Người đương thời

Về Kỳ Châu (Kỳ Anh) nghe chuyện “bác Thi người mù”

Đến xã Kỳ Châu (Kỳ Anh – Hà Tĩnh), chỉ cần hỏi về bác Thi “người mù” thì bất cứ người dân nào cũng dễ dàng chỉ dẫn đến tới tận nhà của người thương binh già Trần Xuân Thi.

Con đường cách mạngSinh ra trong miền quê được xem là cái nôi của cách mạng, nơi mà tiếng bom đạn thay cho tiếng hát ru ầu ơ của bà, của mẹ, ngay từ nhỏ, cậu bé Trần Xuân Thi (Trần Anh Thi) sớm thấu hiểu được những đau thương mất mát của chiến tranh. Chính vì thế, đến tuổi trưởng thành, chàng thanh niên ấy nhanh chóng bước chân vào con đường cách mạng. Năm 1968, mới 20 tuổi nhưng Trần Xuân Thi đã được tín nhiệm bầu làm trung đội trưởng Trung đội thông tin xã. Đến năm 1970, anh được cử đi học hạ sĩ quan, rồi sĩ quan cấp tốc, để đến năm 1972-1973 đã xung phong vào chiến trường B2 đầy khói lửa. Gần 15 năm trong quân ngũ là những năm tháng ghi dấu chiến công hiển hách của người chiến sĩ cách mạng, với nhiều bằng khen, giấy khen của Nhà nước và Bộ Quốc phòng như Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, Ba, bằng khen của Bộ Quốc phòng… Đổi lấy niềm tự hào được Tổ quốc ghi công, là những vết thương, những mảnh đạn còn găm lại trong cơ thể. Năm 1987, Trần Xuân Thi về làng với quân hàm thiếu tá và tấm thẻ thương binh hạng ¼. Những tưởng lúc này, bác sẽ vui vẻ bên vợ con, sống cuộc đời thư thả của người cựu binh thời bình, nhưng với dòng máu nóng của người lính cụ Hồ luôn vì dân vì nước, bác được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Châu trong 2 nhiệm kỳ 1988-1993.


Bác Thi đang chỉ cho PV mảnh đạn nằm vĩnh viển trong cơ thể mình.Hồi đó, xã Kỳ Châu mới tách khỏi Thị trấn Kỳ Anh. Kinh tế còn nghèo, đời sống người dân còn nhiều đói khổ, nhận thức còn hạn chế, là một xã cực kỳ khó khăn của tỉnh Nghệ Tĩnh thời ấy. Với tài lãnh đạo của mình, cùng với sự hỗ trợ của các đồng chí khác trong Ủy ban xã, bác Trần Xuân Thi đã góp sức đưa xã Kỳ Châu thành một đơn vị tiên tiến, phát triển bền vững của huyện. Hết 2 nhiệm kỳ phục vụ cho Đảng, cho dân, với uy tín của mình, bác Thi được tín nhiệm bầu vào Ủy viên Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Kỳ Anh. Cho dù ở vị trí nào, bác luôn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng giao phó.Bác Thi “người mù”Công lao lớn nhất của bác Trần Xuân Thi phải kể đến là việc đứng ra thành lập và tổ chức Hội người mù huyện nhà, với mục tiêu là tập hợp những người mù, những người cựu chiến binh, người tàn tật trong toàn huyện dưới một mái nhà chung để cùng chăm sóc, dạy chữ, dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn.Với tư cách là Chủ tịch hội người mù huyện trong 18 năm (1993-2010), bác Trần Xuân Thi đã xây dựng được một cơ sở dạy nghề cho người mù, tàn tật, giúp cho những người mù có khả năng kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, mà nói như bác Thi “đưa người mù từ trong bốn bức vách tối tăm của cuộc đời ra xã hội, hòa nhập với xã hội để có một cuộc sống ý nghĩa “tàn nhưng không phế”. Dưới sự lãnh đạo của bác Thi, Hội người mù huyện Kỳ Anh dần phát triển, trở thành đơn vị thi đua điển hình trong thời kỳ mới. Riêng bác Trần Xuân Thi nhận được 23 bằng khen của Tỉnh, của Hội, và vinh dự 2 lần là chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh. Không chỉ đào tạo và kiếm việc làm cho người mù, bác Thi luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm sao cho những người mù tìm lại được ánh sáng, nhìn thấy cuộc sống muôn màu. Vì vậy, bác đã thay mặt cho Hội người mù liên kết, phối hợp với các tổ chức nhân đạo, các tổ chức phi chính phủ để xin tài trợ mổ mắt cho anh em trong Hội. Những nỗ lực của bác đã được ghi nhận xứng đáng với hơn 2000 lượt người-thông qua Hội đã được mổ mắt miễn phí, thoát khỏi cảnh sống mù lòa.


Với những đóng góp của mình cho xã hội, bác Trần Xuân Thi nhận được 23 bằng khen của Tỉnh, của Hội, và vinh dự 2 lần là chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh.Đây là một thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của bác Thi, với tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Cũng từ đó, mọi người gán cho bác cái tên mới “bác Thi người mù” để ghi nhớ công lao của bác. Không chỉ chú tâm đến người mù, những người tàn tật, cựu chiến binh cũng được bác tạo mọi điều kiện để ăn học thành tài. Nhiều người, dưới bàn tay nâng đỡ của bác đã được học hành tử tế ở các trường đại học, cao đẳng và trở về giữ những chức vụ trong bộ máy chính quyền.Ông Nguyễn Văn Hảo- Trưởng phòng Lao Động – TBXH huyện Kỳ Anh nói “Không chỉ nổi tiếng là một người lãnh đạo giỏi, người chiến sĩ tâm huyết mà bác Trần Xuân Thi còn được biết đến với một tổ ấm hạnh phúc và thành đạt. Vợ bác là cô Nguyễn Thị Hoài Thu là giáo viên dạy giỏi trong nhiều năm liên tiếp. 5 người con của bác, noi gương bố mẹ đều ăn học thành tài. 4 người con đầu đều đã trưởng thành, làm giáo viên truyền dạy kiến thức cho các thế hệ sau. Riêng người con út Trần Xuân Trực được trường Đại học Quốc gia Hà Nội cử đi du học Singapo. Gia đình bác năm nào cũng được công nhận là gia đình hiếu học cấp tỉnh. Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 65, bác Thi lại tất bật với những công việc cộng đồng. Tuy không còn đảm nhận những chức vụ lãnh đạo, nhưng bác vẫn luôn giữ vững tinh thần của một người chiến sĩ cách mạng, chăm lo đời sống cho gia đình và xã hội. Bác còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo như giúp đỡ người nghèo, người tàn tật trong địa bàn, thăm hỏi và những người đồng đội, những gia đình chính sách trong và ngoài xã, huyện. Với những đóng góp của mình, bác đã tạo được niềm tin to lớn trong lòng người dân, đồng thời là niềm tự hào của nhân dân trong xã. Đối với bác Thi, thì đây chính là sự động viên, là phần thưởng lớn nhất mà bác có được trong cuộc đời hoạt động của mình.
Hữu Thung – Hà Vũ

Tầm Nhìn

  Từ khóa: thương binh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP