Tin Liên Quan

Trận thắng lớn của những con người bé nhỏ

Giữa không khí của những ngày "Tháng Tám rực lửa", chúng tôi tìm đến Đại tá Hoàng Thước (nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn Pháo phòng không 280), là người trực tiếp chiến đấu tại trận địa Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bảo vệ TP Vinh, trong những ngày đầu đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc.

Tiếp chuyện ông trong căn phòng làm việc của Mặt trận Tổ quốc tại UBND phường Hưng Phúc (TP Vinh), chúng tôi đã hiểu thêm nhiều điều về chiến công đánh thắng trận đầu (5/8/1964) mà ông và các đồng đội đã đạt được. Để thấy một điều rằng đó thực sự là một trận thắng lớn của những con người bé nhỏ.


Tròn 45 năm về trước, “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” (sau này được phía Mỹ thừa nhận là bịa đặt) được xem là mốc khởi đầu khá lý tưởng cho chiến dịch tấn công đánh phá miền Bắc Việt Nam, với âm mưu “đánh đòn phủ đầu, phô trương lực lượng, uy hiếp tinh thần đối phương” của đế quốc Mỹ. Thế nhưng cái mà chúng nhận được, là một sự giáng trả đích đáng từ những lực lượng, nếu so về nhiều mặt, có thể chạy theo Mỹ hàng thế kỷ. Kết quả là 8/64 chiếc máy bay tham chiến đã bị bắn hạ, trong đó 3 chiếc bị bắn rơi ngay trên bầu trời Nghệ Tĩnh.


Ông Thước đã kể cho chúng tôi nghe về cảm giác đầu tiên đương đầu với bầy “diều hâu sắt” mà ông và đồng đội đã trải qua. Đó là thứ cảm giác đan xen giữa lòng căm thù giặc và ý chí quyết tâm, giữa ý thức cá nhân và niềm tự hào dân tộc, tất cả như đang trào dâng, cuộn chảy trong huyết quản.


Mà không tự hào sao được, khi họ là những lớp người đầu tiên được chọn đứng trong hàng ngũ của lực lượng tiên phong trực tiếp đương đầu với những đợt tấn công bằng không quân của kẻ địch hùng mạnh, để bảo vệ vùng trời tự do của Tổ quốc. Trận đầu đánh thắng, không chỉ có ý nghĩa về quân sự, mà còn có ý nghĩa hết sức to lớn về cả chính trị và ngoại giao, khẳng định bằng chứng cứ thuyết phục quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta.


Những tháng đầu năm 1964, miền Bắc đã có những sự chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới đầy thử thách. Hội nghị chính trị đặc biệt vào tháng 3/1964 đã biểu thị tinh thần đoàn kết, quyết tâm đánh giặc thống nhất đất nước của toàn dân tộc Việt Nam. Lúc này lực lượng phòng không, lực lượng phòng thủ bờ biển được củng cố và tăng cường. Đó chính là sự đảm bảo để quân và dân miền Bắc tự tin đương đầu với không quân, hải quân Mỹ.


Tại khu vực TP Vinh, ngoài lực lượng Hải quân đóng ở Cửa Hội, Trung đoàn Pháo phòng không 280 (được điều về năm 1960 từ Sơn Tây) cũng đã bước vào thế trận sẵn sàng chiến đấu, để bảo vệ các mục tiêu quan trọng: Nhà máy điện Vinh, Cảng phà Bến Thủy, Kho xăng dầu Hưng Hòa, cùng các cơ quan hành chính tỉnh Nghệ An. Trung đoàn 280 đã bố trí chốt chặn tại các cửa ngõ vào TP Vinh: cảng Bến Thủy, phía đông núi Quyết, và Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), hình thành nên một vòng cung, sẵn sàng nhả đạn, bủa vây khi máy bay địch xâm phạm.


Trong trận tập kích đầu tiên vào lúc 12h30 (lúc này ông Thước đang là Tiểu đội trưởng rađa, Đại đội 138 trực chiến tại Xuân An), khi trinh sát phát hiện 4 chiếc A4D bay thấp theo hướng 34 tấn công thẳng vào trận địa của đại đội (tổng số có 8 chiếc tấn công vào khu vực Vinh, Bến Thủy).


Ngay lập tức, Chính trị viên đại đội Trần Văn Liêm, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Sa, Trung đội trưởng pháo Nguyễn Văn Ny, quản lý đại đội Nguyễn Đình Chi, pháo thủ Nguyễn Văn Bửu và nhiều chiến sĩ khác đã nhanh chóng lao ra vị trí chiến đấu. Chính trị viên lao nhanh lên thành công sự hô lớn “Tất cả nhanh chóng về vị trí chiến đấu, bình tĩnh bắt mục tiêu, kiên quyết bắn rơi máy bay địch”. Lời của Chính trị viên đại đội như một liều thuốc tinh thần có tác động mạnh giữa lúc nước sôi lửa bỏng, để anh em thêm tự tin bước vào trận chiến.


Do đường dây truyền phần tử bắn từ máy chỉ huy ra trung tâm trận địa đã bị loạt rốckét đầu tiên của địch bắn hỏng, thế nên Đại đội trưởng đã chỉ huy cho các khẩu đội chuyển sang bắn trực tiếp bằng phần tử lắp sẵn. Sau 15 phút chiến đấu, trận địa pháo gồm 8 khẩu đã nhắm vào đội hình bay của địch đồng loạt nhả đạn.


Cùng lúc đó ở trận địa của Đại đội Pháo phòng không 57 (thuộc Tiểu đoàn 71 bảo vệ cảng Bến Thủy) cuộc chiến đấu cũng diễn ra rất ác liệt. Một tốp A4D bổ nhào đánh thẳng vào trận địa, khiến 5 chiến sĩ bị thương.


Hơi bất ngờ vì lối đánh nhanh, thẳng vào trận địa của địch, nên ban đầu các trận địa có phần lúng túng, khiến cho địch đã kịp tấn công làm kho xăng dầu Hưng Hòa bốc cháy. Thế nhưng, kết thúc trận đánh, 2 chiếc máy bay địch bị bắn hạ (1 chiếc rơi cách bờ 10km), cùng với sự linh hoạt trong cách đánh đã đủ cho thấy được bước phát triển vượt bậc của lực lượng pháo phòng không còn non trẻ của quân và dân ta khi đương đầu với máy bay địch.


Sau trận đầu tiên Bộ Tư lệnh phòng không, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Thành ủy và chỉ huy trung đoàn đã nhanh chóng gửi điện khen ngợi tinh thần chiến đấu của anh em và nhắc nhở các lực lượng nâng cao cảnh giác, củng cố lực lượng để đương đầu với những trận đánh sắp tới.


Bước sang trận đánh thứ 2 lúc 16h30, ông Thước cho biết, do địch phát hiện được Đại đội 138 (pháo trung cao) ở phía trước đội hình chiến đấu, khả năng bắn máy bay bay thấp bị hạn chế và chưa có súng máy phòng không bảo vệ. Các lực lượng phòng không bên bờ bắc sông Lam lại ở cách xa, khả năng chi viện cho Đại đội 138 thấp. Thế nên, trận này địch chủ yếu đánh chế áp trận địa của Đại đội 138 bằng chiến thuật: từng chiếc một, từ dãy Hồng Lĩnh bay là ở cao độ 600 – 800 m, phóng rốckét và đạn 20 ly vào trận địa, sau đó cất cao, ngoặt nhanh ra biển tránh đạn cao xạ.


Bằng chiến thuật đó, máy bay địch đã gây không ít khó khăn cho ta, số chiến sĩ bị thương và hy sinh khá nhiều. Tuy nhiên, phán đoán được thủ đoạn của địch, đồng thời rút kinh nghiệm từ trận trước, ngay lập tức các trung đội được chỉ thị bắn bằng phần tử bắn trực tiếp, tạo thành màn đạn khi bắn loạt, trước hướng máy bay địch bổ nhào.


Trận chiến đấu này, Đại đội 138 đã chiến đấu rất anh dũng, đánh bật nhiều đợt không kích của địch, trực tiếp bắn rơi 1 máy bay A4D, nâng tổng số “diều hâu sắt” của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời xứ Nghệ lên con số 3.


Một thoáng trầm buồn, ông Thước lắng giọng. Để đạt được chiến công đó, biết bao đồng đội của ông đã bị thương, có những người ngã xuống ngay trên mâm pháo. Ông vẫn còn nhớ như in tấm gương chiến đấu dũng cảm của khẩu đội trưởng Phan Đăng Cát.


Do có việc riêng, anh được đơn vị cho đi phép tranh thủ, nhưng chưa kịp đi thì trận chiến đấu xảy ra. Anh đã lao nhanh ra vị trí, chỉ huy khẩu đội chiến đấu, 2 lần bị thương nhưng anh vẫn tự băng bó, nén đau tiếp tục chiến đấu. Thế nhưng, đến lần thứ 3, do vết thương quá nặng, anh đã anh dũng hy sinh khi trên tay còn nắm chắc lá cờ chỉ huy.


45 năm đã trôi qua, chiến công đánh thắng trận đầu vẫn mãi là biểu tượng lớn lao cho tinh thần và ý chí quyết tâm chiến đấu chống lại kẻ thù hùng mạnh của quân dân ta. Về xứ Nghệ hôm nay, chiến công đó vẫn luôn được nhắc nhở, là bài học lớn về khát vọng giành lấy hòa bình, độc lập, tự do của cha ông, của những người con quê hương của phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh anh hùng.


Tiến Đông

CAND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP