Thế giới

Trump có thực sự “hoàn thành nhiệm vụ” sau cuộc tấn công Syria?

Giới phân tích cho rằng, dù ông Trump tuyên bố nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng những gì ông làm được ở Syria chỉ là con số 0.

Sau nhiều suy tính, ngày 14/4, Mỹ đã quyết định hành động để đáp trả vụ tấn công vũ khí hóa học mà Washington cho là Chính phủ Syria đứng đằng sau ở Douma, Đông Ghouta trước đó một tuần. Mỹ, Anh và Pháp đã đồng loạt khai hỏa, bắn hơn 100 quả tên lửa nhằm vào các mục tiêu ở Syria và giới chức Mỹ mô tả vụ tấn công này đã làm suy yếu chương trình vũ khí hóa học của chế độ Assad.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định cùng đồng minh tấn công tên lửa nhằm vào Syria sau nhiều đồn đoán. Ảnh: Washington Post.

Cuộc tấn công ngày 14/4 khiến người ta nhớ đến “cơn mưa” tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ dội vào một căn cứ không quân Syria ở Homs ngày 6/4/2017. Cuộc tấn công tên lửa hồi năm 2017 cũng được tiến hành sau cáo buộc lực lượng của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học. Điểm khác là lần này, Mỹ có sự trợ giúp của các đồng minh thân cận là Anh và Pháp.

Trong khi truyền thông Nga và Syria cho biết, lực lượng phòng không “già cỗi” của Syria đã bắn hạ hầu hết các tên lửa tối tân của Mỹ và đồng minh thì Tổng thống Trump vẫn tuyên bố “Nhiệm vụ đã hoàn thành!”.

Đó là một cụm từ không may mắn cho bất kỳ vị Tổng thống Mỹ nào với những tham vọng địa chính trị ở Trung Đông, điều này dường như đặc biệt đúng với trường hợp của Tổng thống Trump bởi theo giới quan sát, thực tế là ông Trump chẳng đạt được thành tựu gì tại khu vực này kể từ khi lên nhậm chức.

Vẫn còn nhiều hoài nghi về tính chính xác của thông tin về những gì đã bị phá hủy trong cuộc tấn công “rất hạn chế” của Mỹ và đồng minh hôm 14/4, cùng lúc đó lại xuất hiện những thông tin cho rằng năng lực vũ khí hóa học của lực lượng Assad vẫn còn nguyên vẹn.

Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống Syria đã xuống đường ở Damascus, giơ cao quốc kỳ và chân dung của nhà lãnh đạo Assad.

Những người ủng hộ ông Assad đương nhiên có cớ để ăn mừng. Nhà báo Liz Sly của Washington Post cho rằng, cuộc tấn công được mô tả tại Syria như một chiến thắng của ông Assad bởi phạm vi, quy mô hạn chế của nó cho thấy các cường quốc phương Tây không có ý định thách thức vị trí lãnh đạo của ông Assad.

Người dân Syria đổ ra đường thể hiện sự ủng hộ với ông Assad sau cuộc tấn công tên lửa của Mỹ và đồng minh. Ảnh: AFP/Getty.

Hôm 15/4, quân đội Syria tuyên bố rằng họ đã kiểm soát hoàn toàn Đông Ghouta. Khu vực ngoại vi thủ đô Damascus này đã bị lực lượng Chính phủ Syria bao vây trong nhiều năm. Nơi đây từng nhiều lần là địa bàn bị cáo buộc xảy ra các vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học, bao gồm cả vụ tấn công ở Douma trong tháng này làm hàng chục dân thường thiệt mạng, dẫn đến đòn không kích của Mỹ và đồng minh.

Sau sự cố ở Douma, các tay súng nổi dậy đã đầu hàng và được phép di tản khỏi khu vực. Dựa trên thực tế ở Đông Ghouta, các quan chức Syria khẳng định khu vực này đã “sạch bóng khủng bố”.

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của ông Trump

Kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump không ngần ngại thể hiện quan điểm cho rằng Syria rơi vào tình cảnh như hiện nay một phần là vì Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama đã không quyết đoán khi Chính quyền Assad “vượt giới hạn đỏ” hồi năm 2013.

Câu hỏi đặt ra là quyết định của ông Trump cùng đồng minh đánh Syria thật sự mang lại điều gì? Theo đánh giá của giới quan sát, đòn đánh này phần nhiều phản ánh những thất bại của Mỹ ở Syria. Trong đó có sự thiếu vắng một chiến lược thực sự và hơn thế nữa, nó cho thấy thái độ cương quyết của Mỹ chẳng thể cản bước tiến của lực lượng Assad.

“Tổng thống Trump rơi vào tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ khi sức mạnh và lòng quyết tâm đôi khi không dẫn tới một chiến lược sâu sắc về Syria. Nếu ông Assad phớt lờ vụ tấn công có phần hạn chế và tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học [như cáo buộc của phương Tây-ND], ông Trump sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn. Tổng thống Mỹ có thể leo thang chiến sự, đẩy Chính phủ và quân đội Mỹ vào một cuộc xung đột đầy hỗn loạn mà chính ông từng nói rất muốn rút lui. Hoặc ông có thể án binh bất động và chấp nhận mang tiếng yếu ớt”, nhà báo Greg Jaffe của Washington Post nhận định.

Ông Obama cũng từng phải đối mặt với tình huống này và đã cố gắng tìm cách tháo gỡ nút thắt bằng cách ủng hộ phe nổi dậy ở Syria với những lô vũ khí trị giá hàng tỷ USD cùng nhiều gói viện trợ khác trong khi vẫn giữ không để quân đội Mỹ tham gia quá sâu vào xung đột.

Tổng thống Trump có cách tiếp cận khác khi chấm dứt hỗ trợ cho phiến quân và có ý định rút quân ra khỏi Syria. Mặc dù “nhiệt tình” trong việc tiến hành tấn công Syria hôm 14/4 nhưng có vẻ như ông Trump chẳng có chút quan tâm nào đến kết thúc cuối cùng của cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này.

Điều này làm nản lòng một số đảng viên hàng đầu trong đảng Cộng hòa và gây ra những hoài nghi liên quan đến cuộc tấn công mới nhất của Mỹ và đồng minh.

“Tôi sợ khi tình hình đã lắng dịu, cuộc tấn công tên lửa này sẽ được coi là một phản ứng quân sự yếu ớt và ông Assad sẽ phải trả một cái giá quá rẻ cho những gì mà ông ấy gây ra”, Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham bình luận.

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quyết định của Tổng thống Mỹ tấn công tên lửa nhằm vào Syria. Trong khi một số chỉ trích ông Trump đã quá nương tay dù quân đội Mỹ hoàn toàn có thể phá nát hệ thống phòng không của Syria thì cũng có người ủng hộ ông kiềm chế để tránh nguy cơ phát sinh những xung đột tiềm tàng có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.

Dù có là ý kiến nào thì sự kiện Mỹ và đồng minh tấn công Syria cuối tuần qua cũng cho thấy một thực tế, đó là phạm vi hoạt động bị bó hẹp của lực lượng Mỹ trong cuộc chiến khốc liệt đến nghiệt ngã ở Syria.

Ahmed Primo, một nhà báo và đồng thời là một nhà hoạt động xã hội ở thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ chua chát nói: “Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa. Sau 7 năm chiến tranh, giờ đây tôi nghĩ rằng không ai có thể giúp người dân Syria thoát khỏi nỗi đau cùng cực hiện nay”.

Tác giả: Hùng Cường

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: tấn công Syria , Mỹ , không kích

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP