Đền ơn - Đáp nghĩa

Vang mãi bài ca mở đường: Tri ân đồng đội

Tận đáy lòng, họ thấy mình cần phải làm gì đó cho những đồng đội. Dẫu cuộc sống xô bồ vất vả, những cô gái, chàng trai TNXP năm nào nay lại vác ba lô vào trận chiến mới, trận chiến chống đói nghèo cùng đồng đội.



O Mai vận động


Trong câu chuyện với phóng viên chuẩn bị cho chương trình “Vang mãi bài ca cô gái mở đường”, tổ chức vào ngày 15/7, tại Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Tĩnh Đào Văn Tinh sốt ruột “không biết o Mai có về được không”. Cuối buổi làm việc, chúng tôi dò hỏi o Mai là ai? Tại sao ông Chủ tịch Hội lại lo lắng căng thẳng quá vậy?… “Khổ thân, vì đồng đội, già rồi còn lặn lội để ngã bệnh nơi đất khách quê người”, ông Đào Văn Tinh nói. O Mai là Hồ Thị Mai, Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Hương Sơn. Hiện o Mai đang phải điều trị bệnh tại tỉnh Đồng Nai khi đang trên đường đi vào vận động các nhà tài trợ để xây nhà cho hội viên.


Qua câu chuyện của nhiều lãnh đạo Hội cựu TNXP Hà Tĩnh và những hội viên được o Mai giúp đỡ, chúng tôi nhờ một đồng nghiệp ở Đồng Nai gặp trực tiếp bà cựu nữ TNXP có tấm lòng cao cả này. “Từng một thời sống chết với nhau, miếng cơm trộn đất chị em chia nhau, giờ thấy đồng đội sống khổ sở, mình ăn miếng cơm thấy đắng chát”, o Mai nói. Mặc cho căn bệnh sỏi mật, cao huyết áp hành hạ nhưng, chúng tôi nhớ những lần gặp o, o trẻ trung sôi nổi khi nhớ lại những năm tháng hào hùng ở điểm nóng ngã ba Đồng Lộc.


“Còn sức khỏe tôi còn đi vận động, quyên góp. Mỗi căn nhà đồng đội được xây mới như tạo thêm động lực, sức mạnh cho tôi”


Cựu nữ TNXP Hồ Thị Mai

Năm 1965, vừa học xong cấp hai, nữ sinh Hồ Thị Mai vinh dự được kết nạp Đoàn giữa lúc chiến tranh ác liệt nhất ở miền Bắc. Theo tiếng gọi của đất nước Hồ Thị Mai xung phong vào lực lượng TNXP tại những điểm nóng như ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, nút thắt Hạ Lội, cầu Nghèn, Đèo Ngang… Sau 6 tháng thử thách trong mưa bom bão đạn, Hồ Thị Mai được đề bạt làm tiểu đội trưởng. Chiến tranh kết thúc, Hồ Thị Mai được điều động về công tác tại Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, rồi làm Bí thư Huyện Đoàn Hương Sơn, sang Ban Tổ chức Huyện ủy Hương Sơn và nghỉ hưu năm 1993.


Nghỉ hưu, cựu nữ TNXP Hồ Thị Mai thăm lại chiến trường cũ, gặp đồng đội năm xưa, nay đã lên chức ông, chức bà. Người có của ăn của để, nhưng nhiều người vẫn đang phải vật lộn với miếng cơm manh áo. Phải làm sao giúp đồng đội thoát nghèo luôn luôn ám ảnh o trong nhiều đêm.


Sau một thời gian làm tại ban liên lạc TNXP, o đến từng hội viên để nắm bắt cụ thể từng hoàn cảnh. Thấy căn nhà của vợ chồng cựu TNXP Nguyễn Thị Xanh và Nguyễn Xuân Du, xã Sơn Phúc, Hương Sơn xập xệ, rách nát, o khăn gói vào TP Hồ Chí Minh đến gõ cửa tận nhà những người con Hương Sơn đang làm ăn tại đây.


“Trước khi đi chuẩn bị đầy đủ giấy tờ giới thiệu, chụp hình ảnh, ghi địa chỉ cụ thể gia đình cần giúp đỡ nhưng nhiều nhà hảo tâm vẫn nghi ngờ động cơ của mình”, o Mai tâm sự. Gần 40 triệu đồng là thành quả gần nửa tháng trời cơm nắm đi khắp các ngõ ngách ở TP Hồ Chí Minh vận động. Để mọi người tin tưởng việc làm của mình, o Mai đưa tận địa chỉ cho các nhà hảo tâm để họ trực tiếp gửi tiền cho các hội viên cần giúp đỡ.


Bác Nguyễn Thị Nhung, cựu nữ TNXP trú tại xã Sơn Thủy, chồng mất sớm, con bỏ đi không ngờ rằng có một ngày mình lại được sống trong căn nhà ngói khang trang như ngày hôm nay. “Nghe chị Mai nói đi vào miền Nam vận động xây nhà, tôi đã can ngăn. Ấy vậy mà chị ấy làm thật. Thấy các nhà hảo tâm gửi tiền về tôi không nghĩ mình lại được mọi người giúp đỡ nhiệt tâm như vậy”, bác Nguyễn Thị Nhung kể.


Chuyến Nam tiến đầu tiên thắng lợi. Niềm hy vọng tiếp thêm sức mạnh, vừa về quê được một thời gian, o Mai lại bắt xe lên đường vào Đồng Nai, Vũng Tàu vận động các nhà hảo tâm để xây nhà cho các đồng đội khác. Nhiều người thân và hàng xóm ban đầu không hiểu o Mai lấy tiền đâu ra khi vừa nuôi 4 con ăn học, bố mẹ già, lại suốt ngày đi lo việc thiên hạ. Nhưng để có được kinh phí cho những chuyến đi đó, o Mai phải tằn tiện từng đồng lương hưu và những bó rau vặt trong vườn.


Đi riết thành quen, cứ sau mỗi căn nhà của đồng đội được hoàn thiện, o Mai lại lên đường. Những người con của o Mai thấy sức khỏe của mẹ yếu nên cũng nhiều lần có ý can ngăn. Nhưng mỗi lần như thế thấy mẹ buồn hơn nên các con o trở lại động viên mẹ.


“Nhiều lần ngồi trên xe khách, căn bệnh cao huyết áp lại lên, cứ ngỡ mình không thể vượt qua. Nhưng cứ nghĩ phía sau mình còn nhiều đồng đội đang chờ đợi nên đành phải cố”, o Mai tâm sự.


Cho đến bây giờ o Mai không nhớ nổi đã đi bao nhiêu lần, đến bao nhiêu nhà hảo tâm để vận động. Tuy nhiên, o Mai lại đọc vanh vách tên 64 hội viên được làm nhà với kinh phí trên 3 tỷ đồng, hơn tỷ đồng sổ tiết kiệm và quà tặng.


“Còn sức khỏe tôi còn đi vận động, quyên góp. Mỗi căn nhà đồng đội được xây mới như tạo thêm động lực, sức mạnh cho tôi”, o Mai tự hào.


Tri ân


Ông Dư bật khóc khi nhớ về đồng đội cũ

Ông Dư bật khóc khi nhớ về đồng đội cũ.



Trận bom tối 13/11/1972, tại đồi Công – Vực Trống, xã Phú Lộc, Can Lộc làm 21 TNXP ngã xuống là vết thương luôn nhói đau trong tâm trí Đại đội phó C555 (C5) năm xưa, Nguyễn Văn Dư, trú tại phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh. Phải làm gì để báo đáp những đồng đội ngã xuống và để thế hệ trẻ thấm nhuần sự hy sinh của thế hệ trước, là câu hỏi luôn day dứt tâm can vị Đại đội phó C555.


Sau nhiều lần bàn bạc, thường trực Hội cựu TNXP Hà Tĩnh đưa ra ý tưởng xây dựng miếu thờ 23 liệt sỹ TNXP tại đồi Công – Vực Trống. Sau một thời gian ngắn, thường trực Hội cựu TNXP nhận được sự tài trợ của một số doanh nghiệp.


Nhận được tin vui, thường trực Hội cựu TNXP tỉnh cùng ông Nguyễn Văn Dư lên đường về xã Phú Lộc làm thủ tục xin mặt bằng. Để sớm có mặt bằng giao cho phía thi công, không quản ngại nắng mưa, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dư huy động con, cháu, anh em trong gia đình đưa máy đào, cẩu lên làm việc suốt ngày đêm.


“Làm miếu thờ đồng đội như làm chính căn nhà của mình. Tôi sống sót qua trận bom tối 13/11/1972 là một ân huệ mà đồng đội ban tặng cho”, ông Dư bật khóc.


Đồi Công - Vực Trống hôm nay

Đồi Công – Vực Trống hôm nay.


Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Tĩnh Võ Tá Lý cho biết, miếu thờ hoàn thành vào đầu năm 2011 với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Trong đó vợ chồng ông Nguyễn Văn Dư đóng góp gần 300 triệu đồng. “Vợ chồng ông Dư đã trực tiếp đầu tư và xây dựng nhiều hạng mục công trình, mua sắm đồ thờ, trồng cây, chăm lo lễ sự với tấm lòng thành kính”, ông Võ Tá Lý nói.


Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Tĩnh Đào Văn Tinh cho biết, từ năm 2006 đến nay, thông qua các cuộc vận động đã xây dựng được hơn 500 nhà tình nghĩa, tặng hàng ngàn suất quà, sổ tiết kiệm cho cựu TNXP. “Đây là việc làm có ý nghĩa, thắm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa thể hiện sự tôn vinh của Đảng của nhân dân đối với các anh hùng liệt sỹ, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống anh dũng hào hùng của lực lượng TNXP”, Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Tĩnh, ông Đào Văn Tinh nói.


Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Tĩnh, ông Đào Văn Tinh cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng TNXP Hà Tĩnh có 17.019 người. Riêng chống Mỹ có 14.970 người. Hiện còn sinh sống tại Hà Tĩnh 9.700 người. Đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 1.129 bộ hồ sơ theo Quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ để được hưởng chế độ cho những người đã qua đời.



Minh Thùy – Hà Lê

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP