Dự án đầu tư

UBND tỉnh nghe báo cáo tác động của dự án xây dựng cống ngăn mặn Kỳ Hà, hồ Rào Trổ

Theo thuyết trình của đơn vị tư vấn, dự án xây dựng cống Kỳ Hà (Kỳ Anh) nhằm ngăn mặn xâm nhập, giữ nước ngọt phục vụ cho việc chuyển nước tới nhà máy, cung cấp nước cho KKT Vũng Áng. Công trình này còn đảm bảo thoát lũ cho lưu vực sông Quyền, sông Trí.

Sáng 28/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn chủ trì buổi làm việc nghe báo cáo tác động ảnh hưởng của các tiểu dự án hồ Rào Trổ; phương án chuyển đổi nghề cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi tiểu dự án cống ngăn mặn kỹ thuật Kỳ Hà (thuộc dự án xây dựn hệ thống cấp nước KKT Vũng Áng).

UBND tỉnh nghe báo cáo tác động của dự án xây dựng cống ngăn mặn Kỳ Hà, hồ Rào Trổ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: “Cần khuyến khích tối đa tinh thần tự tái định cư của nhân dân, nhất thiết trước khi hồ tích nước các hộ ảnh hưởng phải di chuyển đến nơi an toàn.”

Tuy nhiên, quá trình này làm ảnh hưởng đến một số diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ và một bộ phận người dân tham gia đánh bắt thuỷ sản trên sông ở 4 xã Kỳ Hà, Kỳ Hải, Kỳ Trinh và Kỳ Hưng (Kỳ Anh); gây ngập cục bộ một số công trình hạ tầng và vùng sản xuất khi giữ nước thường xuyên ở mức dương theo thiết kế.

Dựa trên đánh giá tác động, đơn vị tư vấn đề xuất giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sản xuất vùng ảnh hưởng; bồi thường công cụ sản xuất và nâng cấp hạ tầng, nhằm hạn chế tác động bất lợi của công trình cống ngăn mặn kỹ thuật Kỳ Hà đến khu vực.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, việc khảo sát của các đơn vị tư vấn chưa đạt yêu cầu, phương án xây dựng dự án mới chỉ quan tâm đến xây dựng cơ bản mà chưa quan tâm nhiều đến vấn chuyển đổi sản xuất cho người dân vùng dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, dự án xây dựng cống ngăn mặn kỹ thuật Kỳ Hà không làm xấu đi tình hình đời sống dân sinh và môi trường của khu vực ảnh hưởng. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn cần tổ chức đánh giá và tính toán cụ thể thông qua các kết quả đo đạc, điều tra chi tiết, xử lý số liệu nhằm thực hiện có hiệu quả giải pháp chuyển đổi nghề cho bà con vùng bị tác động. Việc xây dựng dự án phải tuân thủ đúng quy định của Nhà nước, hành lang pháp lý và phù hợp với thực tiễn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tư vấn xây dựng đề cương, nhiệm vụ cụ thể, có sự tham gia ý kiến của các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư; yêu cầu chậm nhất trong vòng 30 đến 45 ngày tới phải hoàn tất đề cương báo cáo UBND tỉnh.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã nghe và cho ý kiến về tác động ảnh hưởng của các tiểu dự án hồ Rào Trổ.

Hiện, Công ty CP đầu tư phát triển Vũng Áng đã phê duyệt, khảo sát kết quả đánh giá tác động ảnh hưởng của lòng hồ Rào Trổ đối với các xã ảnh hưởng. Theo đó, chủ đầu tư đề xuất các giải pháp kỹ thuật, phương án bồi thường, hỗ trợ, di dời dân tái định cư phù hợp với hiện trạng, tình hình sản xuất của bà con khi Rào Trổ tích nước.

Đối với xã Kỳ Tây, qua khảo sát 98 hộ dân thì có 76 hộ tự tái định cư, 6 hộ có nhu cầu TĐC. Chủ đầu tư đề xuất di dời những hộ dân ở dưới mức cao trình mực nước lũ thiết kế, những hộ dân cao hơn cao trình mực nước lũ thiết kế thì hỗ trợ, không cần di dời… Đối với xã Kỳ Thượng, có khoảng 412 ha đất sản xuất bị cô lập thuộc hai tiểu khu 362A và 362 B ở phía Tây Bắc lòng hồ. Chủ đầu tư đề xuất phương án vượt lũ bằng cách làm tuyến đường nối hai tiểu khu về trung tâm xã.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, cần khuyến khích tối đa tinh thần tự tái định cư của nhân dân, nhất thiết trước khi hồ tích nước các hộ ảnh hưởng phải di chuyển đến nơi an toàn. Đối với những hộ không tự TĐC được, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ theo quy định

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở TNMT sớm xác định nguồn gốc đất để có ý kiến với huyện Kỳ Anh nhằm sớm hoàn tất thủ tục. Riêng việc bồi thường, GPMB dự án Rào Trổ, phải được thực hiện một cách công khai, dân chủ…

Nguyễn Oanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP