Kinh tế

Vào dây với đại gia công nghệ: Những cơ hội tỷ USD

Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã bỏ ra hàng chục tỷ đô để đầu tư vào Việt Nam. Đây được ví như những “mỏ vàng tỷ đô” cho các DN Việt nếu bán được linh phụ kiện cho những tập đoàn này.

Kiếm nghìn tỷ từ đại gia Samsung

Công ty Cổ phần sản xuất Điện tử Thành Long (Bắc Ninh) hiện là thành nhà cung ứng cấp 2 của Khu Tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC) tại TP.HCM .

Không giống các nhà cung cấp khác chỉ làm được bao bì, vỏ hộp, xốp nhựa,... cho Samsung, Thành Long là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong hệ sinh thái các nhà cung ứng của Samsung tại Việt Nam cung cấp bản mạch điện tử PCB thuộc nhóm những linh kiện phức tạp, có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.

Sản xuất bản mạch điện tử tại công ty Thành Long. Ảnh: L.Bằng

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Cao Minh, CEO Công ty Cổ phần sản xuất Điện tử Thành Long, giãi bày: "Lượng linh kiện cung cấp cho Samsung chiếm khoảng 40% doanh số, là 18 triệu USD vào năm 2016.

Là nhà cung cấp cấp 2, có nghĩa Thành Long chưa trực tiếp bán hàng cho Samsung mà phải thông qua một nhà cung cấp cấp 1 khác. “Nếu làm trực tiếp với Samsung thì có nhiều thông tin hơn về đơn hàng, minh bạch hơn, chúng tôi cũng dễ sản xuất hơn”, ông Cao Minh chia sẻ.

Vì thế, trở thành nhà cung cấp cấp 1 - trực tiếp giao dịch với Samsung - là mục tiêu Thanh Long hướng tới. Trường hợp của Công ty Thành Long cho thấy, DN Việt hoàn toàn đủ khả năng làm những sản phẩm có giá trị hàm lượng công nghệ cao cho các tập đoàn toàn cầu như Samsung, chứ không phải chỉ loanh quanh với bao bì, vỏ hộp.

Nhiều DN Việt khác cũng đang kiếm bộn tiền từ việc cung cấp linh phụ kiện cho những nhà máy của Samsung.

Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi tin rằng nhiều DN có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc cung cấp các linh kiện điện tử có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao. Một số linh kiện điện/điện tử mà DN Việt có thể cung cấp được cho Samsung là bản mạch điện tử PCB, loa TV, bộ dây dẫn điện,...

Trong năm 2016, chỉ tính riêng hai nhà máy Samsung Bắc Ninh và Samsung Thái Nguyên đã nhập khẩu tới 16 tỷ USD thiết bị, linh phụ kiện từ nước ngoài. Nếu một phần trong số đó được thay thế bằng hàng “made in Việt Nam”, cơ hội kiếm tỷ đô từ Samsung là không hề nhỏ.

Lãnh đạo Samsung cho hay: Lợi ích về kinh tế của các DN Việt khi tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện là rất lớn. Đơn cử như công ty Goldsun, trong năm 2015, doanh thu từ việc cung ứng sản phẩm cho Samsung chiếm 45% tổng doanh thu của họ, đạt 36 triệu USD.

Hay với Việt Hưng, khi trở thành nhà cung cấp cho Samsung, doanh thu tăng trưởng rất ấn tượng, đạt khoảng 2.000 tỷ đồng năm 2016, trong đó bán hàng cho Samsung chiếm một nửa.

Sản xuất xốp nhựa cho Samsung ở Công ty xốp nhựa Hanel. Ảnh: L.Bằng

Những cơ hội tỷ đô

Sau những nỗ lực nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng Việt, từ chỗ vỏn vẹn 4 nhà cung cấp Việt Nam bán hàng cho Samsung vào năm 2014, con số các DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng lên mạnh mẽ với tổng số 215 DN (25 DN cấp 1 và 190 DN cấp 2). Dự kiến, tổng DN cấp 1 của Samsung sẽ tăng lên con số 29 trong năm 2017.

Dù vậy, đó vẫn là con số khiêm tốn. Hiện nay, hàng loạt tập đoàn lớn như IBM, Samsung, LG, Canon, Ford, Toyota,... đã đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực điện tử, ô tô,... Những DN này vẫn thường kêu rằng không tìm được nhà cung cấp Việt đủ năng lực để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Nhóm công tác ô tô, xe máy của Diễn đàn DN chê rằng: Rất ít các nhà cung cấp trong nước có thể đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu về chất lượng/chi phí/giao hàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà cung cấp cấp 1 cần phải có năng lực tự thiết kế và phát triển các cụm linh kiện.

Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: Có nhiều thống kê, phân tích cho thấy, các doanh nghiêp tư nhân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu; đặc biệt, rất khó có thể tham gia vào các khâu sản xuất của DN FDI.

Tỷ lệ các DN tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho DN FDI cũng hạn chế. Theo kết quả điều tra DN gần nhất, điều tra PCI 2016, chỉ có khoảng 14% DN tư nhân đang có khách hàng là các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam, có cải thiện nhưng rất chậm.

Từ phía các DN FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Theo thống kê của VCCI, chỉ 26,6% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các DN FDI khác. Các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn, mà ít sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước.

Ông Cao Minh, CEO Công ty Cổ phần sản xuất Điện tử Thành Long, tự tin rằng: Nếu đầu tư bài bản DN hoàn toàn có thể cung cấp linh kiện chất lượng cao cho các tập đoàn lớn. Làm được hay không phụ thuộc công nghệ và con người, nếu làm cho trái tim toàn thể người lao động trong công ty đập theo trái tim giám đốc, suy nghĩ theo suy nghĩ của giám đốc thì tất cả làm được hết.

“Việt Nam cái gì cũng làm được, có quyết tâm hay không thôi”, ông Minh nhấn mạnh.

Tác giả: Phương Diệp

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP