Kỳ Anh

UBND xã Kỳ Tiến “tiếp tay” cho doanh nghiệp làm sai?

Tưởng rằng, sau khi bị lực lượng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) lập biên bản thì việc khai thác đất “chui” tại khu vực Cồn Sỏi xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh) sẽ chấm dứt…

Ngày 4/4/2013 UBND xã Kỳ Tiến (không đủ thẩm quyền) ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp (DN) tư nhân Tùng Thành (do ông Nguyễn Tiến Thành làm Giám đốc, trú tại thôn Yên Sơn, xã Kỳ Tiến) về việc khai thác đất tại khu vực Cồn Sỏi. Theo đó, DN được khai thác từ ngày 9/4/2013 đến 25/5/2013 với 7.000m3 đất và đóng nộp cho ngân sách xã số tiền 45 triệu đồng.Tận dụng cơ hội “vàng”, DN này đã “bắt tay” với Công ty Cổ phần xây lắp và Thương mại Hùng Cường khai thác đất rầm rộ cả ngày lẫn đêm khiến tuyến đường đất từ khu vực Cồn Sỏi qua QL1A đến trung tâm xã Kỳ Tiến trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân sống cận kề khi hàng ngày “cõng” trên thân mình hàng trăm chuyến xe chở đầy đất đỏ. “Cuộc sống của chúng tôi bỗng dưng bị đảo lộn trong những ngày gần đây. Không chỉ tiếng ồn mà bụi đất còn bay vào tận từng góc nhà, thậm chí vào cả thức ăn được bày sẵn khiến chúng tôi không nuốt nổi”- người đàn ông tên D xóm Yên Sơn bức xúc cho biết. Điều đáng ngại là tuyến đường nhựa nối từ QL1A vào UBND vốn là con đường đẹp và bằng phẳng đã bị các phương tiện quá tải băm nát. Ổ trâu ổ gà xuất hiện dày đặc khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn hơn.Việc khai thác đất chui cuối cùng cũng bị phát giác. Ngày 9/5 lực lượng Cảnh sát Môi trường đã có mặt tại hiện trường; đồng thời tiến hành lập biên bản đình chỉ hoạt động khai thác vì chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Sau khi bị phát hiện, trong ngày 9/5, UBND xã Kỳ Tiến đã ra văn bản số 28 chấm dứt hợp đồng với DN tư nhân Tùng Thành. Thế nhưng điều trớ trêu đã xảy ra. Cũng trong ngày 9/5 UBND huyện Kỳ Anh có văn bản số 422 đồng ý cho UBND xã Kỳ Tiến khai thác đất ở khu vực Cồn Sỏi. Và mọi việc vẫn cứ thế tiếp diễn như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Trung tuần tháng 5, chúng tôi có mặt tại hiện trường ở khu vực Cồn Sỏi. Việc khai thác đất vẫn diễn ra hết sức khẩn trương. Một máy xúc có gầu xúc lớn đang ngoạm từng mảng đất lớn rồi trút xuống thùng xe. Có 6 ô tô, trong đó có nhiều chiếc mang thương hiệu Hùng Cường đang “ăn” hàng. Điều lo ngại là khu vực khai thác đất lại nằm cận kề khu nghĩa địa. Cách đây không lâu tay lái máy xúc được một phen hoảng hồn. “Hôm ấy, vào khoảng 8 giờ sáng trên đường ra thắp hương ở nghĩa trang, hai bố con chủ những ngôi mộ trong dòng họ nhìn thấy máy xúc đang “áp sát” xúc đất. Điên tiết, bố con ông này về nhà vác dao ra định ‘phứt’ tay lái máy. Nhưng nhờ có sự can ngăn kịp thời chứ không thì…” – ông D. lấp lửng câu nói.Chủ tịch UBND xã Kỳ Tiến Phạm Văn Long thừa nhận việc địa phương ký kết hợp đồng là sai luật. Nhưng vì nguồn thu của địa phương hạn hẹp trong khi chịu “sức ép” về Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng. Đồng thời cũng đã “sửa sai” sau khi bị ngành chức năng “chiếu tướng”. Nhưng hôm đó “Huyện lại ra văn bản chỉ đạo cho phép tiếp tục khai thác nên chúng tôi không biết đường nào mà lần. Và đương nhiên là xã phải chấp hành chỉ thị của cấp trên” – ông Long phân trần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, huyện Kỳ Anh đang triển khai thi công tuyến đường kinh tế, quốc phòng đi qua nhiều xã ở vùng Bắc huyện. Trong đó đoạn qua xã Kỳ Tiến có chiều dài khoảng 3 km, với tổng giá trị đầu tư hơn 10 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần xây lắp và Thương mại Hùng Cường đảm nhận. Dù “không xuất đầu lộ mặt” nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, công ty này đã thông qua “trung gian” là DN tư nhân Tùng Thành ký kết hợp đồng với xã Kỳ Tiến để mang máy móc thiết bị khai thác đất phục vụ cho việc thi công công trình. Mặc dù đã bị đình chỉ nhưng nhờ tấm “ bùa hộ mệnh” của UBND huyện nên việc khai thác vẫn tái diễn cho đến lần thứ 2 bị bắt… “quả tang”. Tiếp đó ngày 17/5 Thanh tra Sở Tài nguyên& Môi trường đã tiến hành lập biên bản vụ việc và đến ngày 22/5 xử phạt hành chính số tiền 10 triệu đồng. Ngày 30/5 Sở tài nguyên& Môi trường ra văn bản số 1163 yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh sớm chấm dứt vụ việc và xử lý sai phạm ở xã Kỳ Tiến đồng thời báo cáo vụ việc với UBND tỉnhĐể tài nguyên bị “chảy máu” trách nhiệm chính thuộc về UBND xã Kỳ Tiến. Tuy nhiên nếu không được UBND huyện Kỳ Anh “bật đèn xanh” thì làm gì có chuyện “trên bảo dưới không nghe dẫn đến việc tài nguyên thiên nhiên bị”chảy máu”. Phải chăng đó là cách huyện Kỳ Anh đang “vẽ đường cho hươu chạy”?!
Hải Nguyễn-Vũ Viễn

PLXH

  Từ khóa: Làm sai , tiếp tay , Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP