Người đương thời

Tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng một ngày kiếm gần 600 tỷ

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã kiếm hơn 550,2 tỷ đồng chỉ trong ngày 11/2, nâng tổng tài sản trên sàn chứng khoán lên một mốc cao mới.

Với diễn biến tích cực của VIC phiên 11/2, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm hơn 550,2 tỷ đồng trong tổng tài sản trên sàn chứng khoán.

Phiên giao dịch ngày 11/2/2015 chứng kiến sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong nước khi hàng loạt mã cổ phiếu tăng giá.

Theo đó, kết thúc ngày 11/2, chỉ số VN-Index tăng 7,24 điểm, tương đương 1,26% lên mức 581,76 điểm.

Chỉ số VN30Index theo đó cũng tăng 11,8 điểm, tương đương 1,98% lên 607,33 điểm.
Trong rổ 30 mã chứng khoán hàng đầu Việt Nam thì có 1 mã đứng giá, 1 mã giảm giá, còn lại 28 mã tăng giá.

Mã cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup do tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng làm CTHĐQT là 1 trong 3 mã tăng điểm mạnh mẽ nhất trong phiên giao dịch này.

Phiên giao dịch này, VIC bật tăng 2,8%, tương đương mức tăng 1.300 đồng/cổ phiếu.
Ông Phạm Nhật Vượng hiện đang nắm giữ 423.233.803 cổ phần, tương đương 29,1% cổ phần VIC (tính đến hết ngày 31/122014).

Với diễn biến tích cực của VIC phiên này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm hơn 550,2 tỷ đồng trong tổng tài sản trên sàn chứng khoán.

Theo dữ liệu của Công ty chứng khoán VNDIRECT và VnExpress công bố chiều 31/12/2014, tài sản 100 người giàu nhất sàn chứng khoán, tăng 25% so với năm 2013, đạt hơn 81.500 tỷ đồng (tương đương 3,8 tỷ USD).

Riêng trong top 10 người giàu trên sàn chứng khoán 2014, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn giữ ngôi đầu bảng.

Tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng một ngày kiếm gần 600 tỷ - Ảnh 1

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã kiếm hơn 550,2 tỷ đồng chỉ trong ngày 11/2, nâng tổng tài sản trên sàn chứng khoán lên một mốc cao mới.

Tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng là người thế nào?

Là người cực kỳ kín tiếng, nhưng vô cùng nổi tiếng, Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup được ngưỡng mộ không hẳn vì sự giàu có, mà bởi ông đã làm được những điều mà không ai tin người Việt Nam có thể làm được.

Quê gốc ở Can Lộc (Hà Tĩnh), nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, người đàn ông 47 tuổi này (ông sinh năm 1968) bắt đầu bước ngoặt lớn nhất cuộc đời mình vào năm 1987, khi thi đỗ Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội và được chọn sang Nga du học. Tốt nghiệp đại học sau đó 5 năm, ông kết hôn rồi chuyển tới sống tại Kharkov (Ukraine).

Con đường kinh doanh của Phạm Nhật Vượng khởi đầu từ đây với những gói mỳ ăn liền – món thực phẩm hữu ích vào thời khó khăn, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Sau mỳ gói thương hiệu Mivina là bột canh và các sản phẩm gia vị, đồ ăn nhanh…

Và chính những gói mỳ ăn liền và các sản phẩm gia vị, thức ăn nhanh đã mang lại cho Phạm Nhật Vượng khối tài sản lớn để đầu những năm 2000, đầu tư Vinpearl Nha Trang. Song phải tới tận năm 2009, sau một thời gian bay qua, bay lại Việt Nam – Ukraine, ông mới quyết định bán Technocom cho Nestle để mang toàn bộ vốn liếng quay trở về quê hương.

Ông cũng được vinh danh là “Người sáng lập thị trường thức ăn nhanh” tại Ukraine. Tập đoàn Technocom do Phạm Nhật Vượng thành lập năm 1993 đã liên tục mở thêm nhà máy và không ngừng khuếch trương quy mô.

Nghe nói lúc ấy, Technocom có doanh thu 150 triệu USD/năm và tỷ suất lợi nhuận lên tới 40-50%. Nhưng Phạm Nhật Vượng vẫn quyết tâm trở về, đầu tư hàng loạt công trình mang thương hiệu Vincom, Vinpearl, đưa Vingroup trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Theo Báo Đầu Tư, hàng loạt công trình dọc dài đất nước với tốc độ xây dựng kỷ lục mang dấu ấn Phạm Nhật Vượng đã góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt đô thị Việt Nam, mang đến không gian sống mới cho người Việt.

Mới đây, một lễ động thổ hoành tráng vừa diễn ra vào ngày 26/7/2014. Dự án Vinhomes Tân Cảng, vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng, sẽ được xây dựng trải dài dọc bờ sông Sài Gòn. Khu đô thị phức hợp và hiện đại này bao gồm khu căn hộ và biệt thự cao cấp, khu văn phòng cho thuê, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… Đặc biệt, với tòa nhà Land Mark cao tới 81 tầng, Vinhomes Tân Cảng sẽ sở hữu tòa nhà lập kỷ lục cao nhất Việt Nam.

Nhiều khách đi qua trầm trồ không ngớt. Vingroup vừa khởi công một dự án mới, người Sài Gòn sẽ có thêm không gian sống hiện đại và hoàn hảo bậc nhất. Trong khi đó, ông chủ của Dự án, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn lặng lẽ như thường thấy.

Hơn 10 năm trước, thoáng nghe thông tin có một “đại gia” Việt xây dựng Khu du lịch Vinpearl tại đảo Hòn Tre (Nha Trang), thậm chí có cả cáp treo vượt biển, rất ít người tin tưởng. Nhiều người còn bảo, Phạm Nhật Vượng “điên”, là “ném tiền xuống biển”, “trứng chọi đá”… Nhưng khi Vinpearl Nha Trang lộng lẫy khánh thành, tất cả đều phải thừa nhận ông chủ ấy quả có tầm nhìn tuyệt vời. Vinpearl Nha Trang, cho đến giờ, vẫn là một điểm đến hấp dẫn bậc nhất của khách du lịch mỗi khi ghé thăm thành phố biển Nha Trang.

Dù cái tên ấy thuộc diện được tìm kiếm hàng đầu ở Việt Nam, nhưng hiếm khi người ta thấy Phạm Nhật Vượng xuất hiện rình rang ở chốn đông người. Ông rất khiêm nhường và vô cùng kiệm lời.

Sau Vinpearl Nha Trang, đã có hàng loạt dự án tầm cỡ mang dấu ấn Vingroup và tầm vóc Phạm Nhật Vượng. Nhưng dù là Vincom Hà Nội hay Vincom TP.HCM, Times City, Royal City hay Vinhomes Riverside, Vinpearl Nha Trang và Vinpearl Luxury Đà Nẵng…, tất cả đều là sản phẩm hoành tráng, hoa lệ, vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Sắp tới sẽ còn có Vinpearl ở Bình Định, Phú Quốc, Quảng Ninh, Vincom Center tại Hạ Long, Tân Cảng; Vinhomes Tân Cảng, Nguyễn Chí Thanh…

Công trình nối tiếp công trình, suốt dọc dài đất nước. Tên tuổi Phạm Nhật Vượng và Vingroup cứ thế ngày càng nổi danh trên thương trường.

Ước mơ để Việt Nam “ngẩng mặt với thế giới” của Phạm Nhật Vượng vì thế ngày càng tròn đầy hơn. Vingroup giờ có thể sánh ngang các tên tuổi lớn trênthế giới trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, như Capital Land, Keppel Land…

Báo cáo quản trị bán niên 2014 mà Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) công bố mới đây, 5 thành viên trong gia đình Chủ tịch Phạm Nhật Vượng sở hữu gần 374 triệu cổ phiếu VIC, chiếm hơn 40% vốn điều lệ. Nếu tính theo giá đóng cửa phiên 1/8/2014, số chứng khoán này tương đương hơn 28.230 tỷ đồng (trên 1,3 tỷ USD).

Đến hết phiên giao dịch ngày 19/12/2014, giá trị cổ phiếu của ông Vượng đạt tới 20.400 tỷ.

Từ 10.000 USD khởi nghiệp vào năm 1992, sau 22 năm, gia tài mà Phạm Nhật Vượng có được lên tới 1,6 tỷ USD – con số mà chỉ 1.092 người trên thế giới với tới được. Nhưng ông là người giản dị và chân thành, không bao giờ nói về mình.

Theo công bố của Forbes về những người giàu nhất thế giới được đưa ra cuối tháng 9/2014, ông Phạm Nhật Vượng hiện giữ vị trí thứ 1.070 trong danh sách.

Tổng tài sản của ông vào khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với hồi tháng 3/2014.
Điều đó cũng giúp doanh nhân này vượt qua 22 tên tuổi khác để thăng hạng trên danh sách Forbes.

Trước đó, trong báo cáo “Billionaire Census 2014” của Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ), Việt Nam hiện có 2 tỷ phú với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD.

1 trong 2 nhân vật đó nhiều người dự đoán là ông Phạm Nhật Vượng vì ông là tỷ phú đôla đầu tiên Việt Nam. Hơn nữa, ông cũng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP