Trong nước

Tranh luận về trần quân hàm Thiếu tướng cho Giám đốc công an tỉnh

Một số đại biểu ủng hộ quy định trần quân hàm Thiếu tướng cho Giám đốc công an cấp tỉnh, nhưng nhiều ý kiến cho rằng "nên cân nhắc".

Sáng 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Theo Điều 26 dự thảo Luật, cấp bậc hàm cao nhất đối với Giám đốc Công an của đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I là Thiếu tướng, trong khi quy định hiện hành chỉ Đại tá.

Ủng hộ quy định nêu trên, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, quân số công an của tỉnh loại một hiện là 4.000-5.000 người, sắp tới còn tăng lên. Bộ Công an đang sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, ở cấp bộ sẽ không bố trí hết các vị trí có quân hàm cấp tướng. Trong khi đó tổ chức lực lượng công an không có cấp binh chủng, quân khu, từ Bộ xuống tỉnh nên Giám đốc Công an cấp tỉnh có trần quân hàm thiếu tướng là cần thiết.

Các đại biểu Trần Văn Mão và Ngàn Phương Loan đồng tình với quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng với Giám đốc công an cấp tỉnh loại một. "Đây là cấp có thể được quy hoạch làm Thứ trưởng Công an, mà Thứ trưởng là Thượng tướng thì Thiếu tướng với Giám đốc Công an tỉnh là phù hợp. Hơn nữa, khi Bộ Công an bỏ cấp tổng cục thì việc thăng hàm cấp tướng cho Giám đốc Công an tỉnh không làm vượt trần số tướng quy định ở Bộ này", bà Loan nói.

Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, Đại tá Lê Tấn Tới đề nghị mở rộng trần quân hàm thiếu tướng cho Giám đốc Công an tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. "Ngoài trừ Hà Nội và TP HCM hiện có cấp bậc hàm cao nhất lên tới Trung tướng, cả nước chỉ có 11 địa phương là tỉnh loại một, tương đương với 11 thiếu tướng. Song thực tế các tỉnh, thành được phân loại một (dựa vào tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên, các yếu tố đặc thù...) không hẳn đã có tình hình an ninh, trật tự phức tạp hơn các địa phương khác", ông Tới nêu quan điểm.

Đại biểu Phạm Văn Hoà. Ảnh: QH

Ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, lại có suy nghĩ khác với các ý kiến. Ông Hòa nhận định, "đây là vấn đề nóng, cần cân nhắc" và nên giữ hàm Đại tá với Giám đốc Công an tỉnh như hiện nay cho tương xứng với cấp chỉ huy quân sự tỉnh; cũng để đảm bảo công bằng giữa những người đứng đầu công an các tỉnh.

Cũng lo ngại có sự "vênh" nhau giữa Giám đốc Công an tỉnh và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh khi một người là Thiếu tướng, người kia chỉ Đại tá, ông Nguyễn Tạo - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nêu vấn đề: “Khi có chiến tranh thì quân đội chỉ huy, lúc đó lực lượng công an chỉ tham gia phối hợp. Người có quân hàm cấp thấp lại chỉ huy người quân hàm cao hơn là có sự bất nhất".

Hơn nữa, theo ông Tạo, nếu phong tướng nhiều hơn cho lực lượng công an thì "e rằng cử tri không ủng hộ”.

Đại biểu Trần Văn Lâm thì cho rằng cấp hàm thể hiện năng lực, phẩm chất, trình độ của người công an nhân dân. Ai có trình độ tướng thì phải phong tướng, còn Giám đốc hay Thứ trưởng là chức vụ. "Đây là sự phân công người và việc. Việc nào cần tướng thì phân công tướng, việc nào cần tá thì phân công tá. Ở địa phương này lúc công việc khó khăn thì cử cấp tướng về, lúc khác ở địa phương khác cần lại điều đến, nên không nhất thiết chỗ này tướng, chỗ kia tá mà phải linh động”, ông Lâm nêu quan điểm.

Chính quy hoá lực lượng công an xã

Về quy định chính quy hoá lực lượng công an xã, 29 ý kiến phát biểu, tranh luận sáng nay trên nghị trường cơ bản ủng hộ.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng phân tích, Hiến pháp 2013 đề cao quyền con người. Trong khi đó, Công an xã thực hiện chức năng tư pháp như tiếp nhận tin báo tố gián tội phạm. “Nếu khi thực hiện quyền tư pháp mà Công an xã không có nhận thức, trang bị kiến thức tư pháp chính quy sẽ dễ xâm phạm quyền con người”, ông Dũng nói.

Đại biểu Lê Tấn Tới. Ảnh: QH

Ông Lê Tấn Tới cũng lập luận, tội phạm dù cấp độ nào cũng xảy ra ở địa bàn nhất định như xóm, ấp, khu dân cư… “Trong kết luận giải quyết khiếu kiện ở địa phương, Thủ tướng đã cảnh báo đừng coi thường những đốm lửa nhỏ, nếu không ngăn chặn kịp thời gặp nắng nóng, gió lên sẽ cản không được”, ông Tới nói.

Dẫn báo cáo của Bộ Công an nêu tiêu chuẩn chuyên môn, trình độ bằng cấp của công an xã là trung cấp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng "như thế chưa đáp ứng được yêu cầu". Theo ông, để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân, trình độ của công an xã phải từ cao đẳng trở lên.

8.000 trưởng công an xã hiện nay sẽ làm gì?

Dù hầu hết đại biểu ủng hộ việc chính quy hóa công an xã, song nhiều ý kiến trăn trở về "số phận" của lực lượng công an bán chuyên trách lâu nay ở các xã.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho rằng, "nếu lực lượng chính quy thay thế ngay anh em bán chuyên trách thì có thể gây lãng phí nguồn nhân lực hiện có, do vậy việc này nên thực hiện theo lộ trình".

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh, cần chính quy hóa công an xã song nên có bước đi cụ thể. “Theo thống kê, sẽ có hơn 8.000 trưởng công an xã, hơn 13.000 phó công an xã, chưa tính công an viên. Tuy nhiên, chúng ta chưa đặt ra vấn đề giải quyết công an việc làm cho lực lượng này như thế nào? Với lực lượng chính quy chuyển từ trên xuống thì giải quyết chỗ ăn, ở thế nào khi gia đình vợ con ở xa?”, ông Hồng nêu câu hỏi.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để hoàn thiển, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội tiếp tục xem xét ở kỳ họp cuối năm.

Điều 26 dự thảo Luật quy định, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan như sau:

a) Đại tướng: Bộ trưởng Công an;

b) Thượng tướng: Thứ trưởng Công an;

c) Trung tướng:

Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an TP HCM;

d) Thiếu tướng:

Trợ lý Bộ trưởng Công an; Cục trưởng và tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản này; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; chức vụ cấp phó của cấp trưởng quy định tại điểm c khoản này;...

Tác giả: Bảo Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP