Hà Tĩnh ngày nay

Trăn trở ở “thủ phủ” thiên tai của Hà Tĩnh

Nằm gối đầu với biển giữa dải đất miền Trung, xóm chài Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) tựa như “thủ phủ” của nắng lửa…

Xóm chài đón khách đến thăm.
Xóm chài đón khách đến thăm.

Nằm gối đầu với biển giữa dải đất miền Trung, xóm chài Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) tựa như “thủ phủ” của nắng lửa, mưa dồn, bão dập. Bão đến mang theo cả đói nghèo. Những năm gần đây, thiên tai liên tục dồn đổ vào dải đất này, làm cho con người nơi đây luôn oằn mình trong khốn khó.

Làng chài nơi đầu sóng ngọn gió

Nằm cách chợ trung tâm xã Thạch Bằng chưa đầy 500 mét nhưng xóm chài Trung Nghĩa như ở một thế giới khác. Lối vào là một con đường bê tông nhỏ xíu, hai bên nhà dân san sát với những dây dợ chằng chịt ngang dọc lối đi, phải vất vả lắm xe của chúng tôi mới vào được giữa thôn sau sự trợ giúp của người dân bản địa. Ấn tượng nhất đối với chúng tôi khi đặt chân đến với xóm chài này là những đứa trẻ. Thấy khách lạ, chúng chạy đến từng toán đông như lúc tan trường. Những đứa trẻ áo quần xộc xệch, mái tóc vàng hoe nhưng sở hữu thân hình rắn chắc và nhanh như sóc. Chúng vui như mở hội, hò reo ầm ĩ rồi chạy xô đến và vây kín những vị khách lạ. Nhận những món đồ chơi từ tay những người khách lạ, tự chia nhau rồi chạy mất hút về phía bờ biển với những con sóng trắng xóa, cao ngập đầu người.

Nằm gối đầu ra biển, Trung Nghĩa là nơi đầu sóng ngọn gió, hứng trọn vẹn những trận cuồng phong của biển cả dội về. Giữa thôn, tòa thánh đường uy nghi, cao vút mặt hướng về phía biển, nhấp nhô xung quanh là những ngôi nhà mái ngói lô xô dưới những hàng dừa đứng hiu quạnh, xơ xác. Những mái nhà thấp tẹt, ấm cúng nằm chen chúc vây quanh ngôi nhà thờ như những đứa con chờ đón nhận sự chở che từ đấng sinh thành. Nắng. Cái nóng lửa của tháng “rám trái bưởi” tỏa lên từ mặt đường bê tông làm ai nấy đều bỏng rát mặt mày. Chúng tôi cố tìm bóng cây xanh để trú nhưng chỉ thấy những cây dừa trơ trọi lá, có lẽ là nơi đầu sóng nên cũng không có loài cây nào trụ nổi với những trận cuồng phong liên tiếp dội về.

Hôm chúng tôi đến, Nhà văn hóa thôn Trung Nghĩa vui như mở hội. Bắt tay một cái thật chặt, Trưởng thôn Trần Xuân Ngân hồ hởi: “Bà con trong ni phấn khởi lắm khi biết tin các anh vô”. Chúng tôi ai cũng cảm động, bởi mặc dù nắng nóng nhưng bà con vẫn tập trung đông đủ để đón đoàn. Tuy nhiên, ngoài người già, trẻ em và phụ nữ, có lẽ trưởng thôn “đầu sáu” Ngân vẫn là “mì chính cánh”. Cái “chức” trưởng thôn đã được người dân tin tưởng giữ ông “thường trực” ở xóm chài để giải quyết các chuyện “thượng vàng, hạ cám” trong thôn. Nhấp một chèn trà đặc sánh, trưởng thôn Ngân bùi ngùi: “Người dân Trung Nghĩa giờ ni cực lắm. Xưa nay người dân sống nhờ vào biển, nhưng mấy năm gần đây biển mất mùa, nhà mô nhà nấy đều thiếu ăn cả”. Bài toán việc làm đang là vấn đề nan giải cho người dân Trung Nghĩa bởi số hộ nghèo lại đang có chiều hướng tăng dần. Sự đói nghèo đều có nguyên nhân do mất mùa cá từ biển, lao động cạn dần do nhiều người bỏ quê đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Chị Trần Thị Nhài buồn rầu bế đứa con nhỏ, mắt dõi nhìn ra biển khơi xa thẳm, thở dài với câu nói chát đắng: “Lấy chồng nghề cá, hồn treo cột buồm” anh ạ!. Nơi đương đầu hứng trọn sự giận giữ của biển cả khi mà chỉ một cơn lũ quét qua, làng xóm trở nên xơ xác; chỉ một trận bão biển, người phụ nữ trở thành góa phụ, khi cánh đàn ông gửi thân lại nơi biển cả. Bi thương hơn là khi mất đi nhân lực lao động chính, cuộc sống ở vùng này trở nên cảnh đói kém triển miên.

Có mặt đón đoàn còn có Phó Chủ tịch xã Trần Ngọc Lý, dáng người nhỏ nhắn, tháo vát như một anh chủ nhiệm hợp tác xã. Anh Lý được người dân Thạch Bằng tin yêu, đánh giá là một cán bộ tâm huyết, lăn lộn với phong trào, thường xuyên bám sát cơ sở, nhất là địa bàn khó khăn Trung Nghĩa. Vuốt ngược mái tóc dãi dầu mưa nắng, anh trăn trở: “Bà con Trung Nghĩa hầu hết đều sống bằng nghề chài lưới. Đây là thôn nghèo nhất xã ni, cái nghèo đói không phải do lười lao động mà do sự bất lực trước thiên tai. Bài toán giải quyết đói nghèo đang thách thức chúng tôi đấy, anh ạ!”.

Trăn trở ở “thủ phủ” của thiên tai

Những đứa trẻ ở xóm chài Trung Nghĩa.

Mong ước nhỏ nhoi

Lật dở từng trang danh sách hộ, trưởng thôn Trần Xuân Ngân thở dài: Cả thôn có 445 hộ với trên 2 nghìn nhân khẩu thì có đến 100 hộ thường xuyên cần sự trợ giúp. Vốn từ lâu chỉ chuyên nghề chài lưới, khi nghề cá lụn bại thì khó có thể chuyển nghề khác kiếm sống nên tình trạng “chạy bữa trước, mất bữa sau” xảy ra ở nhiều gia đình trong xóm. Số người thưởng xuyên có mặt tại nhà chỉ toàn phụ nữ, người già và trẻ nhỏ, thanh niên trong độ tuổi lao động thường xuyên vắng nhà để mưu sinh nơi biển cả! Nói rồi, ông Ngân lại thở dài: Chồng lênh đênh ngoài biển, vợ ở nhà chế biến cá, chạy chợ, chăm con… là “biểu tượng” của xóm chài Trung Nghĩa. Tất bật để lo đủ ăn lúc thuận buồm xuôi gió đã khó, mấy năm gần đây ngư trường cạn kiệt nguồn thủy sản khiến cuộc sống của dân xóm chài Trung Nghĩa càng khốn khó.

Bão đến mang theo cả đói nghèo. Những năm gần đây, thiên tai liên tục dồn đổ vào dải đất miền Trung, làm cho con người nơi đây luôn oằn mình trong khốn khó. Và có lẽ cũng chính do cái khắc nghiệt ấy của đất trời là một trong những nguyên nhân làm cho tài nguyên biển ở rải đất này thêm cạn kiệt. Trước kia, chợ cá Thạch Bằng vốn đông vui nhộn nhịp, nhiều loài hải sản quý được thương lái khắp nơi tìm về thu mua xuất khẩu thì nay thưa thớt, cả chợ chỉ có vài hàng cá với những chủng loại ở mức tầm thường.

Chiều tối, chị Đào Hương, nhà báo Nguyễn Việt cùng các anh em trong đoàn rủ nhau ra bãi biển. Hoàng hôn trên biển Thạch Bằng tím ngắt. Từng đợt sóng liên tục dội về du dương mát rượi, vị mặn mòi của biển cả làm chúng tôi cay cay nơi khóe mắt. Phó Chủ tịch Lý khắc khoải: “Cái khó bó cái khôn anh ạ, xăng dầu tăng, nguồn thủy sản cạn kiệt đã làm cho người dân càng thêm khốn khó. Mấy năm nay người dân không thể tái đầu tư được nữa do nợ vay ngân hàng mỗi ngày một nhiều”. Nói rồi, anh cho biết thêm, người dân Trung Nghĩa vốn không cam chịu với đói nghèo, nhiều hộ gia đình quyết tâm vay vốn đóng tàu thuyền để ra khơi đánh cá, rồi khoanh vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Có thời điểm cả thôn có đến vài chục tàu cá, diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến cả chục héc ta. Người dân mừng vô kể khi phong trào thủy sản trong thôn phát triển mạnh mẽ.

Thế nhưng không ngờ biển cả lại phụ công người. Trải nghiệm được niềm vui, nỗi buồn của những ngư dân “cày sóng”, có lúc sóng xô thuyền dạt mất cả lưới chài trong khi cá nguồn lại cạn kiệt, trước kia mỗi chuyến ra khơi mang về hàng tạ cá, thậm chí có người còn câu được cả cá “Ngừ đại dương”, có con nặng vài ba chục kilô, ba người khiêng khệ nệ một con từ tàu lên bờ thì nay có chuyến chỉ vài chục cân và hầu như toàn loại cá chỉ để làm mắm. Chỉ tay về phía khu đầm nuôi thủy sản rộng hàng chục héc ta bỏ hoang, cỏ mọc um tùm phía trước thôn Trung Nghĩa, trưởng thôn Ngân trải lòng: Do ô nhiễm rác thải, nước ở các giếng trong khu vực đen ngòm, mùi thum thủm dẫn đến tình trạng cá nuôi thì liên tục bị ô nhiễm, dịch bệnh nên chết nhiều, nguồn thu không có, lãi mẹ đẻ lãi con nên nhiều người dân “cụt vốn” đành bỏ đầm hoang… Cơ cực nhất là thiếu nguồn nước ngọt sinh hoạt. Nhiều gia đình phải ra tận trung tâm xã chở nước về làm cho cuộc sống sinh hoạt người dân thêm cơ cực. Thế nhưng không ít gia đình vẫn phải dùng thứ nước này để tắm giặt, bất chấp những mầm bệnh hiểm nguy tiềm ẩn. Đến chủ thuyền cũng khổ nên nhiều chủ thuyền đã tìm cách ly hương, người xuất khẩu lao động, người đã bỏ quê vào Tây nguyên sinh kế, thậm chí có gia đình còn kéo cả nhà đi làm thuê hoặc thuê đất trồng cà phê, cao su làm cho xóm chài Trung Nghĩa càng thêm hiu hắt.

Rời làng chài Trung Nghĩa là một con đường rộng thênh thang hàng chục mét, nơi phố huyện Lộc Hà đang xây dựng ngay trên mảnh đất Thạch Bằng. Nhìn khu quy hoạch, tôi liên tưởng đến một ngày không xa ánh sáng phố huyện Lộc Hà sẽ tỏa sáng xóm chài Trung Nghĩa. Con đường nhỏ – “nút thắt” đói nghèo dẫn vào xóm chài này sẽ rộng mở, Trung Nghĩa sẽ hòa vào sự phát triển của Thạch Bằng mà thay da đổi thịt, bởi theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Nguyễn Đình Cương thì: Sẽ phấn đấu đưa Thạch Bằng đủ tiêu chí xã nông thôn mới trong vài năm tới! Còn ông Phạm Công Hà – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Lộc Hà thì trải lòng: “Để dân đói nghèo là lỗi một phần của người cán bộ, nhất khi họ lại là người dân công giáo thì anh em chúng tôi trăn trở lắm!”. Với những người cán bộ tâm huyết như vừa gặp, tôi rất muốn tin vào một ngày không xa Trung nghĩa sẽ hết đói nghèo và được khoác trên mình màu áo mới!

Bài, ảnh: Thanh Hội/ SK&ĐS

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP