Giáo dục

Từ chuyện giám thị mang điện thoại vào phòng thi, nghĩ đến ý thức của giám thị

Vụ việc thầy giáo Nông Hoàng Phúc sử dụng điện thoại để tung đề thi môn Toán, Văn lớp 10 lên mạng khi mới hết 1/2 giờ làm bài trong khi đang coi thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội làm nhiều người phải thắc mắc, không hiểu vì sao một giáo viên lại có thể hành động như vậy?

Riêng tôi, từ trường hợp của thầy Nông Hoàng Phúc, tôi thấy nếu các Hội đồng thi THPT quốc gia cuối tháng 6 này không có những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ thì không ai dám chắc sẽ không có chuyện tương tự xảy ra. Chuyện giáo viên vi phạm quy chế thi, mang điện thoại vào phòng thi không phải không có mà chỉ là có bị phát hiện hay không mà thôi. Mức độ an toàn, nghiêm túc của mỗi kỳ thi phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên nhưng đáng lo ngại là điều này đang có vẻ như chuyện may rủi khi mọi chuyện gần như tùy thuộc vào tính tự giác, ý thức của mỗi giáo viên khi làm công tác coi thi.

Tôi đã từng tham gia công tác coi thi tuyển sinh đại học, thi THPT quốc gia. Từ thực tế mình trải qua, tôi cho rằng việc giám thị đem điện thoại vào phòng thi là việc hoàn toàn có thể xảy ra vì những lý do sau:

Thứ nhất, Hội đồng thi không có các phương tiện, máy móc hỗ trợ để kiểm tra mà chỉ dựa vào sự tự giác của cán bộ coi thi.

Trong buổi làm việc đầu tiên của Hội đồng thi, Chủ tịch Hội đồng có nhắc nhở tất cả thành viên nếu có đem điện thoại đến điểm thi thì phải tắt máy, cho vào thùng đặt ở phòng Hội đồng chứ không được mang trong người. Tuy nhiên, thực tế nếu có những thầy, cô nào mặc quần tây dáng suông, ống rộng hoặc váy dáng xòe có túi thì nếu có để điện thoại trong túi cũng chẳng ai phát hiện ra. Gần như không có thành viên nào của Hội đồng thi làm cái việc là nhìn vào túi quần/túi váy của giám thị để phát hiện xem có điện thoại hay không? Do đó, nếu giám thị cố tình tắt chuông rồi mang điện thoại vào phòng thi nhưng không sử dụng thì chắc chắn sẽ không bị phát hiện. Hội đồng thi không hề có các thiết bị soi chiếu giống như ở sân bay để phát hiện điện thoại trong người giáo viên mà chỉ có thể tin vào sự tự giác của giáo viên coi thi mà thôi.

Thứ hai: Một số giám thị (đặc biệt là giáo viên phổ thông) còn chủ quan trong việc chấp hành các quy định.

Từ kinh nghiệm cùng coi thi với các giáo viên phổ thông tôi phát hiện rằng một số giáo viên rất chủ quan, xem nhẹ việc phải chấp hành nghiêm túc các quy định khi làm công tác coi thi nên thường hay mắc các lỗi mà họ cho rằng không có gì là to tát, nghiêm trọng. Cụ thể: gọi thí sinh vào phòng khi chưa đến giờ và chưa có hiệu lệnh bằng trống hoặc chuông, đứng gần và đọc bài làm của thí sinh, kiểm tra đối chiếu không kỹ các thông tin trên các loại giấy tờ của thí sinh như Thẻ dự thi, CMND, cho thí sinh nộp bài xong về luôn thay vì phải thu hết bài của cả phòng, kiểm đếm xong rồi mới cho thí sinh về…. Chính sự chủ quan, xem thường các quy định của một số giáo viên coi thi dẫn đến việc họ vi phạm quy chế thi và đẩy những người làm đúng rơi vào thế khó xử.

(ảnh minh họa)

Năm 2017, khi đi coi thi THPT quốc gia, tôi đã rơi vào 2 tình huống mà nếu không bình tĩnh sẽ dẫn đến gây ảnh hưởng xấu cho nhiều người khác.

Tình huống 1: Tôi rất băn khoăn thắc mắc khi trên danh sách thí sinh chỉ 19 tuổi nhưng người thật thì nhìn già như thể 30 tuổi. Tôi đã nhắc giám thị 2 kiểm tra các giấy tờ của thí sinh nhưng giám thị 2 sau khi kiểm tra đã trả lời không vấn đề gì, có lẽ do vất vả nên già trước tuổi. Tôi nghi ngờ có lẽ thí sinh này dùng giấy tờ giả để đi thi hộ nên trước khi nhờ anh an ninh vào kiểm tra, tôi trực tiếp kiểm tra lại thì phát hiện ra Thẻ dự thi sinh năm 1998 nhưng CMND lại là 1989. Tôi hỏi và thí sinh trả lời do Thẻ dự thi bị sai và thí sinh đã báo lại với Hội đồng thi nhưng Hội đồng chưa sửa. Đến lúc đó anh giám thị 2 chỉ cười nhận lỗi vì đã xem giấy tờ của thí sinh mà không phát hiện ra.

Tình huống 2: Khi ghi xong số báo danh lên bàn, giám thị 2 đòi gọi thí sinh vào phòng thi nhưng tôi không đồng ý vì lúc đó chưa đến giờ quy định. Anh giám thị 2 tỏ thái độ không hài lòng, nói tôi “làm gì mà dữ vậy, gọi vào sớm vài phút thì có sao?”. Tôi cương quyết không đồng ý vì cứ đúng quy định mà làm nên anh giám thị 2 giận và bỏ ra sân trường ngồi hóng mát. Đến giờ gọi thí sinh vào phòng thi, tôi gọi nhưng anh ta vẫn không chịu vào nên 1 mình tôi phải vừa gọi vừa đối chiếu ảnh, thẻ khi cho thí sinh vào phòng trong khi theo đúng quy chế việc này phải do 2 người làm. Sau đó, khi bắt đầu giờ làm bài anh giám thị 2 không ngồi ngoài sân nữa nhưng cũng không chịu vào phòng mà chỉ lấy ghế ngồi ngoài cửa sổ. Cho đến khi có đoàn kiểm tra của Bộ, Sở đến, anh mới vào phòng ngồi. Nhìn thái độ khó chịu của anh giám thị 2, tôi đoán có lẽ anh ta đang nghĩ tôi muốn thể hiện ta đây là giảng viên đại học đi coi thi nên cứ thích làm quá, quan trọng hóa vấn đề.

Ai cũng có thể mắc sai sót khi làm việc nhưng nếu như biết sai mà vẫn cố làm kiểu như bất chấp quy định, vẫn mang điện thoại vào phòng thi như thầy Nông Hoàng Phúc là việc không thể chấp nhận được. Hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật nhưng đây cũng là một bài họ c để các Hội đồng thi khác sẽ phải có biện pháp để giám sát cán bộ coi thi chặt chẽ hơn thay vì chỉ dựa vào sự tự giác của giáo viên như hiện nay.

Tác giả: Như Bình

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP