Khi loài voọc quý từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng thì mỗi ngày ông tình nguyện lên núi chăm sóc, canh chừng cho chúng khỏi bị săn trộm.

Từ 30 con sinh sôi lên 115 con

Trước đây, cha ông ở làng này nói đó là loài vượn. Nhưng vì ông Tú từng được các tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã huấn luyện nhận biết loài cần bảo vệ theo Công ước CITES nên ông Tú khẳng định đó là voọc Hà Tĩnh. Từ đầu năm 2015, nhiều nhà bảo tồn đến đây cũng khẳng định điều này nên loài voọc Hà Tĩnh mới thôi mang tên là vượn.

Tuổi thơ ông Tú thường leo khắp các tháp đá như Dàn Vượn, Nước Lặn, Khe Đá, Hung Cùng, Sẩm Mè, Cửa Hung, Cây Gạo… Ông thường thấy hàng đàn voọc Hà Tĩnh chuyền cành mỗi sáng sớm ra bứt lá, xuống tận chân ruộng tìm nước nhưng càng về sau chúng càng thưa dần do nạn săn bắt trộm. Trước khi bố của ông Tú nhắm mắt vào năm 1982, bố ông trối lại: “Con làm sao phải bảo vệ cho được loài vượn quê hương mình. Con vượn còn thì linh hồn núi rừng còn. Linh hồn đó còn dân làng mới hưởng phúc”.

Ông Tú nghe lời dạy đó nên mỗi lần rời đơn vị về nghỉ phép đều lên núi gỡ bẫy. Ông Tú kể: “Có lần thấy xác voọc mẹ chết, con non cũng bám vô đó mà chết, nhìn đau không thể tả. Có khi bọn thợ săn đánh lưới trong hang, cả đàn voọc rơi vào phục kích, mắc lưới, may mắn được ông phát hiện cắt lưới, không thì chẳng còn con nào”. Ông cũng không quên kể cứu sống những con voọc cô độc bị dính bẫy dây phanh, chúng lồng lộn đến mất chân sau. Nhìn những hình ảnh đó, ông quyết định phải làm gì đó với loài voọc quý ngay trên chính quê hương mình.

Từ năm 2012, ông Tú có quyết định nghỉ hưu, dân làng cứ thấy ông ngày nào cũng có mặt trong khu voọc quý sinh sống. Mưa nắng hay gió rét ông đều thoăn thoắt một mình với chai nước và miếng lương khô. ông dành hết thời gian lùng trong hẻm núi, lân la với chúng, nghe điệu chúng hú gọi nhau lúc phấn khích hoặc khi báo động để hiểu sâu tập tính loài quý hiếm này. Từ thức ăn như thế nào với con trưởng thành, rồi đến những con non được sinh nở ra sao ông đều chứng kiến thực tế. Đàn voọc Hà Tĩnh từ chỗ còn dưới 30 con, đến nay đã phát triển đến hơn 115 con, tách thành nhiều đàn khác nhau, trấn cứ mỗi ngọn núi đá vôi khác nhau.


Ông Tú đang trên đường vào rừng với chiếc ống nhòm là vật bất ly thân để đếm những con voọc Hà Tĩnh. Ảnh: MINH QUÊ

Đến chết cũng bảo vệ

Người làng thì nói ông “khùng” mới đi bảo vệ đồ rừng đồ rú. Ông vẫn mặc nhiên, không tự ái, lại lên mạng tìm hiểu về loài này, giải thích rõ ràng với xóm với thôn, ai săn bắn chúng, bắt chúng đều bị đi tù chứ chả chơi đâu. Loài quý hiếm, Sách đỏ, pháp luật bảo vệ đấy, tài sản quốc gia, tài sản nhân loại đấy.

Chúng tôi theo chân ông một tuần liền trong các ngọn núi hẻo lánh. Thật khó để theo dấu của đàn voọc. Ông Tú kể: “Ngày trước, trong vùng có hang Văn Công, chứa cả mấy ngàn người, ban ngày văn công tập hát, loa nhạc phát ra, bầy linh trưởng xuống mé cửa hang đông lắm. Vì chúng thích nhạc. Vậy nên có đợt bọn săn trộm mở nhạc gần vùng Cây Gạo, chúng xuống nghe, bị dính bẫy, giờ thì chúng cảnh giác lắm”.

Chúng tôi đi đến ba ngày không thấy rõ ràng tung tích của chúng, ông Tú động viên chúng tôi đừng nản. Đến ngày thứ tư, rồi thứ năm cũng chỉ thấy chúng chuyền cành sâu dưới các tán lá, không ló mặt rõ ràng. May mắn, hai ngày cuối cùng, ông Tú mở nhạc phát từ chiếc điện thoại dưới chân Dàn Vượn, con đầu đàn liền ra nghe ngóng. Cùng lúc đó, trên ngọn Làng Còi ở phía Đồng Hóa, người dân cũng cho biết có một đàn chừng 20 con ra sát nhà dân kiếm ăn. Rồi ở Hung Trầu, Cửa Hung, trẻ chăn trâu cũng thấy chúng ra rất tự nhiên. Ông Tú giải thích: “Máy ảnh đưa đi đen sì, chân máy dài bọn chúng tưởng là súng nên cảnh giác. Bây giờ, chúng thấy thợ săn hoặc người lạ là phân biệt được ngay. Cả tuần phải làm quen, voọc Hà Tĩnh lộ diện mới chụp ảnh được”.

Ông Tú nghĩ phải tìm cách bảo vệ bài bản loài voọc quý hiếm này nên đã báo cáo lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Từ đó, chi cục trưởng tỉnh này đã cho đo vẽ ngay diện tích khu vực loài voọc này ở hơn 174 ha để có các bước đi bảo vệ mạnh mẽ. Riêng ông Tú mỗi ngày vẫn phải vào rừng, đồng lương hưu nhỏ bé ông đổ xăng đi mãi, nơi không đi xe máy được thì lội bộ. Rồi để bảo vệ cảnh quan, ông đưa lên các lèn đá trồng hàng trăm cây sưa cho loài voọc sau này thêm lá tươi tốt để ăn. Ông nói: “Tôi sẽ bảo vệ đàn voọc đến chết. Trước khi qua đời cũng phải tìm người kế cận”. Vậy nên bây giờ ông đã cùng ba người dân khác tình nguyện canh cho chúng với “thù lao” được trả là mỗi lần mở nhạc từ điện thoại, nhiều con voọc Hà Tĩnh xuất hiện, đến gần cho ông ngắm.

Chiếc ống nhòm kỷ vật

TS Lê Trọng Trãi, nhà bảo tồn động thực vật hoang dã, khi gặp ông Tú đã rất khâm phục việc làm thầm lặng của ông nên tặng cho ông chiếc ống nhòm mang về từ Nhật Bản để cận cảnh loài voọc gần hơn, nghiên cứu chúng dễ hơn. Ông Tú đi rừng quên ngày, quên đêm, bỏ cả cơm, cả việc nhà. Những ngày này trời Quảng Bình nắng hạn khốc liệt, nước không có, sợ chúng bị khát, ông Tú lại gùi nước lên đổ trên một số hốc đá mà chúng vẫn thường kiếm ăn. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, lo chồng mình đi núi say nắng nóng đã thu chiếc ống nhòm khiến ông như người mất hồn. Dần giải thích, vợ ông cũng hiểu rồi lại đốc thúc ông Tú phải chăm chút chúng khỏi bị chết khát do nắng hạn.

Ông Tú là người bảo vệ môi trường tích cực và điển hình. Cứu nguy cho loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao trở lại hồi sinh không qua nuôi nhốt mà từ trong tự nhiên núi rừng địa phương. Điều này tạo nên sự cân bằng sinh thái rõ rệt đối với khu vực này. Chính hành động của ông Tú là tấm gương để nhiều nơi học hỏi về cách giữ rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ các loài vật trong rừng. Từ hành động của ông Tú mà chi cục đã tham mưu lên lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình ký tặng bằng khen cấp tỉnh cho ông vì đây là hành động hiếm có, đầy bản lĩnh và trách nhiệm.

Ông PHẠM HỒNG THÁI, Chi cục trưởng Chi cục
Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình

MINH QUÊ