Xã hội

Trèo cây, bé 9 tuổi bị lột hoàn toàn da dương vật do tụt quá nhanh

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội) vừa tiến hành cấp cứu khâu nối vi phẫu thành công cho bệnh nhi bị lột gần như hoàn toàn da dương vật do tai nạn.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi

Ngày 8.4, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, bệnh nhi 9 tuổi bị tai nạn do trèo cây và khi tụt xuống quá nhanh nên toàn bộ da dương vật bị chà sát vào thân cây.

Hậu quả, khi bệnh nhi chạm đất gần như toàn bộ da dương vật đã đã lột ra khỏi cơ quan sinh dục chỉ còn dính một phần nhỏ ở bao quy đầu.

Bệnh nhi được tiến hành sơ cứu, băng bó cầm máu rồi chuyển cấp cứu từ bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Khi đến viện phần da dương vật bị lột đã tím tái không còn sức sống, trên da bắt đầu xuất hiện các vết bỏng nước nhỏ - dấu hiệu của sự hoại tử thiếu máu. Các bác sĩ đã triển khai một bàn mổ cấp cứu tối khẩn cấp với mong muốn làm sao có thể cứu sống "chú chim nhỏ" này.

Cũng theo PGS.TS Hà, tổn thương lột da dương vật là một tổn thương phức tạp khi điều trị. Nếu sử dụng vá da thì có thể che phủ được vùng mất da nhưng sau này khi thưc hiện chức năng cương cứng của mình dương vật sẽ rất hạn chế.

Nên các bác sĩ đã phải dùng đến kính hiển vi vi phẫu hiện đại phóng to tổn thương sau đó tìm kiếm các mạch máu nhỏ li ti chỉ khoảng độ 1mm để khâu lại lớp da cũ, nhằm tái lập tuần hoàn cho tổ chức.

Ngay sau khi nối lại được mạch máu hiện tượng lưu thông máu trong vạt da đã được hồi phục. Những ngày tiếp theo màu sắc của da dương vật đã trở nên tươi sáng hơn các điểm phỏng nước và hoại tử thu nhỏ dần.

Sau 10 ngày điều trị gần như toàn bộ phần da dương vật đã được bảo tồn toàn bộ giữ lại được chức năng tăng tối đa cho cơ quan sinh dục ngoài này.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với các trường hợp đứt rời khỏi cơ thể, phần tổ chức dương vật đứt rời cần được bọc trong vải sạch sau đó buộc trong túi ni lông mới thả vào thùng nước đá lạnh để vận chuyển lên cát bệnh viện có khả năng khâu nối vi phẫu. Tuyệt đối không để phần cơ thể đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh sẽ gây ra hiện tượng bỏng lạnh và rất khó sống lại khi được khâu nối.

Tác giả: L.HÀ

Nguồn tin: Báo Kinh tế và Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP