Khoa học

Trung Quốc mua gen quý: ‘Việt Nam mất bò chưa lo làm chuồng’

Thương lái đẩy mạnh thu mua các cây trồng quý hiếm với giá cao, song chưa có động thái cho thấy việc bảo vệ cây trồng, nguồn gen quý được đưa ra.

Trao đổi với báo Đất Việt, GS. TS. NGND.Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam đã lý giải cụ thể nguyên nhân, hậu quả của tình trạng trên đồng thời cũng đưa ra những giải pháp để bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen quý hiếm.

Thương lái nước ngoài thu mua, người dân Việt Nam tận diệt

Các thương lái đẩy mạnh việc thu mua các loại cây trồng, cây dược liệu quý hiếm với giá cao đã khiến người dân tại nhiều địa phương ồ ạt đi chặt phá, thu gom, nhiều loại cây đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

GS TS Nguyễn Lân Dũng cho biết, nước ngoài có điều kiện hơn Việt Nam về nghiên cứu khoa học nên họ đã thực hiện những công trình nghiên cứu rất lớn điều tra khả năng chống ung thư của các loài thực vật. Trong số này có 50 loài cây hiện diện ở Việt Nam.

“Tôi đã công bố trên mạng danh mục, tên khoa học và hình ảnh của 50 loài cây này nhưng rất ít nhà khoa học và nhà quản lý cây dược liệu quan tâm. Vậy nhưng người nước ngoài lại hết sức quan tâm. Họ đưa nhiều người sang lùng sục và mua với giá cao nhiều loài có tác dụng cao trong điều trị ung thư. Đặc biệt là cây Bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa), tên khoa học là Paris polyphylla”, GS TS Nguyễn Lân Dũng nói.

GS TS Nguyễn Lân Dũng cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn hầu như người dân đã tìm kiếm và bán cho người nước ngoài. Trong tài liệu nước ta cây này tuy có tên nằm trong Sách Đỏ nhưng chỉ biết đến tác dụng chữa rắn độc, ho lao, hen suyễn, mụn nhọt, viêm tuyến vú, loét tai, sốt rét, viêm gan …

Họ nghiên cứu thấy có tác dụng chữa ung thư nên tim mọi cách để thu mua. Một số người lợi dụng thông tin này đã dùng các cây gần giống (cây Lưỡi rắn) và sấy khô để bán cho bệnh nhân ung thư và tất nhiên là không có hiệu quả.

Gần đây đã có người tổ chức trồng cây này tại Lào Cai nhưng phải tốn rất nhiều công sức để bảo vệ và cũng còn với số lượng rất nhỏ. Còn bao nhiêu loài cây thuốc khác đang bị đồng bào dân tộc ít người vào rừng tìm kiếm để bán ra nước ngoài.

GS. TS. NGND.Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam
GS. TS. NGND.Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam

“Ta thiếu hẳn các công trình nghiên cứu về 50 loài cây này và càng không tuyên truyền rộng rãi để nhân dân bảo vệ và phát triển. Mặt khác thiếu các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc tận thu để bán cho người nước ngoài, điều này cho thấy ngay cả khi Việt Nam đã mất bò vẫn chưa lo làm chuồng.

Vì vậy, Việt Nam phải có chính sách lưu giữ nguồn gen, tạo dựng quỹ gen để bảo vệ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và được trao đổi theo các thông lệ quốc tế”, GS TS Nguyễn Lân Dũng nói.

Theo GS TS Nguyễn Lân Dũng, việc trao đổi nguồn gen là chuyện bình thường nhưng phải là chuyện hai bên cùng có lợi. Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật (VTCC) thuộc Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh hoac (ĐHQG Hà Nội) là thành viên của Liên đoàn các Bảo tàng giống vi sinh vật thế giới (WFCC) đã được Nhà nước đầu tư để đạt trình độ quốc tế trong việc bảo vệ nguồn gen vi sinh vật, nhất là đối với các loài phân lập ở Việt Nam và được xác định là mới với thế giới.

GS TS Nguyễn Lân Dũng kể lại câu chuyện ông cùng Chủ tịch Quốc hội đã từng đến Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI đặt tại Philippines.

Ông nói: “Tôi rất ngạc nhiên vì ở đó họ đã lưu giữ vài chục giống gạo Tám thơm của Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội nói chúng tôi vẫn cố gắng giữ nhưng nếu mất đi có thể xin lại được không, Viện trưởng Viện IRRI trả lời rằng bất kỳ công dân nào trên thế giới xin đều có thể cho nhưng số lượng rất ít, chỉ là một hộp nhỏ được lưu giữ trong hộp nhôm ở điều kiện nhiệt độ thấp.

Họ lưu giữ rất công phu, sau mấy năm phải trồng lại, xem tỷ lệ nảy mầm và đặc điểm di truyền rồi mới lấy hạt bảo quản tiếp. Muốn lưu giữ giống quý như thế phải tốn rất nhiều công sức và kinh phí, vì vậy chúng ta nên tận dụng một viện nghiên cứu lớn như vậy để góp phần lưu trữ các giống lúa quý của chúng ta”.

GS TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, một mặt Việt Nam phải bảo vệ các giống cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp và cây dược liệu của mình và cố gắng nâng cao năng suất, chất lượng để không thua kém so với các nước khác.

Đồng thời cũng là để trao đổi một cách chính thức theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Nếu để thương lái nước ngoài tìm cách mua ngầm với số lượng lớn các nguồn gen quý hiếm thì rất có hại và không có lại bất kỳ một lợi ích gì, thậm chí có khi đến mức tuyệt chủng với một số các loài cây đã được xác định trong Sách Đỏ.

Địa phương giám sát chặt chẽ

Lý giải nguyên nhân các thương lái nước ngoài ồ ạt thu mua nhiều loại cây trồng quý hiếm, cây dược liệu diễn ra trong thời gian dài và với nhiều loại cây trồng khác nhau, GS TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, do người dân vừa nghèo vừa tham, không nghĩ đến lợi ích của đất nước mà chỉ nghĩ đến lợi ích nhất thời của cá nhân mình.

Thương lái ồ ạt thu mua các loại cây quý hiếm, cây dược liệu địa phương cần giám sát chặt chẽ
Thương lái ồ ạt thu mua các loại cây quý hiếm, cây dược liệu địa phương cần giám sát chặt chẽ

Điều này đặt ra yêu cầu, người dân phải được giác ngộ, phải hiểu biết về các loài sinh vật quý hiếm (kể cả động vật, chẳng hạn như loài cá cóc Tam Đảo đang bị bán ra nước ngoài và có nguy cơ tuyệt chủng).

Bên cạnh đó phải có tác động của Chính phủ thông qua các điều luật rất cụ thể và với sự kiểm tra chặt chẽ của các ngành chức năng ở các cửa khẩu và tại từng địa phương.

“Chúng ta đã bị thiệt hại rất nhiều trong việc thu gom gỗ Sưa với giá tiền tỷ, sau một thồi gian khi có nhiều người ham lợi bỏ tiền thu mua với số lượng lớn thì lại không thấy thương lái nước ngoài xuất hiện.

Còn những chuyện kỳ lạ như thu mua rễ Hồi, thu mua hoa Thanh Long (để phá hoại sản xuất),thu mua Chè Thái chất lượng thấp (để bêu xấu ta)… không có lý gì mà ta không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Cũng có khi thông tin không chính xác ảnh hưởng đến việc thu mua có lợi cho cả hai bên.

Ví dụ việc Nhật Bản thu mua lá vải rụng (sau khi đã thu hoạch vải) để chuyển về nước sản xuất phân bón hữu cơ. Câu chuyện này chỉ bất hợp lý là tại sao ta có sẵn mà không chế biến để giảm dần lượng phân bón vô cơ trong nông nghiệp”, GS TS Nguyễn Lân Dũng nói.

Vừa qua một số địa phương đã ra văn bản nghiêm cấm việc thu mua, vận chuyển các loại giống cây trồng thuộc danh mục cây trồng quý hiếm. Theo GS TS Nguyễn Lân Dũng, văn bản đã có, nội dung cũng quy định cụ thể nhưng điều quan trọng là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương.

“Người dân nghèo bán những thực vật, động vật quý hiếm, nếu áp dụng việc xử phạt đúng theo luật thì lấy tiền đâu ra để nộp phạt. Vì vậy theo tôi chỉ nên phạt những người đứng ra tổ chức thu gom và các thương lái nước ngoài vào nước ta sai mục đích ” GS TS Nguyễn Lân Dũng nói.

Nguyên Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP