lúc còn sống, cụ có dặn người rằng: Nếu khi diều đứt dây rơi ở đâu xa nhất, thì khi cụ tạ thế nhớ chôn cất cụ ở đấy”.

Từ một câu chuyện truyền ngôn, ông Thứ kể, lần đầu tiên trong đời (năm 1999 – 2000) mới biết được “địa chỉ ngôi mộ” của danh y, nằm trên ngọn núi này. Tôi thắc mắc với ông chủ tịch huyện: “Sao không xây dựng vùng này một khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông?”.

Ông Thứ đáp: “Biết vậy, nhưng chưa thể làm được vì chưa có vốn đầu tư”.

Bây giờ ông Nguyễn Khắc Thứ đã nghỉ hưu, nhưng cái “quán cóc” thuở trước tôi cùng ông uống nước, phút chốc đã trở thành một Khu du lịch sinh thái khá hoàn hảo. Dưới chân núi Cánh Diều là con đường nhựa phẳng phiu, cạnh đấy mọc lên khách sạn “đạt tiêu chuẩn 3 sao: Có phòng ăn, bể bơi, sân chơi tennis, có cả phòng hát karaoke… Hội trường sang trọng, tổ chức các lễ hội đủ chứa hàng trăm khách tới dự.

Theo một cán bộ phòng văn hóa huyện Hương Sơn “bật mí” cho tôi hay: Cách đây 3 năm, anh Nguyễn Xuân Lợi (quê xã Sơn Giang) nguyên là một cán bộ cao cấp trong quân đội, thường đau đáu muốn làm một việc gì có ý nghĩa với quê hương, trong quãng đời còn lại của mình. Sau nhiều lần gặp gỡ cán bộ huyện và xã, được họ ủng hộ. Anh Lợi đã chọn vị trí đắc địa này, để xây dựng khu nghỉ dưỡng hiện đại, sau thời điểm “dự án khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông” đã được triển khai. Anh cho rằng, đây là ý tưởng mới, nên Lợi mạnh dạn vào cuộc. Khi vốn mình chưa đủ, anh vận động bạn bè cùng tham gia góp vốn và thành lập Công ty TNHH Quý Gia. Nguyễn Xuân Lợi hiện nay, vừa giữ chức chủ tịch Hội đồng quản trị, và kiêm giám đốc điều hành.

Kể từ khi dưới chân núi Cánh Diều, mọc lên mọc lên những tòa nhà nguy nga lộng lẫy, cấu trúc hiện đại, khách gần khách xa dập dìu hội tụ về đây, xua tan nổi hoang vắng lạnh lùng quá khứ. Trong đêm nguyên tiêu tháng Giêng Đinh Dậu này, khi trăng rằm lồng lộng đổ bóng trên sông Ngàn Phố, cả quần thể khu du lịch sinh thái điện sáng thâu đêm, đẹp như “trời đổ mưa sao”. Bao chàng trai, cô gái trẻ, bao cặp uyên ương đến hò hẹn cùng nhau. Họ ngồi bên ghế đá, nhâm nhi tách cà phê, hay vào phòng karaoke, hát những bài ca mình ưa thích nhất.

Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, Lê Đức Hùng cho hay: “Khu du lịch sinh thái này chạy dài tới 7km (từ núi Cánh Diều tới chùa Tượng Sơn). Khu di tích số 1 được khởi công xây dựng vào năm 2004, tại xã Sơn Trung gồm 48 hạng mục, (trong đó mộ đá Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cùng nhà phương đình, vườn cây lưu niệm. Đường dẫn lên khu tượng đài Hải Thượng Lãn Ông, dài 629 mét, có 231 bậc, 51 chiếu nghỉ được lát bằng đá xanh) . Đặc biệt khu tượng đài Hải Thượng Lãn Ông, cao 16,91 mét, nặng 350 tấn, bình phong bằng đá cẩm thạch nguyên khối, nặng 17 tấn khắc ba chữ “Đức Lưu Quang”. Hệ thống phù điêu với dòng chữ “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”. Khu thứ hai, được xây dựng vào năm 2008 tại xã Sơn Quang, với 18 hạng mục (gồm nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, sân hành lễ, nhà tiền đường, vườn đào). Khu di tích số 3, khởi công xây dựng vào năm 2009, được Bộ Y tế giao cho Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư. Công trình gồm có 28 hạng mục, với mục đích tôn tạo, trùng tu chánh điện, nhà tổ, tả vu, hữu vu, tam quan, tượng Phật bà Quán Thế Âm, bia dẫn tích…”.

Nôm na vài dòng vắn tắt về các công trình đã hoàn thành, ông Lê Đức Hùng chia sẻ thêm với tôi: “Cứ mỗi năm đến ngày 27.2 Ngày Thầy thuốc Việt Nam, cả huyện Hương Sơn trở thành ngày hội lớn. Hàng ngàn người từ muôn phương đổ về khu di tích sinh thái này, để tri ân Đại danh nhân văn hóa Hải Thượng Lãn Ông. Người dân ở đây cũng rất tự hào vì được Bộ Văn hóa công nhận lễ hội này là lễ hội văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.

Bất chợt tôi nhìn lên bầu trời Hương Sơn sáng nay, sau mấy ngày cơn mưa tháng giêng vừa tạnh, bỗng xanh thắm hơn mọi ngày. Từ trên đỉnh núi cao Cánh Diều, lồng lộng bức tượng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, một tay cầm sách, một tay cầm cây thuốc. Với đôi mắt nhân từ ấy, gương mặt cụ đượm nét ưu tư, đủ hiểu bậc vĩ nhân này đang gửi chúng ta một điều gì cao cả.

PHAN THẾ CẢI

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP