Tin Hà Tĩnh

UBND tỉnh quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ

Cử tri Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn cụ thể đối với việc xây dựng phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng và giá dịch vụ trông giữ xe tại chợ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách để địa phương có căn cứ thực hiện.

Chợ Hà Tĩnh. Ảnh: Internet.

2 thẩm quyền của UBND tỉnh

Liên quan đến quy định về thẩm quyền định giá đối với dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ và dịch vụ trông giữ xe, theo Bộ Tài chính: Luật Phí, lệ phí 2015 quy định, dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ và dịch vụ trông giữ xe là 2 dịch vụ được chuyển từ chính sách phí sang thực hiện theo cơ chế giá do nhà nước định giá.

Hướng dẫn nội dung trên, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 149/2016/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, trong đó quy định chi tiết về hình thức và thẩm quyền định giá đối với các dịch vụ này.

Cụ thể, UBND tỉnh quy định giá cụ thể đối với: Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Giá tối đa đối với: Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Nhiều văn bản hướng dẫn định giá, tính giá

Liên quan đến quy định pháp luật về hướng dẫn và xây dựng giá dịch vụ, Bộ Tài chính cho hay, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn đã hướng dẫn nguyên tắc, căn cứ, phương pháp, trình tự định giá hàng hóa, dịch vụ.

Như, Điều 20, Điều 21 của Luật Giá; Điều 9 của Nghị định số 177/2016/NĐ-CP phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 149/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP; và Thông tư số 25/2014/TT-BTC quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ của Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể.

Theo đó, nguyên tắc định giá: Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ có tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ.

Không tính vào chi phí hợp lý để xác định giá thành sản phẩm: Các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định giá thành sản phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chi không được tính vào chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm theo quy định của các văn bản pháp luật có liên quan; Các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm; các chi phí đã được tính trong giá sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, các văn bản nêu trên cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với căn cứ định giá; phương pháp tính giá.

Đối với căn cứ định giá, giá thành toàn bộ, chất lượng của dịch vụ tại thời điểm định giá; lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giá thị trường và khả năng cân đối ngân sách và khả năng thanh toán của đối tượng thụ hưởng dịch vụ công.

2 phương pháp tính giá

Đối với phương pháp tính giá, theo quy định tại Thông tư 25/2015/TT-BTC, có 2 phương pháp là phương pháp so sánh và phương pháp chi phí.

Căn cứ đặc tính và giá trị sử dụng của từng loại hàng hóa, dịch vụ, các điều kiện cụ thể về sản xuất kinh doanh, về thị trường... để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp với hàng hóa, dịch vụ cần định giá.

Trong đó, phương pháp so sánh là phương pháp định giá hàng hoá, dịch vụ căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh giữa mức giá và các đặc điểm kinh tế, kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến mức giá của hàng hóa, dịch vụ cần định giá với hàng hóa, dịch vụ tương tự được giao dịch trên thị trường trong nước; có tham khảo giá cả trên thị trường khu vực và thế giới (nếu có).

Theo Bộ Tài chính, thực hiện phương án này, cần phải căn cứ vào các yếu tố so sánh như: Mặt bằng giá thị trường tại thời điểm quy định giá của từng huyện, thị trấn, xã; mức giá đã thực hiện các năm liên kề....để làm cơ sở xác định giá dịch vụ.

Trong khi đó, phương pháp chi phí là phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ căn cứ vào chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và mức lợi nhuận dự kiến (nếu có) phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chính sách của Nhà nước có tác động đến giá hàng hóa, dịch vụ.

Theo Bộ Tài chính, cũng tại Thông tư 25 nêu trên đã hướng dẫn cách xác định chi phí đối với trường hợp có định mức kinh tế kỹ thuật, trường hợp chưa có định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì áp dụng theo định mức do Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc Hội đồng thành viên (HĐTV) đối với doanh nghiệp có HĐQT/HĐTV hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp hoặc thủ trưởng đơn vị ban hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, để hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành, quản lý, sử dụng đối với giá dịch vụ các dịch vụ được chuyển từ chính sách phí sang thực hiện theo cơ chế giá, Bộ Tài chính đã tổ chức các cuộc hội thảo, họp báo, đồng thời có nhiều công văn gửi các địa phương.

Đó là công văn 12425/BTC-QLG ngày 7/9/2017 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về xây dựng, thẩm định và ban hàng giá dịch vụ quy định tại Luật phí và lệ phí; công văn 8409/BTC-QLG ngày 26/6/2017 về hướng dẫn giải quyết vướng mắc khi xây dựng giá một số dịch vụ chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá do nhà nước định giá...

Tác giả: Thái Bình

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP