Giáo dục

Tuyển sinh công an và quân đội có biến động gì?

Chỉ tiêu không tăng nhưng điểm chuẩn vào các trường công an, quân đội trong hai năm qua đã giảm, đặc biệt cả hai khối này đều phải xét tuyển bổ sung.

Năm 2019, điểm chuẩn cao nhất vào quân đội là 27,09 thuộc về thí sinh vào Học viện Khoa học quân sự.

Trong số 18 trường quân đội, Trường Sĩ quan phòng hóa có điểm chuẩn thấp nhất khi chỉ 15, cho cả thí sinh nam hai miền Bắc - Nam. Điểm chuẩn Trường Sĩ quan không quân cũng không khá hơn, khi chỉ 16.

Dù chỉ tiêu chỉ 4.822 thí sinh, ngay sau khi công bố điểm chuẩn, Ban tuyển quân sự Bộ Quốc phòng đã phát đi thông báo tuyển nguyện vọng bổ sung ở cả bậc đại học và cao đẳng 255 chỉ tiêu (trong đó có 230 chỉ tiêu hệ cao đẳng).

Một năm trước đó (2018), điểm chuẩn cao nhất vào quân đội là 27,75 dành cho thí sinh nam, quân khu IV, ngành Luật, Học viện Biên phòng. Nhưng trường này cũng có điểm chuẩn thấp nhất trong khối này khi thí sinh nam, quân khu IV, ngành Biên phòng chỉ 16,85 điểm.

Riêng Trường Sĩ quan phòng hóa, điểm chuẩn thấp nhất là 19,05 cho thí sinh nam miền Nam. Dù phải tuyển bổ sung 51 thí sinh, nhưng chỉ tiêu quân đội năm 2018 là 5.475 thí sinh cũng nhiều hơn năm 2019 hơn 650 em.

Trong khi đó, ở khối trường công an, sau nhiều năm chiếm lĩnh ngôi đầu điểm chuẩn năm 2019 được gọi là "lao dốc".

Chỉ còn 3 trường khối này được giao chỉ tiêu là Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy với chỉ tiêu 1.200 thí sinh, nhưng điểm chuẩn năm 2019 cao nhất là 26,64, vẫn thấp hơn năm 2018.

Riêng Học viện Cảnh sát nhân dân đã mất ngôi tốp đầu khi mức điểm chuẩn năm nay giảm quá mạnh. Ngành nghiệp vụ cảnh sát, phía Bắc với thí sinh nam, nếu như năm 2018 khối A1 là 27,15 thì năm nay lao dốc còn 19,62; khối D1 năm ngoái là 24,65 thì năm nay còn 19,88. Điểm chuẩn Học viện An ninh nhân dân cũng giảm mạnh trong đó ngành Nghiệp vụ an ninh đối với nam ở tổ hợp C01 giảm 2,35 điểm ở phía Bắc; 4,15 điểm ở phía Nam so với năm ngoái.

Khối các trường công an phải tuyển bổ sung 76 thí sinh (riêng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy tuyển bổ sung nhưng không công bố chỉ tiêu).

Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh không tăng (thậm chí giảm) nhưng trong 2 năm liên tục, điểm chuẩn của các trường khối quân đội, công an giảm và đều tăng lượng thí sinh phải tuyển bổ sung.

Trong khi đó nếu so sánh, chỉ tiêu của mỗi khối này chỉ tương đương chỉ tiêu của một trường đại học thuộc khối dân sự, thậm chí chưa bằng chỉ tiêu của một trường đại học tư thục khối dân sự.

Vì sao mất ngôi đầu?

Theo ông Phùng Quán, Trường trực tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, (ĐH Quốc gia TP.HCM), nếu trước đây, các trường quân đội và công an có điểm chuẩn rất cao thì trong vòng 2 năm gần đây phải tuyển bổ sung bởi có nhiều lý do.

"Thứ nhất, "việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ giúp điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng, giảm tỷ lệ cán bộ ở cơ quan Bộ Công an, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và từng bước chính quy hóa lực lượng Công an xã, thị trấn nhưng bảo đảm không tăng biên chế chung cũng ảnh hưởng đến học sinh và phụ huynh.

Thứ hai, các chính sách tuyển sinh như điểm chuẩn quá cao ở các năm trước, tiêu chuẩn sức khỏe, tiêu chuẩn học lực của thí sinh các năm học THPT; tiêu chuẩn về chính trị… và đặc biệt là nghiêm cấm tình trạng thí sinh đăng ký sơ tuyển tại nhiều Ban tuyển sinh đã ảnh hương trực tiếp tới khối này.

Thứ ba, thí sinh đã đăng ký sơ tuyển vào các trường Bộ Công an, không đăng ký sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng (hệ quân sự)… và các trường công an và quân đội đều yêu cầu bắt buộc thí sinh phải qua vòng sơ tuyển mới đủ điều kiện để đăng ký xét tuyển vào trường" - ông Quán phân tích.

Theo ông Quán, những chính sách này làm học sinh và phụ huynh cân nhắc trước khi đăng ký vào hai khối trường này.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhìn nhận hiện nay khối quân đôi, công an đang bão hòa nên việc chỉ tiêu không tăng (thậm chí giảm), điểm chuẩn giảm và phải tuyển bổ sung là điều đương nhiên.

"Qua đó có thể thấy thị trường lao động quyết định tất cả. Ngành nào ra trường có việc nhiều lương cao thu hút nhiều thí sinh và ngược lại"- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, ngay cả nhưng ngành kỹ thuật dù được thu hút nhất như năm nay cũng tùy thuộc thị trường, có nhiều ngành khó tuyển vì ra trường ít việc hoặc có thì không đến lượt con em người lao động

Ở góc độ giáo viên phổ thông, theo ông Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, chính những vụ bê bối của lực lượng công an làm hình ảnh của lực lượng này xấu đi trong xã hội, khiến các thí sinh thực dụng sẽ từ chối.

Ông Du cho rằng, đã đến lúc xem lại đầu ra của hai khối ngành này xem 100% tốt nghiệp có được phân công nhiệm sở hay không.

Xu hướng nào cho các trường công an?

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng nhóm ngành công an, quân đội vẫn còn thu hút thí sinh, tuy nhiên đang có dấu hiệu giảm và các học sinh loại giỏi có nhiều cơ hội ở các nhóm ngành khác nên số lượng giản hơn.

"Hiện nay thí sinh quan tâm đến cơ hội việc làm và cơ hội phát triển. Thí sinh thế hệ Z (sinh sau năm 2.000) có suy nghĩ khác. Các em đã có sự đánh giá và khám phá bản thân tốt hơn trước khi lựa chọn ngành, không phải chỉ chọn vì yếu tố việc làm nữa. Bằng chứng là các trường khối công an, quân đội và các ngành khối sức khỏe vẫn phải tuyển bổ sung"- ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, cùng với sự tinh giản biên chế, những quy tắc đặt ra trong tuyển sinh, và sự suy nghĩ của thế hệ học sinh sau này, tương lai độ nóng của các ngành quân đội, công an sẽ giảm nữa.

Còn ông Phùng Quán cho rằng, không chỉ riêng khối quân đội, công an mà ghi nhận trong vài năm trở lại đây với ngành y, trừ các trường nổi tiếng thì các trường khác cũng khó khăn trong tuyển sinh.

"Điều đó có nghĩa học sinh và phụ huynh cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho con mình học khối ngành này. Như vậy để đáp ứng xu hướng về nguồn nhân lực trong tương lai cần có chuyên môn giỏi, kỹ năng tốt, thái độ tích cực, và trong đó việc thành thạo sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ là quan trọng trong môi trường hội nhập của kỷ nguyên số".

Ông Quán cho rằng, hiện nay xu hướng tuyển sinh đã lệch chuyển cùng với sự chuyển dịch của lao động. Quan sát nhiều năm gần đây, nhóm ngành được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm bao gồm Nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh tài chính cùng nhiều lĩnh vực khác….

Ý kiến của một chuyên gia tuyển sinh, nhóm các trường ngành quân đội, công an vẫn có sức hút nhưng không cao sẽ theo phân khúc địa lý. Những thí sinh ở các địa phương có xu hướng thi vào hai ngành này nhiều hơn. Còn ở Hà Nội, TP.HCM dù có số lượng học sinh lớn nhưng sẽ không phải là lựa chọn số 1.

"Xu hướng là ngành quân đội, công an sẽ giảm và các ngành có nhu cầu tuyển dụng cũng như mức lương cao được các em chọn lựa khá nhiều. Ngoài ra sự lựa chọn hệ CĐ cũng được các em quan tâm hơn, nhiều thí sinh đủ điểm chuẩn vào đại học nhưng vẫn chọn học cao đẳng vì chi phí học tập ít hơn và nhanh chóng tốt nghiệp để đi làm, và nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng cũng rất nhiều"

Tác giả: Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP