Phóng sự - Ký sự

Từ Ka Đay đến Kẻo Nưa

Trên đường từ biên giới về xuôi, vẫn còn lảnh lót những cụm ca từ ngợi ca người lính biên phòng: "… Anh là giáo viên dạy cho dân chữ, anh là thầy thuốc chữa cho dân lành…".

Coi các anh bộ đội như người thânTừ trung tâm huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh khoảng 30km, vượt đại ngàn đến với bản Rào Tre. Con đường đã cấp phối nhựa vào tận bản. Ba mươi nóc nhà lợp ngói nằm dưới chân núi Ka Đay, soi bóng bên sông Ngàn Sâu.Chúng tôi đến vào giờ Tổ công tác bản Rào Tre – thuộc Đồn biên phòng 575 – đang cùng bà con ra ruộng cấy hết diện tích còn lại. Thiếu tá Dương Thanh Tịnh nói: “Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong tổ, ngày là cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, đêm là thầy giáo dạy chữ. Quân y sĩ – đại uý Trần Tứ Phương, Thiếu uý Nguyễn Văn Ngọ vừa là thầy thuốc, vừa là thầy dạy cho bà con cày, bừa, cấy lúa, trồng rau, trồng cây… nghĩa là “xuyên tâm liên”. Người Mã Liềng trước đây, đời sống khó khăn và nhiều hủ tục lạc hậu khác… đã làm cho dân tộc này có nguy cơ bị diệt vong. Đầu năm 2001, Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh giao cho bộ đội biên phòng thực hiện đề án xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội ở bản Rào Tre nhằm bảo tồn dân tộc Mã Liềng. Thiếu tướng – Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam Võ Trọng Việt hồi đó là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh làm trưởng ban. Bộ đội biên phòng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể ở địa phương cử cán bộ, chiến sĩ mở chiến dịch tuyên truyền vận động và khám – chữa bệnh cho bà con. Sau đó lập tổ công tác thực hiện “ba cùng” với dân bản Rào Tre. Người dân Mã Liềng mắc nhiều dịch bệnh như sốt rét, lỵ, tả… do nghèo đói, lạc hậu, không có thuốc điều trị, tin là ma rừng, ma núi… làm tội, mời thầy mo cúng, nhiều người chết do bệnh dịch. Tổ công tác đến từng nhà tuyên truyền vận động bà con ăn chín uống sôi, ở vệ sinh, đồng thời khám bệnh cấp thuốc chữa bệnh cho dân. Lúc đầu dân chưa tin, có trường hợp đẻ ngược, thầy mo cúng mãi không được, bộ đội tổ chức đưa đi bệnh viện cấp cứu đã cứu được cả mẹ, con. Bà con bắt đầu tin bộ đội. Ròng rã hơn bảy năm, tổ công tác kiên trì bám trụ cầm tay chỉ việc cho bà con.Có những việc bộ đội phải làm đi làm lại nhiều lần, nhiều ngày dân mới hiểu và làm theo. Ông Trưởng bản Rào Tre nói với chúng tôi: “Bộ đội giúp bà con làm được nhiều việc, bây giờ bà con coi tổ công tác như người thân, một ngày không gặp, không trò chuyện là nhớ lắm! Từ chỗ hơn 85% mù chữ, đến nay bản đã có hơn 30 em đi học nội trú của huyện từ cấp tiểu học lên cấp THCS, trong số này đã có hai em Hồ Văn Kham và Hồ Thị Xuân hiện đang là sinh viên Trường Văn hoá – Nghệ thuật Quân đội ở Hà Nội. Trong tổng số 30 hộ, 120 khẩu thì 100% gia đình có vườn rau, vườn cây ăn quả. Với diện tích 2,5ha lúa nước cả bản, hằng năm bản Rào Tre thu hoạch từ 18 đến 20 tấn thóc. Từ chỗ không biết làm ra hạt gạo từ ruộng nước thì hiện nay bình quân lương thực là 18kg thóc/tháng. Từ 7 con trâu, bò do Nhà nước cấp ban đầu, nay cả bản đã có hơn 25 con trâu, bò; ngoài ra còn nuôi thêm được lợn, gà… Điện, nước đã về tận bản, nhiều hộ đã có tivi xem.Để có những căn nhà nhà khang trang cho bà con “an cư”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đóng góp từ hai đến ba ngày lương. Chỉ sau hai tháng, cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp gần hai nghìn ngày công khai thác, tận dụng 27m3 gỗ, 356m3 đá, vận chuyển 50 vạn viên ngói, 147 tấn ximăng; làm mới 4 nhà, tu sửa 19 nhà, xây dựng 1,4km đường bêtông trong bản, mua sắm các công cụ phục vụ sản xuất như: Cày, bừa, máy cày, máy tuốt lúa, tivi, loa truyền thanh, làm cầu vào bản… trị giá hàng trăm triệu đồng. Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị như đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân và tiểu đội dân quân. Đến nay, bản Rào Tre đã có chi bộ với hạt giống đỏ của người Mã Liềng là Hồ Kính, Hồ Thị Nam, Hồ Hải.

Tổ công tác bản Rào Tre cùng bà con người Mã Liềng, bản Rào Tre cấy lúa nước.

Sâu đậm tình hữu nghị Việt – Lào
Rời bản Rào Tre, chúng tội ngược quốc lộ 8 lên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, trong nắng xuân vừa xua tan mù sương trên đỉnh Kẻo Nưa.Dấu ấn đầu tiên của chúng tôi đối với đồn biên phòng Anh hùng này là lập được nhiều thành tích “đáng nể”, đặc biệt là đấu tranh với các loại tội phạm buôn bán, vận chuyển ma tuý, mua bán phụ nữ qua biên giới, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Trung tá – Chính trị viên Hà Ngọc Chiến cho biết: Trong những năm qua, Đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo khám phá 49 chuyên án, vụ án, bắt 54 đối tượng, thu gần 50 bánh heroin; 71.790 viên tân dược gây nghiện; 6,3kg cần sa… Chiến công của đồn có sự đóng góp của Đồn trưởng Võ Trọng Hải với thành tích hơn 100 lần đối mặt với tội phạm. Là một người có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, anh cùng đồn tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xây dựng các chuyên án. Cuối tháng 4.2007 đã bắt gọn tên Vừ Vã Tòng – sinh năm 1958, bản Pò Hạy, huyện Khăm Cớt, tỉnh Bôly Khămxay, với tang vật 19 bánh heroin, trọng lượng 6,5kg. Do xây dựng được mạng lưới bí mật, kết hợp thông qua hoạt động công tác đối ngoại biên phòng và các mối quan hệ an ninh với bạn Lào, sau gần 3 tháng phối hợp với lực lượng an ninh nước bạn, đã tìm ra manh mối đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán phụ nữ là Nguyễn Thị Hạnh – sinh năm 1969, thường trú tại khối 17 TP.Vinh, Nghệ An, đã đưa hàng chục cô gái quê sang bán cho các tụ điểm mại dâm trên đất Lào. Khám phá đường dây này, Võ Trọng Hải cùng đồng đội giải cứu cho 20 cô gái sa vào các ổ động mại dâm thoát nạn trở về quê nhà. Đồn trưởng Võ Trọng Hải là một trong ba điển hình cá nhân trong cả nước báo cáo tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tổ chức tại Hà Nội vừa qua.Vượt cửa khẩu Cầu Treo, chuội hết những con dốc thoai thoải khoảng 15 km đến bản Thoọng Pé, thuộc huyện Khăm Cợt, tỉnh BôLy Khămxay – miền trung Lào. Tiếp chuyện là Trưởng bản Xồng Nừng Cả, người Mông (bộ tộc Lào Xủng). Tưởng sẽ khó khăn trong giao tiếp, không ngờ sau cái bắt tay, chúng tôi nghe lời chào bằng tiếng Việt khá sõi của ông. Khi hỏi chuyện bộ đội Việt Nam xây dựng trạm y tế chữa bệnh cho bản Thoọng Pé, ông nói: “Nhiều người ở đây nói được tiếng Việt là nhờ bộ đội Việt Nam (VN). Trước đây, người dân bản Thoọng Pé sống lang thang trên những ngọn núi cao quanh năm mây phủ, lam lũ cực nhọc như con hoẵng, con nai. Thoọng Pé trước đây là vùng núi thâm u, cây cối rậm rạp. Sau ngày giải phóng, bà con rủ nhau xuống núi lập bản mới theo cách mạng. Buổi đầu lập bản, nhiều khó khăn lắm, vẫn lặp lại lối làm ăn cũ, phát rừng làm rẫy dốc và trồng cây anh túc. Mỗi vụ cả bản thu khoảng một tấn nhựa thuốc phiện, nhưng không ai giàu. Nhiều người ốm đau bệnh tật, có năm hơn 20 người chết do dịch tả, sốt rét, ngày nào cũng có đám ma.Không ngờ Thoọng Pé hôm nay hộ nào cũng có nhà to đẹp, no cơm, ấm áo, con em được đến trường học chữ, nhiều nhà mua được ôtô, xe máy thay cho đôi chân lam lũ truớc đây. Ông chỉ y sĩ Hùng – Trạm quân y Trạm biên phòng cửa khẩu Cầu Treo – nói: Những năm gần đây, người dân Thoọng Pé ốm đau được khám chữa tại trạm xá vừa được bộ đội xây dựng trị giá 600 triệu đồng. Bệnh nặng các anh cho đi các bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An để chữa. Nhiều người trong bản được bộ đội VN kịp thời cứu sống nay khoẻ mạnh như bà Coong Khăm – ở bản Na Pê, ông Pa Nhùa – 45 tuổi, bản Na Mì… Hiện nay, bản đã có 50 hộ mua được ôtô bằng sản xuất chăn nuôi theo mô hình mới, 80% số hộ nhà kiên cố, 100% hộ có tivi, xe máy. Ông chỉ cho chúng tôi ngôi trường lợp tôn đỏ, khang trang dưới chân núi nói: “Trước đây lũ trẻ 13-14 tuổi đã gả chồng, dựng vợ, nhưng nay chúng lo học cái chữ trước. Từ con số gần 100% mù chữ, nay đã có hơn 500 em học cấp 1-2, hơn 10 em học lên cấp 3 và đi học đại học tại Viêngchăn.Trên đường về vẫn còn lảnh lót cụm ca từ ngợi ca người chiến sĩ biên phòng trên miền biên ải: “…Anh là giáo viên dạy cho dân chữ, anh là thầy thuốc chữa cho dân lành… Hỡi anh! hỡi anh, bộ đội ơi!…”. Đại tá Nguyễn Trọng Thường – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh – hết sức kiệm lời so với thành tích hai lần Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân: “Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, thấm nhuần lời dạy của Bác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng Hà Tĩnh đã gắn bó suốt cuộc đời mình với biên cương xa xôi, trở thành người con của dân bản… Muốn xây dựng thế trận biên phòng vững chắc, nhất là tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giảm bớt khó khăn cho dân, cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt và nâng cao dân trí là trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP”.


La Minh

LD

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP