Giáo dục - Đào tạo

Trường đại học Việt Nam đề xuất gì với nữ hiệu trưởng Harvard?

Đại diện trường đại học Việt Nam sẽ đề xuất trao đổi vấn đề phát triển bền vững của Đồng bằng Sông Cửu Long dưới góc nhìn khoa học xã hội nhân văn.

Ngày 23/3, GS Drew Gilpin Faust, hiệu trưởng thứ 28 của Đại học Harvard, Mỹ thuyết trình trước sinh viên, giảng viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Đây là lần đầu tiên hiệu trưởng đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như Harvard ghé thăm và trò chuyện cùng sinh viên Việt Nam.

PGS.TS Võ Văn Sen – hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) – nhận định sự kiện là dấu mốc đối với ngành giáo dục Việt Nam, hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nó thể hiện sự đánh giá cao của phái đoàn Harvard đối với sự phát triển khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam.

GS Faust là hiệu trưởng đầu tiên của Harvard chưa từng học trong trường nổi tiếng thế giới này. Năm 2014, bà được tạp chí Forbes bình chọn là phụ nữ quyền lực thứ 33 trên thế giới. Ảnh: Harvard University.

“Tôi rất vui mừng và vinh dự khi dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường lại nhận được đề nghị từ phái đoàn Harvard chọn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM là điểm đến trong chuyến thăm Việt Nam lần này của GS Drew Gilpin Faust”, ông Sen chia sẻ.

Theo kế hoạch, bà Faust sẽ diện kiến PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM và làm việc với PGS.TS Võ Văn Sen về tiềm năng và những hướng quan trọng, ưu tiên hợp tác giữa hai trường đại học.

Trường Nhân văn sẽ đề xuất trao đổi vấn đề phát triển bền vững của Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh nhiều biến đổi dưới góc nhìn khoa học xã hội nhân văn. Đồng thời, hai bên thảo luận về sự đổi mới và phát triển của giáo dục trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Bạn Ánh Tú, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tâm sự: “Mình hy vọng bà sẽ truyền cảm hứng sáng tạo cho sinh viên từ kinh nghiệm và bài học của chính bà – một bông hồng thép”.

Nếu đạt được sự đồng thuận cao, hai trường sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình hợp tác, trao đổi khoa học dài hơi, tạo điều kiện để các nhà khoa học, giới nghiên cứu Việt Nam được tiếp xúc ngôi trường có lịch sử nghiên cứu khoa học xã hội hàng đầu thế giới.

Cũng theo ông Sen, trước đó, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã hợp tác nghiên cứu khoa học với Đại học Harvard trong nhiều năm.

Harvard đã cung cấp hơn 50 suất học bổng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho cán bộ, giảng viên của trường, cũng như nhiều chương trình học ngắn hạn, trao đổi học giả.

Chuyến thăm lần này của hiệu trưởng Harvard là bước phát triển, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên cơ sở đã có giữa hai trường.

“Đây cũng là cơ hội để sinh viên tiếp xúc trực tiếp với học giả nổi tiếng thế giới. Hy vọng với những phát biểu mang tính gợi mở của hiệu trưởng Harvard, sinh viên và giảng viên của trường sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo. Từ đó, các em vạch ra những con đường mới và biết phải làm gì với tương lai của mình”, PGS Sen nói.

GS Drew Gilpin Faust là người có nhiều nghiên cứu về các vấn đề lịch sử của nước Mỹ, trong đó không ít công trình xoay quanh cuộc nội chiến của nước này (1861-1865).

Trong chuyến thăm Việt Nam, hiệu trưởng Harvard hy vọng sinh viên ngành khoa học xã hội nhân văn sẽ có nhiều mối quan tâm và chia sẻ cảm xúc cùng bà về cuộc nội chiến nước Mỹ, cũng như góp phần hàn gắn sau chiến tranh Việt Nam.

Minh Nhật/Theo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP