Nhân ái

Ước mong có chiếc chân giả của cậu bé mắc bệnh hiểm nghèo

Phải cưa mất một chân vì bệnh, giờ cậu bé chỉ mong mình có một chiếc chân giả để có thể đi lại bình thường như bao bạn bè khác. Tuy nhiên, với hoàn cảnh gia đình hiện tại của cậu thì tiền chữa bệnh còn đang không biết bấu víu vào đâu nên ước mơ đó chỉ có trong suy nghĩ.

Em Ngô Văn Vượng, SN 2003, ở thôn Cao Dương, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam phát hiện mắc ung thư xương vào tháng 12/2017. Khi đó, em đi học về thì bỗng nhiên đau chân, phải đi tập tễnh. Những ngày sau đó, cơn đau ngày càng tăng nhiều hơn.

Bố mẹ đưa em đi khám ở bệnh viện huyện rồi tỉnh song chỉ có kết luận bị viêm đa khớp. Uống thuốc mãi không đỡ, gia đình lại đưa em ra Hà Nội thăm khám rồi về nhà tiêm thuốc của thầy lang. Dù đã áp dụng mọi biện pháp mà chân Vượng vẫn đau, không thể đi lại được. Sau đó, Vượng được gia đình đưa ra Bệnh viện K trung ương (Hà Nội) khám lại. Tại đây, bác sĩ kết luận em bị ung thư xương.

Vượng phát hiện bệnh vào cuối năm 2017. Ảnh PT

Chị Nguyễn Thị Liên, SN 1974 – mẹ của Vượng chia sẻ về khoảnh khắc hay tin con trai mắc bệnh: “Lúc bác sỹ kết luận con bị ung thư xương, tôi đã rất sốc và thương con vì cháu còn ít tuổi. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ con bị đau chân là do cháu đi đá bóng bị ngã nên vậy chứ chẳng thể ngờ con mắc bệnh nặng như vậy”.

Sau 2 đợt điều trị hóa chất, khối u trên chân Vượng ngày một to, tế bào ung thư phát triển. Bác sỹ chỉ định cắt bỏ toàn bộ phần chân phải.

Mất đi một phần của cơ thể, Vượng không tự ngồi dậy được, em cũng không thể nhấc hay xoay người cho đỡ mỏi mà chỉ nằm nhìn một bên chân đã bị cắt bỏ đến quá đầu gối. Từ ngày phát hiện bệnh, Vượng đành bỏ dở việc học, xa trường, xa thầy cô và các bạn. Hàng ngày ở viện, em phải gồng mình chống chọi với những đợt vào thuốc đau đớn.

Vượng luôn mong mình sẽ có được chiếc chân giả để được đi lại như trước. Ảnh PT

Mặc dù bệnh tật đau đớn nhưng Vượng rất lạc quan, nghị lực chiến đấu với bệnh. Khát khao được sống của cậu bé vẫn luôn cháy bỏng. Chưa bao giờ Vượng kêu đau đớn. Những đợt truyền hóa chất, ăn vào nôn ngay trên bàn nhưng cháu vẫn cố ăn để có sức. Vượng vẫn hy vọng một ngày nào đó, em chiến thắng được bệnh tật, trở lại ngôi trường mà em đang theo học.

Vượng vẫn luôn nói với mẹ: “Con biết căn bệnh này nếu không cắt chân thì sẽ chết nhưng các bác sỹ nói nếu lắp chân giả con vẫn đi học được bình thường. Mẹ hãy lắp chân giả cho con đi, nếu chết rồi lắp chân giả thì có ý nghĩa gì đâu”.

Câu nói ấy của Vượng mỗi lần như ngàn mũi dao cứa vào tim người mẹ. Dù rất thương con nhưng chị Liên không biết phải làm thế nào để có thể thực hiện được ước mơ của con bởi hiện giờ tiền điều trị cho con gia đình cũng đang chưa biết bấu víu vào đâu.

Bố mẹ Vượng chủ yếu làm ruộng. Ngoài lúc nông nhàn để lo cho 3 chị em Vượng, bố phải đi bốc vác, mẹ đi đổ bê tông thuê cùng đội thợ trong làng. Khi con mắc bệnh, chị Liên phải bỏ công việc ở quê để lên bệnh viện chăm sóc con. Tiền dành dụm bao nhiêu năm nay đi làm thuê làm mướn, chỉ trong vòng vài tháng điều trị cho con đã không còn lấy một đồng, phải vay mượn thêm mà không đủ.

Dù thương con, chị Liên hiện không biết lấy đâu tiền để thực hiện ước mơ của con vì tiền điều trị bệnh cũng đã quá khó khăn với gia đình. Ảnh PT

BS Nguyễn Thị Thủy – Khoa Nhi (Bệnh Viện K3), người điều trị trực tiếp cho Vượng cho biết: “Cháu Vượng bắt đầu điều trị từ cuối năm 2017, đã điều trị hóa chất nhiều đợt. Do khối u tiến triển nhanh, chúng tôi đã phải cắt xương đùi cho cháu, cũng may là hiện trường hợp của cháu chưa di căn gì. Mong sau khi cháu cắt chân sẽ ổn định một thời gian dài. Ngoài những thuốc trong danh mục bảo hiểm còn nhiều loại thuốc khác hỗ trợ thêm, gia đình cháu phải chi trả. Thời gian điều trị lâu dài, số tiền đó với gia đình khó khăn như cháu cũng rất lớn”.

Phía trước còn nhiều khó khăn và quan trọng hơn, làm thế nào để có tiền lắp chân giả và tiếp tục chữa bệnh cho Vượng đang là nỗi băn khoăn của vợ chồng chị Liên. Mong rằng sự chung tay của bạn đọc sẽ giúp bé Vượng thực hiện được ước mơ của mình.

Mọi sự giúp đỡ em Ngô Văn Vượng- Mã số 380 xin gửi về:

1. Chị Nguyễn Thị Liên ở thôn Cao Dương, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Tác giả: Phương Thuận

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP