hatinh24h
Bò gặm cỏ trên cánh đồng muối Kỳ Hà. Ảnh: Đức Anh.

Bỏ nghiệp cha ông

Đồng muối Kỳ Hà những ngày này có những cảnh tượng khác thường: Trưa nắng chói chang nhưng các ô trống trơn, nước không được đưa vào phơi lấy muối. Cỏ mọc chen lấn sang ruộng muối, rác vương vãi khắp đồng. Ruộng muối nay cũng đang trở thành nơi chăn nuôi trâu bò chúng đang dẫm đạp, phá dần nhưng ô muối vốn được diêm dân giữ sạch, phẳng lừ.

Đồng muối vắng người, tìm mãi chúng tôi cũng gặp được ông Hoàng Thắng, một diêm dân 60 tuổi của thôn Bắc Hà – xã Kỳ Hà đang ngồi nghỉ trong chòi. Mấy đời mưu sinh gắn liền với đồng muối nhưng từ thuở cha sinh mẹ đẻ, ông Thắng chưa bao giờ chứng kiến cảnh đồng muối vắng vẻ giữa chính vụ thế này. “Mọi năm, trời càng nắng to, đồng muối càng đông vui. Sáng thì đưa nước vào ô muối, chiều thì hò nhau ra cào muối rồi bán bán, mua mua. Mệt mà phấn khởi, có đồng ra đồng vào. Bây chừ, nước độc, đồng hoang. Nhìn mà rơi nước mắt” – ông Thắng nói.

Mọi năm, mỗi vụ muối, vợ chồng ông Thắng làm thong thả cũng được 50 triệu đồng/mùa, đủ chi tiêu cho vợ chồng già, còn cho thêm các cháu tiền đóng học, mua sách vở. Trước đây, cả cánh đồng này, mỗi ngày đưa về cho cả làng vài chục triệu đồng, giờ diện tích làm muối bị bỏ hoang hơn nửa. “Tháng 3 vừa rồi, trời bắt đầu nắng to, dân làng hò nhau ra sửa đồng muối. Khi tháo nước vô đồng, bữa trước bữa sau, cá đã chết nổi lềnh phềnh. Khi biết đúng là ảnh hưởng của chất độc từ Formosa, cả làng bỏ ruộng muối. Nước độc rứa, làm muối ai mua? Độc rứa bán cho người ta ăn răng được?”- ông Thắng nói.

Nghề muối vốn không cần lắm đến sức vóc mạnh khỏe của trai trẻ. Người già, phụ nữ đều làm được cả. Mùa muối cũng là lúc bọn trẻ nghỉ hè nếu chúng phụ thêm bố mẹ, ông bà cũng kiếm đủ tiền đóng học. Năm nay, dân làng nghỉ làm muối, rảnh rỗi thời gian, thấy người lạ vào đồng muối, bà già con trẻ ùa ra hỏi thăm, kể khổ. “Formosa làm được chi không biết, nộp thuế bao nhiêu nỏ hay nhưng cả làng tui chừ khổ ra ri thì đã rõ. Làng tui gần nơi xả thải, biết khi mô mới trở về được với nghề?” – bà Nguyễn Bích Phận, diêm dân Kỳ Hà nói rồi cất bài ca về quê hương đồng muối.

Từ tâm chấn Formosa -  Bài 2: Chát mặn diêm dân - ảnh 1Chị Nguyễn Thị Tươi – một trong những hộ ít ỏi làm muối tại xã Kỳ Hà sau sự cố Formosa.

Cố ca hát, cố vui trong khổ sở thì những mối lo cơm áo gạo tiền vẫn còn nguyên đó. Ở một góc đồng muối, chị Nguyễn Thị Tươi là một trong những người hiếm hoi của thôn Bắc Hà còn cố làm muối để kiếm tiền trang trải. “Dân làng nhiều người không làm, nhưng cảnh nhà khó khăn, tôi cố làm để kiếm tiền đóng học cho con” – chị Tươi nói. Ít người làm, muối không nhiều nhưng vì muối sản xuất gần Formosa nên thương lái cũng đua nhau ép giá. Giá muối bán tại ruộng năm nay chỉ đạt 1.100 đồng/kg, trong khi mọi năm có lúc bán được 1.700 đồng/kg. Để kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày, chị Tươi phải nai lưng ra làm thêm nhiều ô muối hơn. Đồng bạc kiếm từ muối sau sự cố Formosa càng thêm chát mặn.

Biển chưa tẩy rửa, nói muối sạch khó tin?

Ông Lê Xuân Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết, dù ở phía Bắc của cống xả thải Formosa (theo công bố thì chất độc từ Formosa được dòng hải lưu cuốn vào phía Nam) nhưng xã Kỳ Hà vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố. Đầu tháng 4, bãi ngao của 9 hộ dân trong xã chết sạch. Cá của hai hộ nuôi cá lồng phơi bụng (khoảng 9.000 con). “Những ngày xảy ra sự cố, cán bộ xã xoay như chong chóng. Lo cho sự cố cá chết, ngao hư rồi mới quay ra được đồng muối” – ông Luyện kể.

Khi bắt đầu thấy người dân có dấu hiệu bỏ đồng muối, UBND xã cấp báo, đề nghị các cơ quan tỉnh khẩn cấp về lấy mẫu xét nghiệm. Quan trắc của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh về mẫu nước biển vào đầu tháng 6 cho thấy, bãi tắm xã Kỳ Ninh (giáp ranh với xã Kỳ Hà) có hàm lượng sắt vượt ngưỡng. Nhưng sau đó, các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép nên xã hô hào người dân ra đồng làm muối.

Ngoài ra, mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Cty Muối Hà Tĩnh đứng ra bao tiêu thu mua muối cho bà con với giá tại kho của công ty là 1.250 đồng/kg. Ba ngày một lần, Cty Muối Hà Tĩnh phải lấy mẫu xét nghiệm. Các mẫu gần đây đều không có tồn dư các chất độc tố Xyanua hay Phenol do Formosa thải ra. “Chúng tôi đã phát trên hệ thống truyền thanh xã các kết quả kiểm nghiệm, vận động bà con xuống đồng làm muối. Nhưng đến nay, hơn 30 ha đồng muối vẫn chưa được người dân canh tác. Vận động mấy, các hộ vẫn không tin” – ông Luyện cho biết.

Với dân Kỳ Hà, nghề muối gần như là kế sinh nhai duy nhất, cha ông truyền lại không dễ bỏ đi. Nhưng có điều, dù có công bố kết quả kiểm nghiệm nhưng cú sốc cá chết hàng loạt trên biển chưa thể cho họ lấy lại niềm tin. Diêm dân Nguyễn Bích Phận nói: “Trong đồng muối ni, cá chết, tôm chết đầy kênh vì nước độc, vậy những con số trong bản xét nghiệm đó có thể tin không? Các nước biển bị nhiễm độc, tẩy rửa mấy chục năm, mình chưa làm chi sao dám nói biển sạch?”.

Từ tâm chấn Formosa -  Bài 2: Chát mặn diêm dân - ảnh 2Đồng muối hư hại, bỏ hoang sau khi người dân nghỉ làm muối.

Gửi câu hỏi này đến ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, ông Vĩnh nói: “Bản thân tôi mong các nhà khoa học, ngoài các con số cần sớm lý giải rõ ràng, dễ hiểu cho người dân yên tâm ăn uống, sản xuất. Ví như, việc độc tố không còn có thể do biển không giống ao hồ, biển rộng độ hòa tan lớn, chỉ cần một cơn thủy triều chất độc cũng đã được giảm đi. Những kiến giải theo kiểu diễn nôm, dễ hiểu như thế, các nhà khoa học cần đưa ra để địa phương nói được với dân”.

Rời Kỳ Hà giữa những diêm dân hay hò vè, ca hát, họ đã kịp đặt và hát tặng chúng tôi những bài hát nói về nỗi khổ Formosa hôm nay và tiên lượng trong gần 70 năm nữa. Họ còn đặt những câu thơ về những người góp phần đưa Formosa gây hại cho miền Trung, cho đồng muối Kỳ Hà. Cái làm họ chưa tin là trong sự cố, diêm dân đã không được nhận những thông tin nhanh gọn, thấu đáo từ các cấp chính quyền. Ví như, việc ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố hùng hồn: Cá và nước biển ở Kỳ Anh an toàn! Những ứng xử như thế cũng làm cho dân làng muối luôn bao dung nhân ái đủ để tin.

_________________

(Còn nữa)

Ông Phan Duy Vĩnh, phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, vừa qua, các chính sách hỗ trợ đối với diêm dân đã được UBND tỉnh thực hiện thông qua việc hỗ trợ để bao tiêu muối; hỗ trợ gạo. Tới đây, khi Chính phủ triển khai các chính sách hỗ trợ từ tiền đền bù cho người dân, UBND thị xã cũng sẽ đề nghị đưa diêm dân vào diện được thụ hưởng.

Xã tan giấc mơ Nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND xã Kỳ Hà, tính từ tháng 4/2016 (thời điểm có sự cố Formosa), địa bàn xã có sự thay đổi về cơ cấu lao động. Ngoài một số ít ngư dân tiếp tục bám biển ra khơi; nhiều ngư dân đã bỏ thuyền lên bờ. Phần lớn ngư dân là nam thanh niên đi làm thuê tại các khu vực trên địa bàn thị xã Kỳ Anh. Một xu thế tương đối phổ biến là xuất khẩu lao động. Theo lãnh đạo UBND xã Kỳ Hà cho hay, từ sự cố Formosa đến nay, toàn xã có khoảng 30 người đi xuất khẩu lao động Đài Loan.

Lao động làm muối ở Kỳ Hà chủ yếu là nữ thanh niên, phụ nữ trung niên, người già và học sinh. Số lao động này ước khoảng 1.000 người. Ngoài làm muối, số lao động này có thể kiếm thêm thu nhập bằng việc bắt sò, nghêu ven bờ, buôn bán cá… Việc giải quyết công ăn việc làm cho số lao động phụ này rất khó khăn. “Thanh niên nam có thể chuyển đổi nghề, đi xuất khẩu lao động… nhưng để giải quyết việc làm cho những lao động như người làm muối hết sức đau đầu” – ông Nguyễn Xuân Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho hay.

Theo ông Luyện, Kỳ Hà sẽ hoàn tất các tiêu chí Nông thôn mới trong năm 2016. Tuy nhiên, từ ngày xảy ra sự cố, không cán bộ huyện, xã nào nhắc đến việc này nữa. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức chia sẻ động viên nhưng một bộ phận người dân vẫn không tin, anh em rất khổ tâm. Mong các tổ chức cơ quan có chương trình dự án gì giúp cho quê nghèo” – ông Luyện nói.

Sỹ Lực – Đức Anh