Trung Quốc

Trung Quốc biến 6 bãi đá thành đảo ở biển Đông

Các nhà phân tích nhận định, các hoạt động ráo riết xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông khả thi nhờ nguồn lực vượt trội của nước này. Theo họ, việc tăng cường xây dựng đảo nhân tạo và hạ tầng tạo sự hậu thuẫn mạnh hơn cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Chiến dịch độc chiếm biển Đông của Trung Quốc vừa tiến thêm một bước mới; những hình ảnh vệ tinh cho thấy 6 bãi đá ở quần đảo Trường Sa đã được nước này bồi đắp (trái phép) thành các hòn đảo nhân tạo trong 6 tháng qua, báo Đài Loan Want Daily đưa tin.
Ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng, mở rộng bãi đá Gạc Ma. Nguồn: Getty Images Ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng, mở rộng bãi đá Gạc Ma. Nguồn: Getty Images
Từ tháng 2, Trung Quốc đã ráo riết điều động các đội xây dựng tới các bãi đá mà nước này chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1988. Theo các nguồn tin, Gạc Ma (Johnson South), Gaven, Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross), Tư Nghĩa (Hughes) và Én Đất (Eldad) vừa được cải tạo thành các hòn đảo và được chính quyền Trung Quốc “khai sinh” trong tháng 7.

Hình ảnh vệ tinh chụp đá Gạc Ma trong tháng 7 cho thấy, Trung Quốc xây thêm một cầu tàu, đường giao thông, các tòa nhà và trồng nhiều hàng dừa. Họ đã biến một rạn san hô trước đó chủ yếu là đá và cát thành một hòn đảo hình quả táo màu trắng. Hình ảnh của Google Earth chụp cuối tháng 6 cho thấy một số lượng lớn thiết bị xây dựng trên hòn đảo nhân tạo này.

“Trong khi các nhà lãnh đạo chính trị của chúng tôi còn bận tranh cãi, thì ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi biển Đông), chúng tôi đang mất dần nhiều phần lãnh thổ trước sự xâm lấn của Trung Quốc”, một quan chức an ninh cấp cao của Philippines bức xúc.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tuần trước xác nhận rằng, hoạt động cải tạo bãi đá của Trung Quốc ở biển Đông vẫn đang tiếp diễn và ông tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh giảm căng thẳng trong vùng biển tranh chấp.

Tổng thống Aquino cũng cho biết, Philippines sẽ tiếp tục thúc đẩy vụ kiện Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển và đẩy mạnh việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông.

Tạp chí Quốc phòng Quốc tế Janes (Anh) ngày 29/8 đưa tin, nhằm củng cố sự hiện diện trong khu vực tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc đang kéo dài đường băng và xây dựng lại một cảng biển ở Phú Lâm – đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Những hình ảnh vệ tinh chụp trong giai đoạn 2005-2011 cho thấy Trung Quốc xây dựng một cảng mới ở phía tây quần đảo. Các hình ảnh mới cho thấy, từ tháng 10/2013, Trung Quốc cải tạo đất, xây lại cảng và hạ tầng cơ sở khác trên đảo, bao gồm kéo dài đường băng trên đảo Phú Lâm từ 2.400m lên 2.800m.

Việc nối dài đường băng cho phép không quân Trung Quốc hoặc lực lượng không quân của hải quân nước này vận hành các loại máy bay cỡ lớn như máy bay ném bom chiến lược Tây An H-6, máy bay vận tải hạng nặng Ilyushin Il-76.

Theo tạp chí Janes, động thái trên nhằm củng cố chiến lược sử dụng đảo như một căn cứ quân sự để quân đội Trung Quốc mở rộng phạm vi tác chiến xuống biển Đông.

Trung Quốc có thể sẽ sử dụng Phú Lâm làm căn cứ phục vụ các chiến dịch cấm đoán trên biển, chẳng hạn quy định cấm đánh bắt cá do Bắc Kinh đơn phương áp đặt hoặc có thể phong tỏa tàu bè qua lại trong khu vực.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP