Hương Khê

Uẩn khúc trong vụ tai nạn giao thông tại Hà Tĩnh: Tòa phúc thẩm yêu cầu điều tra lại vụ án

Xét thấy quá trình điều tra của Cơ quan CSĐT, Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) còn nhiều uẩn khúc cần phải làm rõ và phiên tòa cấp sơ thẩm của TAND huyện này vào ngày 19/7 đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng nên ngày 4/10, TAND tỉnh Hà Tĩnh – phiên xét xử phúc thẩm vụ án “vi phạm các quy định Luật Giao thông đường bộ” xảy ra tại Hương Khê đã tuyên bố trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại vụ án.

hatinh24h

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh Thiện liên tục kêu oan

Người điều khiển xe đã tử vong?

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 13 giờ ngày 2/9/2015, ông Thiện không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe máy Dream mang BKS 38N5-4586 chở theo ông Cao Hồng Tuyên (69 tuổi, ngụ cùng xã Hương Đô) lưu thông trên đường Hà Huy Tập, hướng từ thị trấn Hương Khê (Hương Khê) về xã Hương Đô. Khi xe chạy đến Khối 12, thị trấn Hương Khê, vì thiếu quan sát, xe đã tông thẳng vào xe máy Wave Alpha, BKS 38H4-5924 do ông Đinh Quốc Mỹ (58 tuổi, ngụ tại xã Hương Đô) điều khiển. Vụ tai nạn làm cả 3 người ngã xuống đường, ông Tuyên tử vong tại chỗ, ông Mỹ và ông Thiện bị thương nhẹ.

Ngày 7/4/2016, Công an huyện Hương Khê đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Thiện để điều tra về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Sau khi bị bắt giam, ông Thiện không thừa nhận hành vi phạm tội, nhiều lần gửi đơn kêu oan. Trong đơn, ông Thiện khẳng định, thời điểm xảy ra tai nạn, ông ngồi sau xe và ông Tuyên là người điều khiển xe. Ông Mỹ chạy xe quá tốc độ, lấn đường rồi đâm trúng xe máy do ông Tuyên cầm lái.

Ngày 19/7, TAND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Đinh Thiện (48 tuổi, ngụ tại Hương Đô, Hương Khê) 42 tháng tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và phải bồi thường cho gia đình bị hại 5 triệu đồng. Tại phiên tòa, ông Thiện liên tục kêu oan. Trước HĐXX tòa sơ thẩm, ông  Thiện vẫn giữ nguyên khai: “Thực sự, hôm đó bị cáo không điều khiển xe. Người điều khiển xe là ông Tuyên. Ông Mỹ là người điều khiển xe khác vượt bên phải, gây ra vụ tai nạn”.

Theo ông Cao Đình Thống (em trai ông Tuyên), đại diện cho gia đình bị hại cho biết, sau khi tại nạn xảy ra, ông Mỹ đưa một chiếc quan tài đến để lo hậu sự cho nạn nhân, nhưng hiện ông này đang đòi lại và gia đình chưa có tiền trả. Ông Thống nói: “Dù bị cáo (ông Thiện) nhận tội hay không thì gia đình cũng mong hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo ở mức án thấp nhất. Chúng tôi chỉ yêu cầu bị cáo bồi thường 5 triệu đồng, đủ số tiền mua quan tài trả lại cho ông Mỹ”.

“Luật sư moi đâu ra 3 nhân chứng?”

Tại phiên tòa, để chứng minh việc bị cáo (ông Thiện) kêu oan là có cơ sở, ông Phan Văn Chiều (Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh), luật sư bào chữa cho bị cáo (ông Thiện), đã đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy lời khai của ông Mỹ và một số nhân chứng có nhiều mâu thuẫn.

Quang cảnh phiên tòa

Nhân chứng – Nguyễn Văn Hoa khai trong hồ sơ của cơ quan điều tra rằng, lúc tai nạn xảy ra, ông đứng cách hiện trường khoảng 30 m, nhìn thấy ông Thiện điều khiển xe máy BKS 38N5-4586 chở ông Tuyên phía sau đâm vào xe máy BKS 38H4-5924 của ông Mỹ điều khiển. Nhưng tại tòa sơ thẩm, ông Hoa lại cho biết, khi ông tới hiện trường thì vụ tai nạn đã xảy ra và sau đó ông đưa các nạn nhân bị thương đi cấp cứu (?!).

Trong hồ sơ của Cơ quan CSĐT – Công an huyện Hương Khê, lời khai của ông Hoa và nhân chứng khác là ông Trần Đình Thao cũng “đá nhau”. Cụ thể, lời khai của ông Hoa tại các bút lục 81, 83 và 85 thể hiện: “Xe Wave – tức xe BKS 38H4-5924 bị xe Dream BKS 38N5-4586 quệt vào khi vượt nên ngã xuống đường. Xe Wave đè lên người lái xe Wave, còn xe Dream lao lên vỉa hè, người ngồi sau xe rớt xuống, xe vẫn trượt một đoạn dài và dừng lại”.

Tuy nhiên, lời khai của ông Thao tại Bút lục 97-100b thể hiện: “Khi xảy ra va chạm, chiếc xe Dream BKS 38N5-4586 lao lên lề đường, rồi đâm vào gốc cây, bờ tường rào làm cả hai người trên xe (ông Tuyên và ông Thiện) bị ngã tại vị trí chiếc xe, sau khi ông Tuyên chết thì có việc dịch chuyển vị trí tử thi từ chiếc xe ra bờ đường, tử thi không bị rơi”.

Ngoài 2 nhân chứng trên, 3 nhân chứng khác, gồm các ông Đặng Ngọc Lăng, Đặng Văn Dung, Lê Ngọc Thắng (cùng ngụ tại huyện Hương Khê) khẳng định đã trực tiếp chứng kiến vụ tai nạn và ông Tuyên là người cầm lái, ông Thiện ngồi phía sau xe.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, lời khai của 3 nhân chứng Đặng Ngọc Lăng, Đặng Văn Dung, Lê Ngọc Thắng “không quan trọng”, mà căn cứ vào hồ sơ hiện trường, lời khai của ông Mỹ cùng 2 nhân chứng là ông Hoa và ông Thao cho thấy, bị cáo (ông Thiện) là người điều khiển xe gây tai nạn.

Tranh luận tại tòa, ông Bình nói: “Quá trình điều tra vụ án, tôi không thấy cơ quan điều tra, cũng như luật sư bổ sung nhân chứng. Tôi không hiểu luật sư “moi” ở đâu ra 3 nhân chứng Đặng Ngọc Lăng, Đặng Văn Dung, Lê Ngọc Thắng”.  Từ đó, ông Bình cho rằng đã có đủ cơ sở để buộc bị cáo (ông Thiện) tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, đề nghị tòa xử phạt bị cáo 36 – 48 tháng tù giam.

Vì lời khai của 2 nhân chứng là ông Hoa và ông Thoa có mâu thuẫn, “tiền hậu bất nhất” nêu tại tòa, Luật sư Phan Đình Chiều cho rằng, việc Cơ quan CSĐT – Công an huyện Hương Khê và Viện Kiểm sát Nhân nhân cùng cấp dùng lời khai của 2 nhân chứng này để buộc tội bị cáo là ông Đinh Thiện tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là thiếu khách quan.

Ông Trương Văn Bá (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình), người  bào chữa cho bị cáo Đinh Thiện cho rằng, việc cơ quan tố tụng buộc tội bị cáo Đinh Thiện dựa trên 2 nguồn chứng cứ đó là lời khai của ông Mỹ và 2 nhân chứng là ông Hoa, ông Thao, cùng  văn bản trả lời kết quả giám định hiện trường của cơ quan công an là thiếu khách quan.

Theo Luật sư Bá, cơ quan công an, trong quá trình điều tra cũng mắc thiếu sót khi trưng cầu giám định quá muộn. Cụ thể, vụ việc xảy ra vào ngày 2/9/2015, nhưng mãi đến 2/12/2015, công an mới tiến hành trưng cầu giám định đối với 2 chiếc xe gây tai nạn. “Cơ chế, dấu vết va chạm giữa 2 xe là một  trong những nội dung rất quan trọng để xác định lỗi giữa các xe, nhưng 3 tháng sau, cơ quan công an mới trưng cầu giám định thì còn đâu là khách quan?”, Luật sư Bá nói.

Luật sư Phan Văn Chiều cũng chỉ rõ việc cơ quan công an không trưng cầu giám định cơ chế hình thành vết thương của ông Tuyên về tư thế ngã, vị trí ngã, cơ chế va đập…, từ đó xác định ông Tuyên có phải là người cầm lái hay không là một sai sót lớn. Theo ông Chiều, cũng cần phải giám định, xem xét vết thương trên cơ thể của ông Thiện để xác định việc hình thành vết thương của người này phù hợp với việc ông này điều khiển xe hay là ngồi sau xe, nhưng cơ quan công an đã bỏ qua? Quá trình điều tra không đầy đủ dẫn đến sự thật khách quan chưa được làm rõ.

Cũng theo Luật sư Chiều, căn cứ khoản 1, Điều 157 – Bộ luật Tố tụng hình sự thì nội dung kết luận giám định của cơ quan công an phải ghi rõ: thời gian, địa điểm tiến hành giám định; họ tên, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của người giám định; những người tham gia khi tiến hành giám định; những dấu vết, đồ vật, tài liệu và tất cả những gì đã được giám định, những phương pháp được áp dụng và giải đáp những vấn đề đã được đặt ra có căn cứ cụ thể…

Tuy nhiên, tại Công văn số 404/PC54 ngày 02/12/2015 của Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Hà Tĩnh  về việc trả lời kết quả giám định của vụ việc lại không được ban hành dưới dạng một quyết định với những nội dung trên.

Đặc biệt, Công văn số 404/PC54 không thể hiện phương pháp áp dụng và không giải đáp rõ ràng những vấn đề cơ quan điều tra trưng cầu, mà chỉ đưa ra một nhận định chung chung, không rõ ràng – là chưa đảm bảo quy trình theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận định, điểm va chạm giữa 2 xe là tay cầm bên phải của xe Wave BKS 38H4-5924 và tay cầm bên trái của xe Dream BKS 38N5-4586, nhưng không nêu rõ phương pháp đưa ra để nhận định được nội dung này.

Phòng Kỹ thuật hình sự cho rằng, tốc độ xe Dream lớn hơn tốc độ xe Wave, nhưng cũng không nêu rõ phương pháp phân tích để nhận định nội dung này là có căn cứ hay không? Không làm sáng tỏ được nhận định của mình, nhưng cơ quan điều tra vẫn căn cứ và cho rằng đây là một quyết định được lấy làm căn cứ buộc tội bị cáo Đinh Thiện là chưa có đủ độ tin cậy, trái với quy định của pháp luật. Luật sư Trương Văn Bá và Luật sư Phan Văn Chiều cho rằng, cần phải điều tra bổ sung, thậm chí trả hồ sơ, điều tra lại vụ án.

Tòa phúc thẩm yêu cầu điều tra lại vụ án

Ngày 4/10, TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm “vụ án vi phạm các quy định Luật Giao thông đường bộ”, xảy ra tại Hương Khê (Hà Tĩnh) đã chỉ rõ quá trình điều tra của Cơ quan CSĐT  Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) còn nhiều uẩn khúc và việc TAND huyện Hương Khê, trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng nên đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại vụ án. Cụ thể, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã cho rằng 3 người làm chứng do luật sư của bị cáo đề xuất tham gia tố tụng là không khách quan, vi phạm nghiêm trọng tố tụng và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xét xử để làm rõ tính chất khách quan của vụ án.

Theo quy định của pháp luật thì bắt buộc những người tham gia tố tụng phải có giai đoạn điều tra, truy tố, rồi mới xét xử. Vụ án này, xét thấy những lời khai, lời trình bày của những người làm chứng do luật sư của bị cáo đưa ra là có căn cứ, phải trả lại hồ sơ để được điều tra bổ sung, để cơ quan lấy lời khai của những người làm chứng đó. Sau đó, Viện Kiểm sát truy tố và đến khi xét xử, tòa án cấp sơ thẩm mới có quyền đưa những người này tham gia tố tụng. Thế nhưng, cấp sơ thẩm đã không làm như vậy, mà cho những người làm chứng do luật sư đưa ra vào tham gia tố tụng luôn tại phiên tòa sơ thẩm, không theo Luật Tố tụng là vi phạm nghiêm trọng luật này.

Mặt khác, khi cho 3 người làm chứng do luật sư đưa ra tại tòa, chủ tọa phiên tòa chấp nhận luôn mà không dừng lại để hội ý rồi mới quyết định. Việc này, càng thể hiện vi phạm Luật Tố tụng.

Ngoài ra, trong hồ sơ còn thấy một số vi phạm tố tụng khác, trong các biên bản lấy lời khai không phải do một số điều tra viên được phân công tiến hành. Thêm nữa, vụ án xảy ra một thời gian dài rồi mới tiến hành trưng cầu giám định, điều tra, những vết tích có tại hiện trường có thể bị xóa mờ… Vì thế, cần được điều tra làm rõ. Từ các căn cứ trên, HĐXX TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả lại hồ sơ để điều tra lại…

Nguyên Dũng – Lưu Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP