Tin Hà Tĩnh

Trồng lúa cả vụ không mua được 3 bát phở, dân đua nhau trả ruộng

Chi phí đầu tư cao, trong khi thu nhập thấp nên nhiều người dân ở tỉnh Hà Tĩnh đua nhau trả ruộng, bỏ ruộng ngày càng gia tăng dẫn đến nhiều diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang.

Đua nhau bỏ, trả ruộng

Chi phí đầu tư cao, trong khi thu nhập thấp nên nhiều diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang.

Xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, mấy tháng trở lại đây, từ xóm đến xã đang phải đau đầu với những cuộc họp liên miên nhằm xử lý tình trạng người dân đua nhau trả ruộng. Vốn là một xã thuần nông nghiệp, có 238ha diện tích đất trồng lúa, thì đến nay, người dân trong xã đã viết đơn trả hơn 40ha, và số đơn xin trả vẫn đang có dấu hiệu tăng lên.

Dạo một vòng quanh những cánh đồng xã Tùng Ảnh mùa này, dễ dàng nhận thấy nhiều mảnh ruộng cỏ lác mọc um tùm, tươi tốt vì đã bị bỏ hoang từ lâu. Ông Lê Doãn Lợi, Phó chủ tịch xã Tùng Ảnh cho biết, trước đây chỉ những nơi trũng, thấp, dễ ngập nước khó gieo cấy thì mới bị trả lại thì nay kể cả những mảnh đất màu mỡ, dễ canh tác cũng bị người dân thi nhau trả.

“Mặc dù xã đã chỉ đạo xóm tổ chức các cuộc họp tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về giống, kiên cố hóa hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu… nhưng không thể làm giảm được tình trạng bỏ ruộng, trả ruộng của người dân. Vì vậy, việc hoang hóa đồng ruộng và lãng phí đất sản xuất đang ngày càng gia tăng tại địa phương”, ông Lợi cho biết.

Tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng cũng xảy ra ở 18 xã khác của huyện Đức Thọ, nhiều nhất tại các xã Trường Sơn, Đức Dũng, Đức Tùng, Đức Lập, Đức Nhân, Thái Yên… với diện tích hơn 73ha và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên.

Trước tình trạng này, hiện các địa phương đang tích cực thực hiện việc dồn đổi ruộng đất của những cá nhân, hộ gia đình không còn nhu cầu sử dụng để tạo thành những cánh đồng lớn. Từ đó, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức có khả năng và nhu cầu vào đấu thầu để sản xuất. Tuy nhiên, với tình trạng ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, việc dồn điền đổi thửa thực sự vẫn còn là bài toán nan giải khiến các địa phương gặp khó trong quá trình thực hiện.

Khi “tấc đất” không là “tấc vàng”

Nhiều nông dân ở Hà Tĩnh đã quay lưng với nghề làm ruộng

Ông Phan Nho Cường (thôn Châu Trinh, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) có 4 người con nay đã lập gia đình và ở riêng. Hiện tại vợ chồng ông có 3 sào ruộng nhưng đang gửi nhờ cho người bà con làm hộ, nay họ cũng không còn mặn mà. Hiện cả hai vợ chồng ông Cường cũng đã có tuổi, nên ông đang làm đơn trả lại ruộng cho Nhà nước.

“Con cái đã trưởng thành, đứa ở gần tôi nhất cũng lựa chọn mở cửa hàng tạp hóa để buôn bán chứ không muốn làm ruộng. Với lại, làm ruộng bây giờ phải thuê hết nên không ăn thua. Tôi đang viết đơn trả ruộng để về tập trung cho mảnh vườn nhỏ. 1 luống rau cải 1 tháng đã có thể hái bán, trong khi làm ruộng phải mất 5, 6 tháng mới cho thu hoạch mà thu nhập lại thấp hơn. Vậy thì tại sao tôi lại phải bám lấy ruộng để làm?”, ông Cường chia sẻ.

Còn theo ông Mai Xuân Mỹ (thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh), những trường hợp trả ruộng ở địa phương thường rơi vào các gia đình chỉ còn bố mẹ già, không còn đủ sức sản xuất. Trong khi đó con cái đều muốn li nông.

Tuy nhiên, theo hầu hết người dân, lý do chính khiến người nông dân trả ruộng là do chi phí đầu tư quá cao, trong khi thu nhập đưa về lại quá thấp. Trước đây nông dân làm ruộng là tự làm hết tất cả các khâu, lấy công làm lời nhưng hiện nay phải thuê tất cả.

Theo tính toán của người dân nơi đây, để làm 1 sào ruộng (khoảng 500m2) thì phải chi phí các khoản gồm: Tiền giống 100 nghìn đồng; tiền phân bón 300 nghìn đồng; tiền thuê cày bừa 200 nghìn đồng; tiền vôi 50 nghìn đồng; tiền công cấy 500 nghìn đồng; tiền thuê máy gặt 120 nghìn đồng; tiền thuốc bảo vệ thực vật 50 nghìn đồng và sau vụ mùa, tiền nộp sản phẩm cho nhà nước là 150 nghìn đồng mỗi sào. Như vậy, tổng chi phí mỗi sào ruộng cho mỗi vụ sẽ hết khoảng 1.470.000 đồng.

Trong khi đó, 1 sào ruộng sau khi gặt bán xong sẽ thu về được khoảng 1.800.000 đồng, trừ đi chi phí bỏ ra, lợi nhuận từ mỗi sào được khoảng 330 nghìn đồng. Nếu là vụ Đông Xuân, chia đều cho 4 tháng sản xuất thì thu nhập mà người nông dân có được sẽ là 82.500 đồng/sào/vụ, số tiền này chưa mua được 3 bát phở với giá trung bình 30.000 đồng/bát như thời điểm hiện tại. Đó là chưa kể những năm mất mùa vì dịch bệnh, như bệnh đạo ôn cổ bông vào năm 2016.

Thu nhập từ ruộng thấp, trong khi đi làm thuê, một ngày công bây giờ ít nhất cũng đã 200.000 đồng đến 300.000 đồng/người. Vì vậy, xu hướng của người dân lựa chọn là đổ về các thành phố hoặc kiếm việc làm thuê ở ngay nông thôn chứ không còn coi ruộng đất là ưu tiên hàng đầu để kiếm sống.

Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ cho rằng, thực trạng nông dân trả ruộng là một xu thế tất yếu. Hiện nay muốn phát triển kinh tế nông nghiệp, phải sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa trên diện tích sản xuất lớn. Trong khi đó ruộng đất của người dân hiện nay quá manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ dân chỉ có mấy sào ruộng, lại nằm rải rác nên thu nhập đưa về sẽ rất thấp.

Việc dồn đổi ruộng đất đang là một trong những biện pháp được các địa phương thực hiện để đối phó với tình trạng trả ruộng, tuy nhiên thực tế thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nếu không có những chính sách và giải pháp tháo gỡ, giảm chi phí sản xuất lúa thì tình tạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng sẽ ngày càng nhiều, gia tăng diện tích hoang hóa ruộng đất và mất cân đối trong sản xuất nông nghiêp.

Tác giả: Phương Ngọc

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP