Lao Động - Việc Làm

Vấn nạn xuất khẩu lao động chui

Tình hình lao động chui sang Thái Lan đang có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không chỉ tới chính người lao động đó, mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia. Việc phải giơ tiền chụp ảnh mới cho nhập cảnh vào Thái Lan là ví dụ cụ thể.

Năng lượng Mới số 234

Ảnh hưởng tiêu cực

Thời gian vừa qua báo chí đã lên án về việc Thái Lan bắt du khách Việt Nam phải trưng ra 700USD hoặc 20.000 baht thì mới cho nhập cảnh ở cửa khẩu Poipet (Campuchia) qua cửa khẩu Arayaprathet (Thái Lan).

Lý giải chuyện này, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (DoLab) – Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) nhận định rằng, bên Thái Lan có hành động mất lịch sự như vậy là do mấy năm vừa qua số lao động “chui” từ Việt Nam qua Thái rất đông và gây ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh của đất nước bạn.

Giám đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan trong một cuộc trả lời báo chí Việt Nam cũng nói rằng, do số lượng người cầm hộ chiếu Việt Nam nhập cảnh vào Thái Lan du lịch nhưng thật sự là lao động trái phép (không có giấy phép lao động) ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc quản lý của quốc gia nên phòng nhập cảnh buộc phải nghiêm chỉnh trong việc cấp phép nhập cảnh theo quy định (đặc biệt đối với nhóm du lịch tự túc) chứ không có bất kỳ sự phân biệt đối xử hay miệt thị người Việt Nam ở đây.

24 lao động chui bị trục xuất khỏi Ghana năm 2013 trong đó có Việt Nam

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, hiện có gần 10 nghìn lao động tỉnh này đang làm việc “chui” tại Thái Lan với đủ ngành nghề, tập trung ở các huyện như: Can Lộc (3.000), Thạch Hà (2.500), Cẩm Xuyên (1.000)… Số lao động này chủ yếu sang đất Thái bằng hộ chiếu du lịch với thời hạn 29 ngày.

Còn tại Nghệ An, số liệu thống kê của phòng LĐ-TB&XH 2 huyện Yên Thành, Đô Lương cho thấy, có tới 30% số người xuất khẩu lao động (XKLĐ) là đi con đường bất hợp pháp. Có những xã tại huyện Yên Thành như Bảo Thành, Sơn Thành, Mỹ Thành, Hoa Thành có 80% lao động đi theo các đường dây bất hợp pháp.

Mấy năm gần đây, xuất khẩu lao động sang các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Arập không có thu nhập như mong muốn, nên người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình bắt đầu chuyển hướng sang thị trường Lào, Thái Lan. Đây là khu vực giáp với các tỉnh miền Trung, chỉ cần đi ôtô hơn nửa ngày là sang đến Lào và qua sông Mekong làm thủ tục nhập cảnh là sang được đất Thái Lan vừa gần vừa rẻ.

Theo đại diện Lãnh sự quán Việt Nam tại Thái Lan thì tại các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan như Nakhon Phanom, Mục Đa Hãn, Sacon Nakhon, Udonthani… Vì không biết tiếng Thái nên những lao động chui chủ yếu làm thuê cho bà con Việt kiều hiện đang sinh sống tại đó. Đa số họ làm các nghề như giò chả, mở hiệu ăn, tiệm may mặc, thầu xây dựng.

Đã có nhiều bài học từ các thị trường tiếp nhận lao động xuất khẩu khác cho thấy, nếu không có cơ quan chức năng quản lý và điều tiết thị trường, người lao động sẽ phải chịu nhiều rủi ro. Và khi đó người lao động sẽ khó biết kêu ai, người thiệt cũng chỉ là chính bản thân những người đi lao động chui.

Bỏ mạng nơi xứ người

Với ước mơ và khát vọng đổi đời mong thoát khỏi cuộc sống nghèo túng, những người dân miền Trung đã chọn con đường trở thành những lao động cư trú ngoài vòng pháp luật. Cuộc sống của họ phải chui lủi trốn tránh lực lượng công an và nếu có rủi ro về sức khỏe, tính mạng thì chẳng có ai chịu trách nhiệm.

Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi lao động chui bị tai nạn trong lúc đang làm việc tại Thái Lan, có những người phải mang thương tật suốt đời, thậm chí phải bỏ mạng.

Như anh Nguyễn Văn T (SN 1987, ở Can Lộc, Hà Tĩnh) sang Thái Lan làm việc tự do nhiều năm. Bất ngờ năm 2010, gia đình nhận được tin T bị giết chết bỏ vào túi nilon, công nhân môi trường đô thị Bangkok (Thái Lan) phát hiện được.

Hay vụ tai nạn kinh hoàng ở Rayong Thái Lan vào ngày 5-5-2013 đã làm anh Nguyễn Xuân Quốc (xã Trường Lộc), anh Phan Công Dũng (Kỳ Anh) đều ở tỉnh Hà Tĩnh tử nạn và 12 người khác bị thương nặng là sự việc đau lòng nhất trong mấy năm gần đây.

Tại Angola tính từ năm 2013 tới nay đã có 20 lao động Việt Nam chết. Trường hợp anh Lương Hồng Sơn (23 tuổi, xã Kỳ Văn, Kỳ Anh, Nghệ An) bị chết do sốt rét ác tính, đến lúc chết thì phía Angola đòi tới 18.000USD mới cho mang xác về và gia đình cũng phải nhờ tới sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Angola mới đưa được anh Sơn về chôn cất nơi quê cha đất tổ.

Hay như hồi năm 2010, khi nghe theo những lời dụ dỗ của “cò” XKLĐ, hàng chục người từ các miền quê nghèo Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) đã đi XKLĐ chui sang Nga với giá 50 triệu VNĐ.

Nhưng cuộc sống ở miền đất hứa khác xa sự mong đợi và chỉ hơn 1 năm sau thì thảm kịch đã ập đến.

Chiều 30 tết Nhâm Thìn (2012), những cuộc điện thoại từ phương trời xa gọi về cho gia đình báo về cái chết của 3 thanh niên trong đoàn bị tai nạn lao động do ngạt khí gas. Đó là các nạn nhân Lê Công Khoa (SN 1992, ở Quỳnh Lộc, Quỳnh Lưu), Nguyễn Văn Tuấn (Diễn Hạnh, Diễn Châu), Nguyễn Văn Dũng (Diễn Phúc, Diễn Châu).

Thật xót xa khi trong số 3 thanh niên tử nạn, không một ai được chôn cất đàng hoàng, 2 người còn phải nằm chung một hố, chỉ được cuốn vải và lấp đất lại, không có bia mộ, đám tang không có người thân. Phía Nga đòi chi phí quá cao để đưa xác nạn nhân về nhà và chi phí đó nằm ngoài sự chi trả của các gia đình nạn nhân. Nên họ đành phải cô quạnh nằm tại nơi xứ người.

Hiện nay Bộ LĐ-TB&XH có kế hoạch để hợp thức hóa việc XKLĐ sang Thái Lan, bên cạnh đó là cùng với địa phương có nhiều XKLĐ chui thực hiện các biện pháp tuyên truyền cho người lao động biết rằng, khi họ đi XKLĐ theo con đường không hợp pháp thì sẽ ẩn chứa rất nhiều rủi ro và khi đó sẽ chỉ biết kêu trời.

“Thị trường XKLĐ sang Thái Lan rất có tiềm năng nên hiện các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam cũng đang triển khai nghiên cứu. Chính phủ hai nước cũng đang xúc tiến đàm phán để tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác lao động trong thời gian tới, nhằm tạo cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan theo con đường hợp pháp thông qua hợp đồng với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc hợp đồng cá nhân. Rất vui mừng là đàm phán sắp thành công, thời gian tới Bộ Lao động Thái Lan sẽ có chuyến công tác sang Việt Nam để đàm phán lần cuối”, đại diện của DoLab cung cấp thêm thông tin.

Hiện tại theo thống kê của Bộ Lao động Thái Lan hiện có hơn 3,5 triệu người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan. Nền kinh tế mở của Thái Lan đã thu hút một số lượng lớn người lao động trong lĩnh vực quản lý và lao động lành nghề từ một loạt các quốc gia trên thế giới. Tính đến tháng 3-2010 đã có 100.338 lao động chuyên nghiệp được cấp giấy phép tại đây.

Chúng ta sớm mong Chính phủ có thể ký kết thỏa thuận để hợp thức hóa thị trường XKLĐ sang Thái Lan, để những lao động có thêm những lựa chọn khi phải “tha phương cầu thực” nơi đất khách quê người. Tránh để tình trạng XKLĐ chui ẩn chứa quá nhiều rủi ro cho người lao động, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới bộ mặt của quốc gia.

Cẩm Tú

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP